Theo đó, ngày 7/6, chuyến bay VN337 của Vietnam Airlines khởi hành lúc 9h30 từ Osaka (Nhật Bản) đo Đà Nẵng đã phải chuyển hướng hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Đào Viên (Đài Loan - Trung Quốc) sau 15 phút bay.
Nguyên nhân do 1 hành khách trẻ em tên W.H (2 tuổi, quốc tịch Nhật Bản) bị sốt cao, co giật và hô hấp khó khăn trong tình trạng hôn mê.
Ngay sau khi nhận được thông báo, đại diện Vietnam Airlines tại Đài Loan (Trung Quốc) đã gọi xe cứu thương sân bay, liên hệ phối hợp với đội ngũ bác sĩ, bộ phận công an cửa khẩu, cảng vụ.
Khi chuyến bay VN337 hạ cánh tại sân bay Đào Viên, xe cứu thương và các bộ phận phục vụ đã có mặt sẵn sàng tại sân đỗ để cấp cứu cháu bé.
Sau đó, chuyến bay tiếp tục hành trình bay về Đà Nẵng sau 1 giờ 22 phút hạ cánh tại sân bay Đào Viên.
Đây không phải lần đầu 1 chuyến bay phải hạ cánh khẩn cấp để cấp cứu hành khách. Điển hình, năm 2017, chuyến bay VN426 hành trình Hà Nội – Busan (Hàn Quốc), đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống Hồng Kông do có hành khách đột quỵ; chuyến bay VN19 hành trình Hà Nội – Paris (Pháp) đã hạ cánh khẩn cấp tại New Delhi (Ấn Độ) để cấp cứu 1 Việt kiều Pháp...
Được biết, việc hạ cánh khẩn cấp sẽ khiến hãng hàng không chịu không ít thiệt hại về kinh tế, do phải trả chi phí sân bay, nhiên liệu, kế hoạch khai thác thay đổi, đền bù thiệt hại cho hành khách nối chuyến...