Bảo vệ sức khỏe bằng khẩu trang
Vào 6 giờ sáng 6/11, hàng chục điểm đo chất lượng không khí của mạng lưới PAM Air ghi nhận chất lượng không khí Hà Nội phổ biến ở ngưỡng đỏ (ngưỡng xấu - có hại cho sức khỏe tất cả mọi người), cá biệt một số điểm lên ngưỡng tím (ngưỡng rất xấu - rất có hại cho sức khỏe mọi người). Tình trạng này duy trì suốt buổi sáng, đến trưa chiều, chất lượng không khí được cải thiện nhưng vẫn phổ biến ở ngưỡng đỏ và ngưỡng cam (bắt đầu ảnh hưởng đến sức khỏe các đối tượng nhạy cảm như người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch).
Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang bước vào mùa ô nhiễm không khí cao điểm trong năm. Ảnh: Như Ý |
Theo bà Hà Thanh Hương, Quản lý dự án PAM Air, chất lượng không khí trung bình toàn Hà Nội gần đây đang có diễn biến xấu đi. Không khí thường ô nhiễm vào đêm muộn kéo dài đến sáng sớm, thậm chí là đến trưa ngày hôm sau. Đợt ô nhiễm này bắt đầu từ 3/11, dự báo có thể còn kéo dài cho đến hết tuần này.
Chia sẻ nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí những ngày qua, các chuyên gia cho biết, ô nhiễm không khí ở Hà Nội liên quan đến khí tượng. Những ngày qua, thời tiết Hà Nội xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt khiến các chất ô nhiễm không khí từ nguồn giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp, làng nghề và các hoạt động dân sinh không phát tán được mà đọng lại ở khu vực gần mặt đất, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Những ngày ô nhiễm, người dân cần hạn chế ra khỏi nhà, vận động, tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách. Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt là sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Báo cáo môi trường quốc gia giai đoạn 2026-2020 ghi nhận, ô nhiễm không khí ở Việt Nam chịu tác động rất rõ rệt bởi yếu tố khí hậu.
Diễn biến nồng độ bụi trong không khí cũng thay đổi theo quy luật trong ngày, thể hiện rõ nhất tại các khu vực gần trục giao thông. Nồng độ bụi tăng cao vào các giờ cao điểm giao thông, giảm xuống thấp nhất vào giữa trưa và đêm.
Bà Hà Thanh Hương cho hay, với đặc thù khí hậu tại miền Bắc Việt Nam, khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau chất lượng không khí thường bị ô nhiễm theo từng đợt, mỗi đợt có thể kéo dài 2-5 ngày, thậm chí có năm ghi nhận kéo dài 14 ngày liên tục. “Vì vậy, trong khoảng thời gian này người dân nên theo dõi diễn biến chất lượng không khí thường xuyên và chủ động bảo vệ sức khỏe bằng cách đeo khẩu trang chống bụi mịn PM2,5, hạn chế các hoạt động ngoài trời vào buối sáng sớm và đêm muộn”, bà Hương nói.
Hà Nội có số ngày ô nhiễm không khí rất nhiều
Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, ô nhiễm môi trường không khí tại Việt Nam chủ yếu xảy ra tại các thành phố, đô thị lớn; khu vực công nghiệp.
Công bố của bộ này cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2020, dù chất lượng môi trường không khí mỗi năm có khác nhau, song tình trạng ô nhiễm bụi thường xuyên xảy ra tại các thành phố, đô thị lớn, các khu vực tập trung nhiều hoạt động công nghiệp, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm bụi PM10 và bụi PM2,5 tại Hà Nội, TPHCM. Đây luôn là một trong những vấn đề nóng và đặt ra nhiều thách thức.
Riêng tại Hà Nội, số ngày trong năm 2019 có giá trị AQI ở mức kém và xấu chiếm 30,5% tổng số ngày quan trắc trong năm, một số ngày chất lượng không khí suy giảm đến ngưỡng rất xấu (AQI = 201 - 300).
Trước tình trạng ô nhiễm không khí xảy ra nghiêm trọng nhiều năm qua, Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí để hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống, trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.