Máy bay Mig 21 trở thành bảo vật Quốc gia

Chiếc Mig-21 được mệnh danh "én bạc" mang số hiệu 4324 do Liên Xô sản xuất, viện trợ cho Việt Nam năm 1967. Ảnh: Tuấn Mark
Chiếc Mig-21 được mệnh danh "én bạc" mang số hiệu 4324 do Liên Xô sản xuất, viện trợ cho Việt Nam năm 1967. Ảnh: Tuấn Mark
Thủ tướng vừa quyết định công nhận bảo vật quốc gia (đợt 3) cho 12 hiện vật, nhóm hiện vật. Trong đó có chiến đấu cơ Mig 21 số hiệu 4324, bắn rơi 14 máy bay các loại của Mỹ.

Chiến đấu cơ Mig 21 số hiệu 4324 hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam. Trước đó, chiến đấu cơ này được trang bị cho Trung đoàn không quân 921, Sư đoàn không quân 371, Quân chủng Phòng không - Không quân.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, “én bạc” 4324 đã xuất kích 69 lần, gặp địch 22 lần, xạ kích 16 lần.

Chỉ trong riêng năm 1967, có 9 phi công của Không quân nhân dân Việt Nam đã thay nhau lái chiếc này, bắn rơi 14 máy bay các loại của Mỹ. 8 trong số 9 phi công nói trên đã được tuyên dương và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Người đầu tiên lập công cùng “én bạc” 4324 là phi công Lê Trọng Huyên. Ngày 30/4/1967, phi công Lê Trọng Huyên xuất kích chiến đấu, bắn rơi 1 chiếc “thần sấm” F-105 trên bầu trời Bắc Thái. Chiến công này được thể hiện bằng ngôi sao đỏ đầu tiên trên máy bay.

Máy bay Mig 21 trở thành bảo vật Quốc gia ảnh 1

Mỗi ngôi sao đỏ tương ứng với một chiến công của chiếc Mig-21 số hiệu 4324

Những bảo vật quốc gia được công nhận đợt này còn có: Trống đồng Hữu Chung (Văn hóa Đông Sơn, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương); Chuông Thanh Mai (niên đại 798, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội).

82 bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội (niên đại 1484 - 1780), hiện lưu giữ tại Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội).

Bia "Khôn Nguyên Chí Đức Chi Bi" (niên đại thế kỷ XV, hiện lưu giữ tại Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh, tỉnh Thanh Hóa); Bia Thủy Môn Đình (Niên đại: năm 1670, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn).

Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay chùa Đào Xuyên (niên đại thế kỷ XVI, hiện lưu giữ tại chùa Đào Xuyên, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội); Bộ tượng Di Đà Tam Tôn chùa Thầy (niên đại đầu thế kỷ XVII, hiện lưu giữ tại chùa Thầy, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội).

Tượng Phật giáo thời Tây Sơn chùa Tây Phương (niên đại cuối thế kỷ XVIII, hiện lưu giữ tại chùa Tây Phương, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội).

Ekamukhalinga/Linga có một đầu thần Siva (niên đại đầu thế kỷ VIII, hiện lưu giữ tại Ban Quản lý di tích lịch sử và du lịch Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam).

Lan can thành bậc (niên đại đầu thế kỷ XII, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Nam Định); Bản đồ Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh (Hiện vật trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam).

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG