Miền Bắc có thể đón không khí lạnh tăng cường vào mùng 3 Tết

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Khoảng mùng 3 Tết, một đợt không khí lạnh có thể tăng cường xuống nước ta, khiến nền nhiệt giảm ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung mưa dông.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết khoảng 23-24/1 (mùng 2-3 Tết Quý Mão), một đợt không khí lạnh có thể tăng cường xuống nước ta.

Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh này, miền Bắc giảm nhiệt từ 3-4 độ so với những ngày trước. Cụ thể từ 24-26/1 (mùng 3-5 Tết), các tỉnh miền Bắc có mưa vài nơi, trời nhiều mây, âm u. Nhiệt độ cao nhất trong ngày dao động từ 16-19 độ, nhiệt độ thấp nhất từ 12-15 độ C, vùng núi cao dưới 9 độ.

Miền Bắc có thể đón không khí lạnh tăng cường vào mùng 3 Tết ảnh 1

Miền Bắc có thể đón không khí lạnh tăng cường vào mùng 3 Tết.

Trước đó, trong hai ngày 17-18/1 (từ 26-27 tháng Chạp), miền Bắc chìm sâu trong đợt không khí tràn xuống nước ta. Trời rét đậm, vùng núi rét hại. Nhiệt độ cao nhất phổ biến 14-17 độ C, riêng khu Tây Bắc có nơi trên 18 độ C, nhiệt độ thấp nhất 9-12 độ C, vùng núi 6-9 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 3 độ C. Vùng núi cao có khả năng xảy ra mưa tuyết và băng giá.

Từ ngày 19-23/1 (từ 28 tháng Chạp đến mùng 2 Tết), không khí lạnh có dấu hiệu suy yếu dần. Miền Bắc có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác. Nền nhiệt tăng dần với nhiệt độ cao nhất 18-22 độ C, nhiệt độ thấp nhất 12-16 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 10 độ C.

Tại các tỉnh từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên Huế, cũng do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên mùng 3-5 Tết, trời có mưa, mưa rào rải rác, cục bộ có mưa to và dông, trời rét. Nhiệt độ cao nhất phía Bắc 18-21 độ C, phía Nam 20-23 độ C, nhiệt độ thấp nhất phía Bắc 14-17 độ C, phía Nam 17-20 độ C.

Miền Bắc có thể đón không khí lạnh tăng cường vào mùng 3 Tết ảnh 2

Miền Trung có thể đón mưa dông trong thời gian Tết.

Trước đó trong hai ngày 17-18/1 (từ 26-27 tháng Chạp), các tỉnh Thanh Hóa – Nghệ An có mưa vài nơi, Hà Tĩnh – Thừa Thiên Huế có mưa, mưa rào, cục bộ có mưa vừa, mưa to và dông. Thanh Hóa – Nghệ An trời rét đậm với nhiệt độ cao nhất 14-18 độ C, nhiệt độ thấp nhất 11-14 độ C. Hà Tĩnh – Thừa Thiên Huế trời rét với nhiệt độ cao nhất 19-22 độ C, nhiệt độ thấp nhất 15-18 độ C.

Từ ngày 19-23/1, (từ 28 tháng Chạp đến mùng 2 Tết), các tỉnh Thanh Hóa – Nghệ An có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, riêng ngày 23/1 có mưa rải rác. Các tỉnh Hà Tĩnh – Thừa Thiên Huế tiếp tục có mưa, mưa rào rải rác. Trời rét. Nhiệt độ cao nhất 18-22 độ C, nhiệt độ thấp nhất Thanh Hóa – Nghệ An từ 14-17 độ C, Hà Tĩnh – Thừa Thiên Huế từ 17-20 độ C.

Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên từ mùng 3-5 Tết có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông, riêng Bình Định đến Bình Thuận mưa ít. Nhiệt độ cao nhất từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi khoảng 24-27 độ C, từ Bình Định đến Bình Thuận từ 28-31 độ C. Nhiệt độ thấp nhất từ 21-24 độ C.

Trước đó từ 17-23/1 (ngày 26 tháng Chạp đến ngày mùng 2 Tết), các tỉnh Đà Nẵng đến Bình Thuận có mưa rào và dông vài nơi, riêng Đà Nẵng – Quảng Ngãi trong hai ngày 17-18/1 có mưa, mưa rào và có nơi có dông, cục bộ có mưa to. Phía Bắc trời lạnh. Nhiệt độ cao nhất phía Bắc 24-28 độ C, phía Nam 28-31 độ C, nhiệt độ thấp nhất từ 20-24 độ C.

Khu vực Tây Nguyên từ 17-26/1 (từ 26 tháng Chạp đến mùng 5 Tết), trời ít mưa, ngày nắng. Đêm và sáng trời rét. Nhiệt độ cao nhất 27-30 độ C, nhiệt độ thấp nhất 17-20 độ C.

Nam Bộ từ nay đến mùng 5 Tết duy trì thời tiết ít mưa, ngày nắng. Nhiệt độ cao nhất 31-34 độ C, nhiệt độ thấp nhất 22-25 độ C.

Dự báo trong những ngày Tết, Nam Bộ có thể đón triều cường dâng cao, gây ngập úng cục bộ ở khu vực trũng thấp, vùng ven sông ven biển, vùng ngoài đê bao, có thể ảnh hưởng đến hoạt động du xuân của người dân ở thời điểm triều cường đạt đỉnh.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.