MC Công Tố thấy may mắn khi được dẫn chương trình từ khi 'còn xấu'

MC Công Tố khi chuẩn bị ghi hình.
MC Công Tố khi chuẩn bị ghi hình.
TPO - Đó là tình huống khi MC Công Tố đặt câu hỏi cho nhân vật khá đặc biệt trong chương trình “Hôm nay ai đến” và đó cũng là kỉ niệm khiến anh nhớ mãi.

Chào Công Tố, nhìn lại quãng đường đã qua gắn bó với nghề báo và truyền hình, bạn cảm thấy như thế nào?

Tôi bén duyên với nghề từ khi còn là sinh viên năm 2, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Tuy nhiên, tôi theo học chuyên ngành Pr nên không ngờ mình lại theo ngành báo Truyền hình. Tôi chỉ từng nghĩ mình có thể trở thành là phóng viên chứ không nghĩ mình dẫn được chương trình, làm MC. Nhờ cuộc thi “Cầu vồng” mới có một Công Tố của ngày hôm nay.

Với quãng đường đã qua, phải nói rằng, tôi chỉ chính thức làm báo khoảng 2-3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, quãng thời gian ấy giúp tôi trưởng thành hơn, quan sát cuộc sống sâu sắc hơn.

Có thể nói, thời gian làm nghề của tôi trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là thời gian học tập ở trường. Giai đoạn thứ hai là bắt đầu va vấp với nghề, là giai đoạn gặp nhiều khó khăn nhất nhưng cũng là giai đoạn tôi ép mình phải trưởng thành. Và giai đoạn này, tôi cảm thấy cứng cáp hơn, vững vàng hơn cả về kiến thức lẫn kinh nghiệm, sự trải nghiệm.

Có một tin vui là Công Tố chuẩn bị được cấp thẻ nhà báo. Đây là niềm hạnh phúc, vinh dự cũng như tự hào khi tôi sẽ chính thức đứng trong đội ngũ nhà báo Việt Nam.

MC Công Tố thấy may mắn khi được dẫn chương trình từ khi 'còn xấu' ảnh 1 "Hạnh phúc của người làm nghề cầm Mic chẳng phải là được cười thật tươi thế này với khán giả sao?"- Công Tố nói.

Bạn có nghĩ mình may mắn không?

Tôi sẽ chỉ nói riêng về may mắn thôi nhé! Tôi may mắn khi bước ra từ cuộc thi “Cầu vồng”, VTV6 đã chấp nhận để cho tôi thử dẫn chương trình đầu tiên là Mbox Ising – âm nhạc quốc tế. Dù khi đó, tôi không chỉ xấu và còn có kỹ năng dẫn rất tệ.

Sau đó, tôi tiếp tục dẫn chương trình “Mảnh ghép tiếng”- chương trình đầu tiên mà tôi nghĩ mình được thả lỏng bản thân. Tôi thấy được là mình khi không phải gò ép trong những câu chữ khuân mẫu, tôi được đùa giỡn, tất nhiên là có chừng mực trên sóng truyền hình. Nhưng tôi cảm thấy, đây mới là mình khi xem lại.

Ví dụ nhé, nếu như các MC thường nói: “Kính thưa quý vị, các bạn thân mến”, còn ở chương trình này tôi sẽ nói: “Ôi các bạn ơi”. Nó giống như một câu chào bên ngoài đời thực hơn. Cũng thật may mắn là khán giả chấp nhận và đón nhận sự thay đổi ấy.  

Theo bạn, người làm báo cần có điều gì?

Theo tôi, người làm báo là phải có tư duy và tài năng. Tức là, tìm ra sự đa chiều trước một sự vật, sự việc hay con người, hiện tượng. Ví dụ, chỉ là một cái bánh nhưng nhà báo sẽ nhìn nhận nó ở nhiều góc độ khác nhau, đặt trong những hoàn cảnh, trường hợp cụ thể để có những phán đoán và đánh giá riêng của mình. Tuy nhiên, nền tảng vẫn phải dựa trên sự thật khách quan. Nhà báo phải vô cùng khách quan.

Cái khó nhất của làm báo truyền hình là gì?

Đó chính là làm sao nói ra sự thật nhưng phải hấp dẫn. Một sự thật mà ai cũng biết thì còn gì là hấp dẫn nữa. Cái khó của truyền hình nằm ở chỗ đó!

Câu chuyện hay nhân vật nào từng khiến bạn xúc động nhất?

Có lẽ đó là những câu chuyện và con người trong chương trình “Hôm nay ai đến” đã khiến tôi nhiều lần xúc động. Tôi nhớ nhất cặp vợ chồng sống ở bãi giữa Sông Hồng. Người chồng là ông Nguyễn Văn Thành và vợ là bà Nguyễn Thị Thủy. Ông gọi bà là “vợ nhặt” vì hai người gặp gỡ khi ông đang đi nhặt rác ở ga Hàng Cỏ. Ông Thành “nhặt” được vợ ngày 26/9/1969.

Tôi đã dành khá nhiều thời gian để tìm được cặp đôi đặc biệt này. Tôi xúc động ở chi tiết, hai ông bà bên nhau gần 50 năm nhưng không có lấy một mụn con. Nhưng sai lầm khi tôi hỏi bà một câu: “Bà ơi, ngần ấy thời gian ông bà bên nhau có bao giờ bà cảm thấy cô đơn và rơi nước mắt chưa?”. Lúc ấy, bà đáp: “Thôi thôi không nói chuyện nữa”. Tôi biết bà giận và không muốn nói chuyện tiếp nữa. Ngay lập tức tôi phải xin lỗi và tìm mọi cách để xoa dịu bà.

Bài học tôi rút ra đó là cần có sự nhạy cảm nhiều hơn, đứng về phía nhân vật, dành nhiều tình cảm hơn cho họ, đặt mình vào vị trí của họ để cảm thấy, sẻ chia.

MC Công Tố thấy may mắn khi được dẫn chương trình từ khi 'còn xấu' ảnh 2

Được biết, Công Tố là người gắn bó với chương trình “Ghế không tựa” thì đâu là nhân vật gây nhiều ấn tượng với bạn?

Tôi có thể trả lời luôn đó là Lê Cát Trọng Lý. Một người khiến tôi đi từ bất ngờ này tới ngạc nhiên khác. Quả thực, tôi vô cùng ngỡ ngàng. Nói về độ tuổi, tôi và Lý không chênh lệch nhiều nhưng Lý khiến tôi thức tỉnh. Lần đầu tiên, một nhân vật trong một chương trình mang đến cảm giác đó cho tôi.

Nếu bạn theo dõi số phát sóng với Lê Cát Trọng Lý có thể thấy tôi đã nằm bò ra sàn nhà để nói chuyện với cô ấy. Không còn bất cứ giới hạn nào trên sóng truyền hình nữa.

Với những gì đã có ngày hôm nay, bạn có cảm thấy hài lòng không?

Tôi tự thấy mình là người khó tính nên chưa bao giờ cảm thấy hài lòng với những gì mình đã làm. Nhưng tôi sẽ không làm lại những gì đã qua mà chỉ cố gắng làm tốt hơn ngày hôm nay và ngày mai. Chia sẻ thêm một chút, với những gì đã và đang có của ngày hôm nay, tôi vui nhất là trở thành người kết nối. Kết nối những số phận, cuộc đời bất hạnh với những mạnh thường quân. Tôi hạnh phúc khi được trở thành “ông tơ bà nguyệt”, xây dựng nên những mối lương duyên giúp người nghèo được sẻ chia, hỗ trợ.

Bên cạnh đó, tôi hài lòng về tình cảm yêu mến mà khán giả dành cho mình. Tôi cảm thấy may mắn vô cùng khi có những người yêu thương và luôn ủng hộ mình trên những bước đường sự nghiệp. Ngày hôm nay của tôi chính là niềm yêu thương của nhiều khán giả trên mọi miền tổ quốc. Đó cũng là động lực để tôi cố gắng hơn mỗi ngày.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.