Michael Bay và giới phê bình: “Ghét ư? Cứ để họ ghét!”

 Michael Bay trong một cảnh quay cháy nổ của “Transformers” phần 4
Michael Bay trong một cảnh quay cháy nổ của “Transformers” phần 4
TP - Giới phê bình ghét Transformers: Age of Extinction (phần 4 ra mắt hôm 26/6) đến nỗi chế giễu không chừa một từ nào. “Cứ để họ ghét” - đạo diễn Michael Bay nói với MTV - “Đằng nào họ sẽ vẫn đến rạp xem phim”.

Không sợ bị ghét, chỉ sợ khán giả không bỏ tiền

Michael Bay chẳng phiền lòng chút nào khi Transformers 4 bị giới phê bình đánh giá thấp nhất trong cả loạt phim. Ông tự tin rằng, kể cả những người chỉ trích Transformers 4 thậm tệ nhất cũng phải đến rạp: “Họ càng chê bai càng tăng mức độ căng thẳng. Rất tốt”.

Lorenzo Di Bonaventura, nhà sản xuất của bộ phim, lại không thản nhiên được như vậy: “Người ta chê mà không hiểu tính chất của thể loại phim. Họ cứ như so sánh Transformers với một phim của Martin Scorsese hay phim tâm lý”.

Bay là kiểu đạo diễn kỳ lạ. Từng bị dán nhãn là Hitler, gã làm phim thuê, kẻ phân biệt giới tính (phim toàn đề cao đàn ông); đỉnh điểm là lần bị Entertainment Weekly hỏi “Ông có phải là quỷ không?” hồi năm 1998. Từ năm đó, Bay ra mắt lần lượt Pearl Harbor (Trân Châu cảng), The Island, Bad Boys 2, Pain & Gain, loạt Transformers (Rô bốt đại chiến) đến nay có 4 phần.

Nhưng doanh thu phim của Bay đều thuộc dạng “nổ tung”, hơn bất cứ vụ nổ nào trong phim. Điều trái khoáy là, năm 2011, cây bút Scott Foundas của tờ Variety gọi Bay là “nhà sáng tạo”. Nhưng với Transformers phần 4, đã đến lúc làm rõ, Bay chẳng phải nhà sáng tạo mà là nhà làm phim bom tấn thương mại. Phim của ông toát lên hai chữ “thương mại” từ đầu đến cuối, từ trong ra ngoài.

Giới phê bình chê đến nát cả phim, nhưng vẫn phải thừa nhận: “Khán giả sẽ không cưỡng lại được việc mua vé, bỏng ngô và vào rạp ngồi 3 tiếng”.

Bạo chi, bội thu

Kinh phí 210 triệu USD, máy quay 3D Imax xịn nhất, mỗi cảnh đều có công nghệ CGI can thiệp. Bản thân Transformers 4 đầy ắp quảng cáo. Cảnh đánh nhau hoành tráng cuối phim ở Bắc Kinh chi chít bảng hiệu Victoria’s Secret, Tom Ford, Coors… và số lượng không đếm nổi các thương hiệu Trung Quốc, trong đó có máy tính Lenovo.

Ngay khi khởi nghiệp, Bay đã tìm cách làm sao để quay được nhiều cảnh cháy nổ, bắn giết hoành tráng để “rửa mắt” khán giả. Năm 1996 làm Bad Boys, ông xin hãng Paramount thêm 25.000 USD chỉ để quay thêm một cảnh nhân vật của Martin Lawrence bắn đối thủ rơi khỏi máy bay.

Năm 2003, khi hãng này từ chối chi thêm tiền làm phần 2 vì “không cần thiết”, Bay tự viết séc luôn, đổi lại ông sẽ thu lời nếu phim vượt ngưỡng doanh thu 60 triệu USD. Cuối cùng, doanh thu của Bad Boys 2 là 273 triệu USD.

Có hai phim của Bay từng được chọn đưa vào bộ DVD “tinh hoa” The Criterion Collection, đó là Armageddon (Ngày tận thế) năm 1998 và The Rock năm 1996. Armageddon (có bài hát nhạc phim kinh điển I Don’t Want To Miss A Thing) là phim bom tấn thuộc hàng kinh điển nhưng từ năm 1998 đến nay, gần 2 thập kỷ từ thời đó, nền công nghiệp điện ảnh đã thay đổi.

“Transformers 4”: Mạnh nhất trong một mùa hè “yếu”

Transformers 4 giành được số điểm tệ hại, 18%, trên trang phê bình Rotten Tomatoes, nhưng đang có doanh thu 312 triệu USD toàn cầu. Trang Deadline lại đưa tin hãng Paramount đã nói dối về kỷ lục “100 triệu USD trong 3 ngày đầu”, con số chính xác hơn là 97,5 triệu USD.

Hiện Transformers 4 vẫn giữ kỷ lục năm nay, ăn khách hạng nhất trong một mùa phim hè được đánh giá là doanh thu hơi yếu. Bộ phim được dự đoán sẽ là phim mới nhất đạt doanh thu tỷ đô của Hollywood kể từ Frozen mùa đông năm ngoái.

MỚI - NÓNG