Mệt mỏi, đổ bệnh vì nắng gắt ở TP.HCM: 'Chưa năm nào nóng như thế'

0:00 / 0:00
0:00
Trong khi trẻ em nhập viện nhiều hơn do mắc các bệnh lý hô hấp, nhiều người lớn cũng đổ bệnh khi làm việc dưới thời tiết nóng bức, nắng gay gắt ở TP.HCM.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, hôm 25/4, TP.HCM và các tỉnh, thành Nam Bộ tiếp tục tình trạng nắng nóng trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất dao động 35-38 độ C, độ ẩm tương đối thấp nhất 35-55%.

Nắng nóng gay gắt từ sáng sớm khiến nhiều người chật vật dưới thời tiết oi bức, cả người lớn lẫn trẻ em đều đổ bệnh vì viêm hô hấp trên, say nắng, say nóng.

Mệt mỏi, đổ bệnh vì nắng gắt ở TP.HCM: 'Chưa năm nào nóng như thế' ảnh 1
Phụ huynh đưa con đến khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Ảnh: Quỳnh Danh

"Chưa năm nào thấy TP.HCM nóng như thế"

Ngồi bệt trên chiếc chiếu cũ trải sát lối đi vào khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), anh Trương Văn Khánh vừa trò chuyện với các thân nhân khác, vừa phe phẩy chiếc quạt giấy.

"Con tôi bị sốt co giật được tỉnh chuyển lên khoa Nhiễm - Thần kinh. Mới nuôi con được vài ngày, tôi cũng muốn đổ bệnh theo vì thời tiết quá oi bức đến khó thở, không thể chịu được. Nhìn con vừa vật vã vì bệnh, vừa mệt mỏi, đổ mồ hôi do nóng, tôi xót lắm", anh Khánh chia sẻ.

Rời Trà Vinh để túc trực tại bệnh viện nhi hơn 4 ngày qua, anh Khánh hóm hỉnh chia sẻ làn da vốn đen của anh nay càng rám nắng hơn vì thời tiết nóng bức ở thành phố.

"Ngay cả ban đêm chúng tôi cũng không thể nào nghỉ ngơi được vì không khí nóng từ mặt đất tỏa lên rất oi bức", người đàn ông chia sẻ.

Anh Sang, nhân viên điều phối taxi tại cổng bệnh viện ở TP.HCM, cũng cảm thấy khó chịu với thời tiết thành phố mấy ngày nay.

Mệt mỏi, đổ bệnh vì nắng gắt ở TP.HCM: 'Chưa năm nào nóng như thế' ảnh 2
Anh Khánh (áo đỏ) cùng các thân nhân bệnh nhi khác vừa quạt, vừa trò chuyện trong bóng mát ở khuôn viên bệnh viện. Ảnh: Quỳnh Danh.

Do tính chất công việc, ngoài túc trực trong sân bệnh viện, thỉnh thoảng anh Sang phải đứng sát mặt đường để điều phối xe. Nam nhân viên kể lại hôm 24/4, đứng ngoài đường giữa nắng đúng 3 phút thì bắt đầu thấy xây xẩm, choáng váng như say nắng, phải vào bóng mát gấp.

"Thời tiết như thế này khiến người lớn cũng bệnh nói chi trẻ con. Tôi sống ở thành phố từ nhỏ đến nay nhưng chưa năm nào thấy TP.HCM nóng như thế trong những ngày qua", anh Sang chia sẻ.

Trao đổi với Zing, TS.BS Nguyễn Hải Công, Chủ nhiệm khoa Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM), cho biết không chỉ riêng trẻ em dễ bệnh trong mùa nắng nóng, người trưởng thành, thanh thiếu niên cũng dễ gặp các vấn đề về say nắng, sốc nhiệt.

Thậm chí, TS Công cho biết đã có trường hợp sốc nhiệt nặng do lao động liên tục trong môi trường nắng nóng kéo dài, phải đưa vào viện cấp cứu.

Tránh ra đường giữa trưa, dùng điều hòa hợp lý

Theo TS Nguyễn Hải Công, nếu tiếp xúc nhiệt cao trong thời gian dài, nhiều người có thể bị mất nước qua hơi thở, đổ mồ hôi, thậm chí rơi vào tình trạng rối loạn nước và điện giải. Trường hợp nặng hơn có thể bị sốc nhiệt.

Mặc dù thời tiết này không phù hợp cho vi sinh phát triển, theo quan sát thực tế, số lượng trẻ em mắc bệnh lý hô hấp có xu hướng tăng ở TP.HCM.

Ngoài ra, trẻ cũng có nguy cơ mắc các vấn đề liên quan liên quan tiêu hóa như nhiễm trùng hay tiêu chảy.

Trời nắng gắt cũng ảnh hưởng gián tiếp đến những người cao tuổi có bệnh lý mạn tính như huyết áp, tim mạch hay bệnh lý thần kinh. Thời tiết này khiến người bệnh dễ mệt mỏi, nóng trong người, mất nước, đổ nhiều mồ hôi hay chán ăn, từ đó làm nghiêm trọng hơn các bệnh lý sẵn có.

"Với tình hình như thế này, người dân nên hạn chế ra đường, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi có bệnh nền. Nhà ở nên được bố trí hệ thống làm mát, điều hòa và không nên để nhiệt độ bên trong chênh lệch quá cao so với bên ngoài. Nhiệt độ lý tưởng trong phòng nên ở mức 27-28 độ C", TS Công khuyến cáo.

Mệt mỏi, đổ bệnh vì nắng gắt ở TP.HCM: 'Chưa năm nào nóng như thế' ảnh 3
TS Công khuyến cáo khi thời tiết nắng nóng, người dân nên hạn chế ra đường, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi có bệnh nền. Ảnh: Bích Huệ.

Đồng quan điểm, bác sĩ chuyên khoa II Lê Minh Lan Phương, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), chia sẻ trong thời tiết nắng nóng, phụ huynh nên mở điều hòa ở nhiệt độ phù hợp, tránh để trẻ di chuyển qua lại giữa nhiệt độ trong phòng và ngoài trời cũng như cho trẻ mặc đồ thoáng mát.

Đối với việc ăn uống, theo bác sĩ Phương, nhiệt độ cao dễ khiến đồ ăn bị ôi thiu, phụ huynh cần cẩn trọng không quá trình chế biến, đảm bảo vệ sinh, ăn chín uống sôi và nên chia nhỏ bữa ăn cho trẻ.

Để đề phòng vấn đề thường gặp mùa nóng như sốt, ho, tiêu chảy… trẻ nên được nghỉ ngơi nhiều, ngủ đủ giấc, uống đủ nước và vệ sinh tay, chân, miệng thường xuyên.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Hải Công cho biết thêm khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu như sốt, mệt, bỏ bú, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy phân lỏng, phụ huynh không được chủ quan và nên đưa con đến cơ sở y tế gần nhất. Việc lạm dụng thuốc hạ sốt có thể không kiểm soát được sốt mà có thể khiến nhiệt độ cao hơn, dẫn đến sốc nhiệt.

Theo Zing
MỚI - NÓNG