'Mẹ hiền' giữa Trường Sa

Bác sỹ Trịnh Quốc Hưng chăm sóc anh Nguyễn Đăng Tiệp. Ảnh: Trường Phong
Bác sỹ Trịnh Quốc Hưng chăm sóc anh Nguyễn Đăng Tiệp. Ảnh: Trường Phong
TP - Giữa mênh mông sóng nước biển Đông, những bác sỹ quân y vẫn ngày đêm chăm sóc sức khỏe cho quân, dân trên vùng biển chủ quyền. Họ được gọi là những người mẹ hiền giữa Trường Sa, đúng như câu nói “Lương y như từ mẫu”.

Gặp phúc vì có quân y

Tháng 5/2013, lúc tàu của Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương 2013 vào thăm đảo Song Tử Tây, bệnh xá trên đảo đang có một ngư dân nằm điều trị. Bệnh xá trên đảo gồm một dãy nhà mái bằng khá khang trang, thoáng mát. 

Trong phòng, những giường bệnh được xếp ngay ngắn sát mép tường. Cửa phòng mở toang hai đầu để đón gió biển. Giữa trưa, anh Lê Văn Có (xã An Thái, Lý Sơn, Quảng Ngãi) ngồi nghỉ ngơi trên giường với chiếc băng trắng quấn hết bàn tay phải. “May mà về kịp và được các bác sỹ chữa trị chứ không thì mất bàn tay này rồi”, anh Có nói với phóng viên Tiền Phong. 

'Mẹ hiền' giữa Trường Sa ảnh 1

Ngư dân Lê Văn Có với bàn tay bị thương lúc điều trị trên đảo Song Tử Tây

Cách đó vài ngày, khi ở cách đảo Song Tử Tây 150 hải lý về hướng đông, do bất cẩn, anh Có bị máy xay đá trên tàu “chém” mất 3 ngón tay. “Máu chảy nhiều quá, anh em trên tàu giúp cầm máu rồi đi một mạch 24 giờ để về đây”, anh Có nói kèm theo lời giải thích: “Ngư dân trên biển bị đau yếu, bệnh tật thì đều vào đảo để nhờ. Các bác sỹ tận tình và chu đáo lắm”. 

“Nếu không có quân y trên đảo thì lúc đau ốm, bệnh tật giữa biển khơi, ngư dân không biết phải xử lý ra sao. Bây giờ, bọn mình có thêm sự yên tâm để bám biển rồi”

Ngư dân Lê Văn Có

Lúc mới vào đảo, anh Có bị mất máu nhiều, ngất xỉu vì mệt. Lập tức, đại úy Nguyễn Văn Phúc, Trạm trưởng trạm y tế trên đảo và các anh em tiến hành điều trị cho anh Có. “Anh em trên đảo rất thương. Lúc tỉnh lại, cứ khoảng chục phút lại có một chiến sĩ vào hỏi thăm, động viên. Tới bữa thì có người mang cơm đến. Mình cũng không phải trả chi phí gì”, anh Có kể.

Được chăm sóc tận tình nên sau vài ngày điều trị, anh Có được lãnh đạo đảo và trạm trưởng cho phép rời đảo về đất liền. “Dù thế nào thì mình cũng tiếp tục đi biển, vừa là kiếm kế sinh nhai, vừa giữ chủ quyền”, anh Có chia sẻ. 

35 tuổi, anh Có đã có 17 năm lênh đênh đánh cá trên biển Hoàng Sa, Trường Sa. Cũng vì thế, anh hiểu được tầm quan trọng của những chiến sỹ quân y trên đảo. “Nếu không có quân y trên đảo thì lúc đau ốm, bệnh tật giữa biển khơi, ngư dân không biết phải xử lý ra sao. Bây giờ, bọn mình có thêm sự yên tâm để bám biển rồi”, anh Có nói.

Vì theo đoàn hành trình, chúng tôi không có dịp tiễn anh Có về đất liền, nhưng, trong cuộc trò chuyện có thể thấy những ngư dân như anh Có biết ơn và rất cảm động trước tình cảm của quân và dân trên đảo. Đại úy Nguyễn Văn Phúc cho biết, nhiệm vụ của người lính là giữ gìn, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, nhưng với các anh, còn thêm nhiệm vụ của một bác sỹ nên càng phải cố gắng nhiều hơn. 

“Lúc mới ra đây cũng gặp nhiều khó khăn về trang thiết bị, thuốc men do không được đầy đủ như trong đất liền. Hơn nữa, ngoài các chiến sĩ, chúng tôi cũng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên đảo, ngư dân, đồng bào đánh bắt trên biển nên nhiều khi không chủ động được lượng thuốc, nhưng anh em đều cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”, anh Phúc nói.

Hết lòng phụng sự

Chúng tôi đến thăm đảo Nam Yết cũng đúng lúc trong bệnh xá đang điều trị cho sĩ quan Nguyễn Đăng Tiệp sau ca phẫu thuật bụng. Trong lúc các chiến sỹ khác giao lưu với đoàn nghệ thuật của Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương thì thượng tá Trịnh Quốc Hưng ở lại trực, chăm sóc, nói chuyện với anh Tiệp. 

Anh Tiệp đã tỉnh táo và có thể xem hình chụp trên máy ảnh. Anh Hưng chỉ vào giường bệnh anh Tiệp đang điều trị, chia sẻ, về cơ bản là đủ thiết bị, thuốc men để điều trị cho các bệnh thông thường, còn những trường hợp khẩn cấp thì phải dùng trực thăng đưa vào đất liền. 

“Trách nhiệm của các bác sỹ ở ngoài này nặng nề hơn, vì số lượng ít, lại chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho anh em chiến sĩ, người dân và ngư dân đánh bắt cá trên biển. Mỗi ca bệnh vào đây, anh em phải hết sức quyết đoán”, anh Hưng nói.

Cùng ra công tác ở đảo Nam Yết từ tháng 3/2013, đại úy Nguyễn Xuân Phương cho biết, trang thiết bị y tế ngoài đảo không thua kém gì ở đất liền, thậm chí được đầu tư như bệnh viện tỉnh. “Ngoài này cũng có máy siêu âm bụng, máy điện tim…”, anh Phương nói.

Ngoài máy móc, theo anh Phương, cán bộ, chiến sỹ, nhân dân và ngư dân ở đây rất yên tâm vì các bác sỹ được cử ra Trường Sa đều là những bác sỹ có chuyên môn tốt tại các bệnh viện lớn của quân đội. “Tuy số lượng ít, nhưng các bác sỹ đều có chuyên môn sâu về khoa ngoại, nội, tâm lý, gây mê…”, anh Phương nói. 

Khẳng định lời của anh Phương, trung úy Nguyễn Hữu Linh cho biết, chỉ trong thời gian ngắn, các chiến sĩ quân y trên đảo đã cấp cứu cho 2 sĩ quan và 1 chiến sĩ qua cơn hiểm nghèo trong đó có 2 ca viêm ruột thừa cấp. “Bác sỹ mà không có năng lực, không chắc tay nghề thì rất nguy hiểm”, anh Linh nói.

Theo thống kê của anh Linh, trong 2 tháng gần nhất đã có 5 tàu vào đảo xin thuốc và nhờ cấp cứu hai trường hợp do ngộ độc cá biển và bị cánh quạt máy chém vào chân. “Trên này quân và dân như nhau, đều được chữa trị hoàn toàn miễn phí”, anh Linh nói.

Cũng theo anh Linh, do xác định được nhiệm vụ của mình là phục vụ quân, dân, ngư dân trên biển nên anh em lúc nào cũng phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.

Giống như những đảo nổi Song Tử Tây, Nam Yết, các đảo chìm trên quần đảo Trường Sa cũng là địa chỉ tin cậy của các ngư dân tìm đến mỗi khi ốm đau, bệnh tật trên biển. Thiếu úy Vũ Tiến Trưởng (SN 1985) quân y trên đảo Cô Lin cho biết, dù nhiều khi thuốc men rất ít nhưng luôn sẵn sàng khám, chữa bệnh cho ngư dân.

“Chủ yếu là bệnh thông thường như tiêu chảy, ngộ độc cá biển. Ngoài ra, chúng tôi còn tiếp thêm nước uống, thực phẩm cho ngư dân”, anh Trường nói.

MỚI - NÓNG