Đường sắt đô thị được đánh giá là chủ công của vận tải công trong vài năm tới. Ảnh: Như Ý |
Phó Trưởng ban Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) - Lưu Trung Dũng trao đổi với Tiền Phong.
Thách thức và giải tỏa áp lực
Xin ông cho biết quá trình thi công dự án tuyến ĐSĐT thí điểm của thành phố, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (Tuyến 3.1)? Đánh giá của MRB khi dự án đã vận hành đoạn trên cao?
Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm của thành phố, đoạn Nhổn - ga Hà Nội là một phần quan trọng trong quy hoạch phát triển giao thông công cộng tại Thủ đô. Đây là dự án đầu tiên của thành phố Hà Nội, được giao cho MRB trực tiếp quản lý và thực hiện. Việc hoàn thành dự án không chỉ nâng cao năng lực vận tải hành khách vận tải công cộng mà còn đặt nền móng cho việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và giải pháp thi công cho các dự án đường sắt đô thị tiếp theo.
Ông Lưu Trung Dũng - Phó Trưởng ban Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội |
Tuy nhiên, từ khi khởi công đến suốt quá trình triển khai, dự án đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đầu tiên là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) lớn. Một số hạng mục của dự án đã bị chậm từ 1 tới 6 năm chỉ vì không thể có mặt bằng để thi công. Ngoài quy mô GPMB lớn, dự án còn đi vào khu vực lõi nội đô lịch sử, trong đó còn có 4 km đi ngầm. Việc đơn giá đền bù chưa tương xứng giá thị trường nên quá trình đàm phán với người dân khó khăn, làm quá trình giải phóng mặt bằng chậm. Trong khi đó, các quy định về hỗ trợ người dân tạm cư, di dời và tạo sinh kế vẫn chưa có. Các quy định, chính sách khai thác không gian ngầm, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cũng chưa. Chúng tôi đã đề xuất UBND TP xây dựng khung chính sách riêng cho đoạn ngầm, gồm đền bù tạm cư cho người dân bị ảnh hưởng. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Thành ủy, UBND thành phố và các sở, ngành liên quan, những khó khăn này mới dần được tháo gỡ, giúp cho việc khoan ngầm bằng máy đào TBM đã được khởi động từ ngày 30/7 vừa qua.
Một thách thức khác là việc dự án được tài trợ bởi nhiều nguồn khác nhau, do đó, khi dự án có những điều chỉnh, gia hạn vay vốn phải trải qua trình tự rất phức tạp, nhiều bước để các cấp bộ, ngành phê duyệt. Mỗi lần điều chỉnh cũng mất 1,5 năm đến 2 năm, dẫn đến việc thanh toán cho nhà thầu chậm, vốn bố trí không kịp thời dẫn tới không đáp ứng được tiến độ.
Ngoài ra, các hợp đồng của dự án đều áp dụng mẫu hợp đồng quốc tế, có những điều kiện khác biệt so với quy định của Việt Nam. Quá trình thực hiện, chúng tôi phải tham vấn rất nhiều cơ quan. Thêm vào đó, chúng ta chưa có bộ tiêu chuẩn đường sắt đô thị nên phải áp dụng những tiêu chuẩn khác nhau theo vốn ODA.
Sau rất nhiều khó khăn, thách thức, vào 8h00 ngày 8/8 vừa qua, đoạn trên cao từ Nhổn đến Cầu Giấy của Dự án tuyến Đường sắt đô thị thí điểm, đoạn Nhổn - ga Hà Nội đã chính thức đi vào vận hành. Chúng tôi rất vui mừng khi sự kiện này nhận được sự quan tâm và ủng hộ rất lớn từ người dân tại Hà Nội, với lượng hành khách liên tục lập kỷ lục, đạt từ 40.000 đến 60.000 lượt mỗi ngày và có ngày cuối tuần đạt tới hơn 100.000 lượt.
Với đoạn đi ngầm metro Nhổn- Ga Hà Nội đang được thi công ra sao và tiến độ hoàn thành đoạn này thưa ông?
Hiện tại, việc thi công đoạn ngầm của dự án đang được tiến hành với sự hỗ trợ của hai máy đào TBM. Dự án sử dụng hai máy đào TBM để khoan hai đường hầm chạy song song. Nguyên lý đào hầm của dự án là máy TBM số 1 đào được 250 mét hầm thì máy đào hầm TBM số 2 mới bắt đầu hoạt động. Tính từ ngày 30/7 đến 15/8, sau 15 ngày, máy đào hầm TBM số 1 đã đào được 40 mét hầm đầu tiên. Thời gian đầu máy TBM sẽ đào hầm chậm hơn vì sau mỗi mét đào, nhà thầu, tư vấn giám sát sẽ đánh giá tình hình địa chất, cấu tạo các lớp đất tại vị trí khoan đào để điều chỉnh các biện pháp kỹ thuật cho phù hợp. Sau đó, dự kiến mỗi ngày hai máy TBM sẽ đào từ 10 đến 15 mét hầm. Với tổng chiều dài 4 km từ Kim Mã về ga Hà Nội, thời gian dự kiến thời gian 2 máy TBM hoàn thành việc đào hầm là 16 tháng. Sau khi kết thúc khoan, bộ đôi TBM sẽ được tháo dỡ khỏi mặt đất, bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu lắp vào thiết bị, hệ thống đường ray, thông tin tín hiệu, kiểm soát vé… Tất cả các khâu này đều được Tư vấn dự án và cơ quan có thẩm quyền đánh giá mức độ an toàn và kiểm định. Các hạng mục dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.
Đường sắt đô thị đoạn trên cao Nhổn - ga Hà Nội đi vào hoạt động liên tục lập kỷ lục về sản lượng hành khách |
Đường sắt đô thị - Trụ cột của vận tải công cộng
Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2030 thành phố Hà Nội thực hiện, hoàn thành nhiều dự án đường sắt đô thị, tiếp sau tuyến số 3.1, Ban MRB sẽ tập trung thực hiện những dự án nào?
Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 519/QĐ-TTg), Hà Nội có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417km, hiện Thành phố đang dự kiến bổ sung thêm 5 tuyến/đoạn tuyến mới.
Trên cơ sở các nguyên tắc, quan điểm, mục tiêu đầu tư xây dựng hệ thống ĐSĐT Thủ đô, Thành phố đang trong quá trình xây dựng Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống ĐSĐT Thủ đô, đề xuất “Một kế hoạch, ba phân kỳ” đầu tư. Từ nay tới năm 2030 sẽ hoàn thành khoảng 96,8km, trong đó có các tuyến: Tuyến số 2, Tuyến số 3, Tuyến số 5 .
Nhờ lợi thế chạy trên tuyến đường riêng biệt, không giao cắt đồng mức với hệ thống giao thông đường bộ trong thành phố, đường sắt đô thị hoàn toàn loại bỏ xung đột với các phương tiện giao thông khác. Với khả năng chuyên chở lớn, tốc độ khai thác cao và ổn định hơn gấp đôi so với xe buýt, đường sắt đô thị sẽ là trụ cột của vận tải công cộng khi mang đến cho người dân một phương tiện di chuyển nhanh chóng, thuận tiện và an toàn.
Xin cảm ơn ông!