Theo đó, mức thu học phí năm học tới giảm mạnh đến 50% so với mức thu học phí được áp dụng trong năm học 2023-2024.
Cụ thể, đối với trẻ mầm non vùng nông thôn và thành thị có mức học phí từ 60.000 đồng – 160.000 đồng/học sinh/tháng; trẻ mầm non vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có mức thu từ 30.000 đồng – 60.000 đồng/học sinh/tháng.
Học sinh tiểu học, THCS, THPT, giáo dục thường xuyên, và trường THPT Chuyên ở nông thôn và thành thị có mức thu thấp nhất là 60.000 đồng/học sinh/tháng; cao nhất là 180.000 đồng/học sinh/tháng.
Vùng dân tộc thiểu số và miền núi, mức thu học phí các cấp học trên dao động từ 30.000 - 60.000 đồng/học sinh/tháng. Số tháng thu học phí theo tháng thực học nhưng không quá 9 tháng/năm.
Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025. |
Mức thu học phí học trực tuyến bằng 80% mức thu học phí trực tiếp.
Nghị quyết 08 của Hội đồng nhân tỉnh Vĩnh Phúc quy định, mức thu quy định dùng làm cơ sở để hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học, học sinh THCS đang học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn, giảm học phí theo quy định tại Nghị định số 81 của Chính phủ. Theo Luật Giáo dục, học sinh tiểu học đang học tại các cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí.
Năm học trước đó, Vĩnh Phúc quy định cơ sở giáo dục công lập chưa đảm bảo mức chi thường xuyên, trẻ mầm non có mức thấp nhất là 50.000 đồng/học sinh/tháng đối với khu vực miền núi và cao nhất là 300.000 đồng đối với thành thị.
Học sinh tiểu học, THCS – THPT, THPT Chuyên có mức thu cao nhất lên tới 360.000 đồng và thấp nhất 100.000 đồng/học sinh/tháng.
Theo Nghị định 81 của Chính phủ, mức thu học phí được xây dựng theo nguyên tắc chia sẻ giữa nhà nước và người học, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm, lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo theo quy định và bảo đảm chất lượng giáo dục.