Transformers 4: Chẳng có gì ngoài hủy diệt

Kiểu trình diễn khoa trương của Micheal Bay
Kiểu trình diễn khoa trương của Micheal Bay
Đúng với tên gọi Age of extinction, Transformers ở phần thứ tư này thực sự là một màn hủy diệt đúng nghĩa.

Bộ phim rõ ràng là cuộc chơi của người ngồi sau máy tính hơn là người đứng sau máy quay, và các nhà làm phim Transformer, một cách kệch cỡm, đang thể hiện mình là gã trọc phú luôn sẵn sàng chi tiền cho những bản giao hưởng phá hoại của họ.

Trong Transformers, lão Autobot đầu sỏ Optimus Prime có nói: “công nghệ đang hủy diệt thế giới này”, chưa biết công nghệ có đủ khả năng hủy diệt thế giới hay không nhưng chắc chắn rằng, lạm dụng công nghệ như Micheal Bay là phương thức hủy diệt nghệ thuật nhanh nhất.

Transformers cho thấy Hollywood đã bước chân đến một kỷ nguyên mà đại đa số những bộ phim bom tấn đang làm mưa làm gió ngoài rạp là thứ điện ảnh phụ thuộc hoàn toàn vào máy móc. Chỉ tính riêng mùa hè năm nay thôi đã có đến hai bộ phim bom tấn như thế, Godzilla và Transformers.

Thậm chí trong Godzilla, con người chỉ đóng vai phụ. Các diễn viên xuất hiện ở Godzilla không có nhiều đất diễn, cho dù họ có là Bryan Cranston thì vẫn phải nhường sân khấu cho sản phẩm của công nghệ như thường. Họ, con người, chỉ lãnh nhiệm vụ gào thét và chiêm ngưỡng trận đấu giữa các chủng loài quái vật.

Transformers 4: Chẳng có gì ngoài hủy diệt ảnh 1

Thỉnh thoảng, người xem có cảm tưởng  mình đang lạc vào thế giới của The fast and the furious vì tần suất của những màn đua xe và khoe xe

Lại nói về Transformers: Age of extinction. Người ta phải ngồi lâu tận ba tiếng đồng hồ trong rạp chỉ để xem đám người máy được tôn vinh như bậc siêu anh hùng của toàn thể nhân loại này say sưa đánh nhau, cùng những màn cháy nổ mà khán giả dễ dàng bắt gặp ở cả ba phần Transformers, chỉ khác là trong phần thứ tư này, ngoài Chicago, người Mỹ còn đem bom sang tận Trung Quốc, Hồng Kông cho nổ tung tóe khắp đường phố. 

Phim lấy bối cảnh nhiều năm trôi qua sau sự kiện cuối cùng diễn ra ở phần thứ ba, khi con người và Autobot đã chung sống hòa bình. Thế nhưng, vì suy nghĩ sự tồn tại của những người máy biến hình khổng lồ vẫn là mối đe dọa đối với hòa bình nhân loại, một nhóm người thuộc chính phủ đã tìm ra cách tiêu diệt Autobot mà không hề hay biết, đằng sau đó là một âm mưu to lớn nhằm hủy diệt cả địa cầu.

Giữa lúc ấy, thợ máy Cade Yeager (Mark Wahlberg thủ vai) phát hiện ra một Autobot bị thương rệu rã. Niềm đam mê chế tạo máy móc đã thôi thúc anh sửa chữa lại vết thương kia.

Từ đây, cuộc sống của Cade và con gái Tessa (Nicola Peltz đảm nhận) cũng như của những Autobot còn sót lại gặp nhiều biến động.

Transformers 4: Chẳng có gì ngoài hủy diệt ảnh 2

Đáng lẽ Transformers có thể trở thành chuẩn mực của dòng phim robot thay vì mớ kim loại này

Các nhà làm phim Transformers có vẻ không kìm hãm được sự thích thú của chính bản thân họ trong cuộc chơi robot ảo này. Ngoài những nhân vật đã quen mặt khán giả như Optimus Prime hay Bumblebee, ở Transformers: Age of extinction, họ còn cố gắng nhồi nhét thêm một số nhân vật mới như Dinobot (robot khủng long) hay Decepticon mang tên Lockdown có khả năng biến thành một khẩu súng khổng lồ, nhân vật phản diện chính trong phim bên cạnh Galvatron.

Điều này dẫn đến việc người xem bị bội thực bởi các màn đánh đấm của các loại robot. Sẽ không ngoa nếu nói những màn đánh nhau liên tục của Autobot trong Transformers: Age of extinction là một cuộc tra tấn thị giác vô cùng lê thê.

Các nhà làm phim dường như muốn phang vào mặt khán giả công nghệ làm game của họ bằng những góc quay trực diện cộng hưởng với màn hình 3D. Một kiểu trình diễn công nghệ lố bịch! 

Transformers: Age of extinction đích thị là một loại game thiếu tương tác được trình chiếu trong rạp bóng, không hơn không kém. Vẫn biết rằng không thể đòi hỏi ở một bộ phim giải trí kiểu Transformers tính nghệ thuật cao hay câu chuyện xúc động, mặc dù không ít phim bom tấn đã làm được điều này, như Avatar hay X-men chẳng hạn…, song thật ngượng ngùng khi gọi những màn “hủy diệt” của đám robot kia là điện ảnh.

Công tâm mà nói, thỉnh thoảng cũng có một vài phân đoạn toan tạo ra cảm xúc cho người xem, nhưng người xem còn chưa kịp định thần để tiếp nhận thì một cách tự nhiên, mọi xúc cảm đã bị giết chết bởi sự phô trương công nghệ quá đà của đạo diễn Micheal Bay.

Có thể bắt gặp được sự phô trương ấy vung vãi khắp phim, và điểm nhấn là pha xuất hiện lạc lõng của Dinobot. Thỉnh thoảng, người xem có cảm tưởng mình đang lạc vào thế giới của The fast and the furious vì tần suất của những màn đua xe và khoe xe. Nếu ý định của Micheal Bay là muốn thu hút fan của bộ môn thể thao tốc độ thì ông ta quả là người thiếu tinh tế trong việc diễn đạt.

Transformers 4: Chẳng có gì ngoài hủy diệt ảnh 3

Một màn tra tấn thị giác điển hình

Với số tiền 165 triệu USD và một đạo diễn đã làm những phim như Pearl Harbor (Trân Châu cảng), The Rock… thì Transformers thừa khả năng trở thành một chuẩn mực của dòng phim về robot thay vì ném vô đầu khán giả một mớ kim loại thô thiển.

Phải chăng vì sức công phá phòng vé từ ba phần trước đã khiến các nhà làm phim mải mê đếm tiền mà quên đi giá trị của chính họ trong công cuộc kiến tạo thế giới điện ảnh ngày nay?

Thật đáng buồn cười khi các nhà làm phim đã cố gắng thể hiện được thông điệp “Autobot là những robot có linh hồn”, đó đồng thời cũng là lời nhắc nhở không ngừng nghỉ của quý ngài Optimus Prime, và cuối cùng họ cho ra đời một tác phẩm như Transformers. 

Theo Ngân Vi
Theo Thanh Niên
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.