Sáng 28/6, ARJ-21 (viết tắt cho tên “Máy bay hiện đại của khu vực trong thế kỷ 21”) thực hiện chuyến bay đầu tiên, từ Thành Đô đến Thượng Hải (Trung Quốc). Những hành khách đầu tiên trên chuyến bay là giám đốc điều hành hãng hàng không, các kỹ sư hàng không vũ trụ và nhà báo.
“Tôi cảm thấy tiếng ồn trong ARJ-21 hơi lớn so với các máy bay khác mà tôi từng đi. Nhưng tôi cảm thấy an toàn khi biết ARJ-21 đạt kỷ lục thế giới về số giờ bay thử”, một nhà báo có mặt trên chuyến bay nhận xét. Trong khi đó, một số hành khách hài lòng về thức ăn phục vụ, số khác lại phàn nàn máy bay không có các thiết bị giải trí. Được biết, chuyến bay đầu tiên của ARJ-21 kéo dài khoảng 3 tiếng.
ARJ-21 Xiangfeng là máy bay phản lực hai động cơ, được sản xuất và thiết kế bởi công ty Hàng không Vũ trụ Trung Quốc Comac, nhằm hạn chế sự phụ thuộc của ngành hàng không Trung Quốc đối với Boeing và Airbus. Dự án phát triển ARJ-21 được triển khai từ năm 2002. Đây được coi là dự án trọng điểm trong “Kế hoạch năm năm lần thứ 10” của Trung Quốc.
Ban đầu, Comac lên dự kiến đưa ARJ-21 phục vụ thương mại vào năm 2006. Tuy nhiên, kế hoạch bị trì hoãn trong gần một thập kỷ sau khi nhiều thiết kế cơ khí xảy ra vấn đề trong các chuyến bay thử nghiệm.
Hiện, ARJ-21 đang hoạt động mà không có giấy chứng nhận của Cục Hàng không liên bang Hoa kỳ (FAA). Được biết, Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) tốn nhiều công sức suốt năm năm để xin chứng thực từ FAA nhưng chưa có kết quả. Nếu có giấy chứng nhận của FAA, Comac sẽ tăng uy tín trên thị trường quốc tế, xóa hết mọi rào cản trong các hoạt động toàn cầu và việc bán máy bay. Đến thời điểm hiện tại, Comac chỉ mới nhận được 350 đơn đặt hàng cho máy bay phản lực mới, chủ yếu từ các hãng hàng không Trung Quốc và các công ty cho thuê.
Mặc dù nguồn thu tài chính ít ỏi, Comac dường như không quá quan tâm đến hiệu quả thương mại từ dự án ARJ-21. Hãng này cho biết, đây là bước đệm để chuẩn bị cho Comac C919, loại máy bay hai động cơ dự kiến sẽ ra mắt năm 2019.
Chuyến bay của máy bay phản lực chở khách đầu tiên của Trung Quốc nhận được sự quan tâm từ dư luận. Cư dân mạng Trung Quốc lên tiếng ủng hộ, kêu gọi không bay các chuyến bay nào khác ngoài những thành tựu công nghệ của nước nhà. Trong khi, một số phương tiện truyền thông phương Tây gọi ARJ-21 là “vật không có giá trị” và tỏ ý hoài nghi về độ tin cậy, cũng như hiệu suất của máy bay.