Miền Bắc đạt kỷ lục về tiêu thụ điện

Miền Bắc đạt kỷ lục về tiêu thụ điện
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Ninh, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) cho biết, ngày 2/6 là ngày có nhu cầu tiêu thụ điện cao nhất từ đầu năm tới nay với mức tăng trưởng hệ thống điện miền Bắc khoảng 17- 18%.

Tình hình nắng nóng tại miền Bắc và miền Trung trong những ngày qua có ảnh hưởng như thế nào đến hệ thống điện, thưa ông?

Trong các ngày 1 và 2/6, công suất tiêu thụ cực đại đạt xấp xỉ 30.200 MW, tăng 13,8% so với tuần trước và tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái; sản lượng điện đạt xấp xỉ 631 triệu kWh, tăng 11,8% so với tuần trước  và cao hơn 10,41% so với cùng kỳ năm 2016.

Riêng hệ thống điện miền Bắc cũng ghi nhận những số liệu cao nhất trong lịch sử, khi sản lượng điện tiêu thụ đạt xấp xỉ 290 triệu kWh (tăng 10% so với cùng kỳ năm trước).

Hiện, miền Nam đã chuyển mùa, còn miền Trung vẫn giữ mức nhiệt độ khá cao trong suốt vài tuần gần đây nên nhu cầu tiêu thụ điện tăng nhẹ, không có biến động lớn như miền Bắc. Tuy nhiên, thời gian này rơi vào các ngày nghỉ cuối tuần nên nhu cầu tiêu thụ điện sẽ
giảm xuống.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và A0 đã và đang triển khai những giải pháp  gì để đảm bảo hệ  thống điện vận hành an toàn, ổn định, cũng như cung cấp đủ điện cho người dân cả nước?

Thời kỳ cao điểm mùa khô luôn là giai đoạn vận hành căng thẳng nhất của hệ thống điện. Tuy nhiên, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vẫn đang hoàn toàn chủ động trong việc đảm bảo cung ứng điện cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của cả nước và đời sống nhân dân, nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ đầu năm.

EVN cũng đã chỉ đạo quyết liệt và tạo mọi điều kiện để đưa các tổ máy của Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 (với tổng công suất 1.244 MW) vào vận hành đúng tiến độ. Tính riêng 4 tháng đầu năm, Nhà máy này đã sản xuất được khoảng 1,35 tỷ kWh, góp phần quan trọng đảm bảo điện cho miền Nam.

Bên cạnh đó, EVN cũng xây dựng phương án vận hành Hệ thống điện Quốc gia trong tình huống cực đoan nhất như nắng nóng kéo dài và diễn ra đồng thời trên cả 3 miền để sẵn sàng các biện pháp ứng phó.

Nếu nắng nóng vẫn tiếp diễn và tăng cường, liệu EVN/A0 có đảm bảo cung cấp điện cho cả nước hay không, thưa ông? 

Đây mới chỉ là đợt nắng nóng trên diện rộng đầu tiên của năm nay. Các số liệu ghi nhận được cũng cho thấy ngày 2/6 đang là ngày có nhu cầu tiêu thụ điện cao nhất từ đầu năm tới nay (cả về công suất và sản lượng) với mức tăng trưởng hệ thống điện miền Bắc khoảng 17- 18% so với năm 2016. Tuy nhiên, số liệu này vẫn thấp hơn kịch bản phương án vận hành cực đoan mà EVN/A0 dự đoán (với sản lượng khoảng 658 triệu kWh, công suất cực đại 31.702 MW, mức tăng trưởng hệ thống điện miền Bắc xấp xỉ 20% so với ngày có sản lượng điện tiêu thụ cao nhất năm 2016).

EVN cũng như A0 vẫn đang đang đảm bảo cung cấp điện ổn định trên cả nước, tuy nhiên,  để giảm áp lực cho hệ thống điện,  chúng tôi cũng khuyến cáo và mong muốn bà con nhân dân nâng cao tinh thần tiết kiệm điện, sử dụng điện một cách tiết kiệm, hiệu quả, đặc biệt trong các ngày nắng nóng và trong các giờ cao điểm.

Cảm ơn ông.

Không được cắt điện khi nhiệt độ trên 36 độ C

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) : “Lượng điện tiêu thụ của toàn thành phố đã tăng rất mạnh. Cụ thể, ngày 31/5/2017, điện sử dụng tăng lên 59,66 triệu kWh và nhảy vọt lên tới 62,94 triệu kWh trong ngày 1/6. So với cùng kỳ tháng trước đó, lượng điện tiêu thụ của toàn Hà Nội tăng 128%. Ngày 2/6 lượng điện sử dụng toàn thành phố đạt 71.643.000 kWh, tăng 129% so với cùng kỳ tháng trước. Dự báo, trong những ngày nắng nóng, ngày cao nhất có thể lên tới 73,46 triệu kWh, tăng trưởng 115% so với năm 2016”.

EVNHANOI đã yêu cầu các công ty điện lực tăng cường lực lượng ứng trực khi nhiệt độ trên 35 độ C, để kịp thời xử lý nếu có sự cố xảy ra, giảm thiểu thời gian mất điện của khách hàng. Đặc biệt, khi nhiệt độ ngoài trời trên 36 độ C, EVNHANOI sẽ không cắt điện trên lưới, trừ trường hợp xử lý các sự cố.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.