Mẹ của ngàn con

Bác sĩ Lan (bìa trái) chuẩn bị thực hiện thụ tinh ống nghiệm.
Bác sĩ Lan (bìa trái) chuẩn bị thực hiện thụ tinh ống nghiệm.
TP - Bao năm qua hàng ngàn em bé ra đời trong niềm hạnh phúc vô bờ của cha mẹ chúng. Giữa niềm vui của những ca thành công, Ths.BS Vương Thị Ngọc Lan - Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 1999, một trong những vị bác sĩ tiên phong trong điều trị hiếm muộn bằng thụ tinh ống nghiệm tại Việt Nam, cũng  có những lúc chát lòng trước cảnh đổ vỡ của những gia đình không thể tìm được hạnh phúc làm cha, mẹ.

Mỗi khi nhắc đến chặng đường gần 20 năm theo đuổi sự nghiệp điều trị hiếm muộn, Ths. BS. Vương Thị Ngọc Lan (sinh 1971) - Giảng viên Bộ môn Phụ sản Đại học Y Dược TPHCM, Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 1999 - vẫn còn nguyên sự phấn khích như mới ngày nào tham gia nhóm nghiên cứu thực hiện thụ tinh ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam.

Lo chuyện xa xỉ!


“Nếu như em bé đầu tiên trên thế giới ra đời bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm vào năm 1978 ở Anh, thì mãi đến năm 1997, mới có một đoàn chuyên gia Pháp sang Việt Nam thực hiện kỹ thuật này trên 100 cặp vợ chồng tại Bệnh viện Từ Dũ. Tỷ lệ thành công khi ấy còn khá thấp, chỉ 15%”, bác sĩ Lan nhớ lại. Kết quả, ngày 30/4/1998, có 3 em bé thụ tinh ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam chào đời. Hiện cả 3 đều khỏe mạnh, trong đó có một em gái xinh đẹp giờ đang học lớp 12 tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TPHCM.

Tham gia phát triển kỹ thuật này từ những ngày đầu, bác sĩ Lan cho biết, thời điểm đó, bên cạnh vấn đề đạo đức trong hỗ trợ sinh sản, nhóm nghiên cứu còn gặp khá nhiều ý kiến phản đối ngay trong chính ngành Y. “Công bằng mà nói, khi đất nước còn khó khăn, lo cho các vấn đề khám chữa bệnh, phòng chống dịch, kế hoạch hóa gia đình… còn không xuể, nhiều người cho rằng hơi đâu mà đi lo cái chuyện quá xa xỉ là hiếm muộn”, bác sĩ Lan nhớ lại.

Thế nhưng, có tiếp xúc với những cặp vợ chồng vô sinh hằng ngày, ở mọi miền, mới hiểu nỗi dằn vặt của những gia đình bị cho là “vô phúc”, nỗi khổ những người vợ bị ruồng bỏ vì không thể sinh con… “Con cái là quà tặng vô giá với họ. Một mụn con hệt như nhịp cầu nối kết hạnh phúc mà không gì có thể thay thế”, bác sĩ Lan bồi hồi.

Mẹ của ngàn con ảnh 1 Ths.Bs Vương Thị Ngọc Lan.
“Bác sĩ ơi… ly dị rồi”

Sau thành công ngoạn mục với sự hỗ trợ của đoàn chuyên gia Pháp, chương trình thụ tinh ống nghiệm tại Bệnh viện Từ Dũ tạm khép lại để đánh giá. Thời gian đó, vượt qua tất cả những đố kị, với tất cả sự nhiệt huyết, niềm đam mê của tuổi trẻ, Vương Thị Ngọc Lan sang Singapore tiếp tục theo đuổi sự nghiệp điều trị hiếm muộn. Chị tốt nghiệp xuất sắc và là thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp Thạc sĩ Y khoa tại trường Đại học Quốc gia Singapore năm 1998.

Về nước, việc đầu tiên bác sĩ trẻ làm là nhấc điện thoại gọi cho một cặp vợ chồng mà trước khi đi du học, chị tự hứa là sẽ học bằng được những kỹ thuật mới nhất để giúp họ có con.

Người vợ bị mất một bên buồng trứng, bên còn lại teo nhỏ, rất ít trứng nên bác sĩ đã chỉ định áp dụng kỹ thuật xin trứng người khác để thụ tinh. Tuy nhiên, thời điểm cuối thập niên 1990, do còn quá mới mẻ, những kỹ thuật như xin trứng, đông lạnh phôi… chưa thể thực hiện.

“Tôi ấn tượng, vì họ còn trẻ, đẹp đôi nhưng hoàn cảnh rất đáng thương. Nhà chồng gây áp lực yêu cầu anh này đi lấy vợ khác nếu vợ không có con. Vừa từ Singapore về, tôi hăm hở gọi điện cho chị vợ báo cho họ đến để tiến hành làm kỹ thuật xin trứng. Tôi hào hứng nói liên hồi nhưng đầu dây bên kia hoàn toàn im lặng. Tôi phát hiện ra sự bất thường và cũng dừng lại. Một hồi lâu bên kia mới có tiếng nghẹn ngào: “Bác sĩ ơi… ly dị rồi”. Anh chồng đi lấy vợ khác và đã sinh con”, bác sĩ Lan kể trong sự tiếc nuối.

Đang trên chín tầng mây, nữ bác sĩ trẻ rơi xuống đất và nghiệm ra: “Bài học đầu đời trong cái nghiệp của tôi đó là mỗi cặp vợ chồng đều chỉ có một cơ hội mà thôi. Do đó, mỗi khi làm phải hết sức chắt chiu, phải làm sao học nhiều kỹ thuật hơn, tay nghề phải giỏi hơn… để giúp họ giữ được hạnh phúc gia đình rất mong manh của mình”.

Từng câu chuyện về những hoàn cảnh không con vào đến tận mỗi bữa cơm gia đình bác sĩ Lan - người sinh trưởng trong một nhà có truyền thống “thụ tinh ống nghiệm”. GS. BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng - nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TPHCM, người có công đưa kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm về Việt Nam - chính là mẹ của bác sĩ Lan. Chồng bác sĩ Lan cũng là một chuyên gia nổi tiếng về điều trị hiếm muộn.

“Có trường hợp bán hết nhà cửa, tài sản ở quê vào TPHCM để thụ tinh ống nghiệm. Mọi giá phải có con mới về vì nếu không, chẳng còn mặt mũi nào mà gặp làng xóm, bà con. Cặp này tôi nhớ ở Thanh Hóa. Cuối cùng người vợ đã có thai, sinh con trai. Tôi hỏi vậy giờ về quê lấy nhà đâu ở, thì họ vui mừng cho biết nếu đã có con thì bố mẹ chấp nhận cho vào nhà ở chung”, bác sĩ Lan cười lớn.

Mẹ của ngàn con ảnh 2 Bác sĩ Lan (bìa trái) đang đưa phôi được thụ tinh ống nghiệm vào cơ thể người mẹ.
Chấm đỏ trên “bản đồ hiếm muộn” thế giới

Chương trình thụ tinh ống nghiệm của Bệnh viện Từ Dũ dần dần được đón nhận và lan tỏa. Năm 1998, Bệnh viện nhận được Giải thưởng quốc tế Kovalevskaia (còn gọi giải Kova) cho tập thể nữ lao động sáng tạo trong chương trình thụ tinh ống nghiệm. Cùng năm, Bộ Y tế trao bằng khen cho tập thể y bác sĩ chương trình này. Riêng bác sĩ Lan, với công trình cải tiến phác đồ thụ tinh ống nghiệm, lần lượt đạt Giải nhất hội thi khoa học tuổi trẻ của trường Đại học Y Dược TPHCM và Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 1999 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng. Năm 2005, tập thể chương trình thụ tinh ống nghiệm Bệnh viện Từ Dũ tiếp tục nhận Giải thưởng Nhà nước.

“Với giải thưởng nào tôi cũng nghĩ mình chỉ là người đại diện nhận cho công sức của cả một tập thể. Tôi vẫn luôn dõi theo Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu qua các năm và cảm thấy thật vinh dự khi mình từng được nhận giải. Giải thưởng là sự động viên nhắc tôi làm tốt mọi công việc dù nhỏ hay lớn đều với tất cả sự dũng cảm, hy sinh. Dù sau này thế nào, chuyển hướng ra sao, giải thưởng đó cũng đã và sẽ luôn nhắc tôi phải hướng đến điều tốt suốt đời”.

Ths.Bs Vương Thị Ngọc Lan
Từ năm 2008, bác sĩ Lan về làm công tác giảng dạy tại Bộ môn Phụ sản, Đại học Y Dược TPHCM. Song song đó, bà vẫn tiếp tục thực hiện thụ tinh ống nghiệm tại Bệnh viện Mỹ Đức (quận Tân Bình, TPHCM). Tính đến hôm nay, bà đã thụ tinh ống nghiệm cho khoảng 20 nghìn trường hợp với tỷ lệ thành công 45-50%.

Theo bác sĩ Lan, từ “điểm trắng” về thụ tinh ống nghiệm năm 1997, hiện Việt Nam có gần 20 trung tâm thực hiện kỹ thuật này trên toàn quốc. “Việt Nam xây dựng được uy tín khá cao về thụ tinh ống nghiệm tại khu vực cũng như thế giới. Hầu như hội nghị quốc tế nào liên quan cũng đều mời chúng tôi báo cáo. Trung bình cứ 3 tháng tôi lại tham dự một hội quốc tế với tư cách tham luận viên”, bác sĩ Lan tự hào.

Tháng 3/2016, bà có bài trình bày tại Hội nghị “Trưởng thành trứng non trong ống nghiệm” được tổ chức ở Vương quốc Bỉ. Bác sĩ Lan cho biết, áp dụng phương pháp “Trưởng thành trứng non” có thể giúp những cặp vợ chồng hiếm muộn khó khăn về tài chính có thể giảm chi phí thụ tinh ống nghiệm từ 60 triệu đồng xuống chỉ còn 35 triệu đồng/ca. Trong một báo cáo của mình tại Canada cách đây chưa lâu, GS Yoshi Morimoto (Osaka, Nhật Bản) đã tô một chấm đỏ lớn đánh dấu Việt Nam trên “bản đồ hiếm muộn” thế giới như là một trong những nơi hiếm hoi thực hiện được kỹ thuật “trưởng thành trứng non”.

Dù khá bận với công việc chuyên môn, điều trị, dạy học, bác sĩ Lan còn được giới y khoa quốc tế chú ý qua các bài viết đăng trên các tạp chí chuyên ngành, mà theo bà, lúc còn trẻ có mơ bà cũng không thể nghĩ rằng tên mình có thể xuất hiện trên những tờ báo uy tín đó. Từ năm 2008 đến nay, bà đã có 13 bài viết được chọn đăng trên Human Reproduction, Fertility and Sterility, Reproductive BioMedicine Online…

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".