Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968

Mậu Thân - Máu và hoa: Xứng danh anh hùng

Ông Lê Văn Duy.
Ông Lê Văn Duy.
TP - Chiều cuối năm, nhớ về những trí thức, văn nghệ sỹ cùng tham gia cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đạo diễn Lê Văn Duy-nguyên giám đốc hãng phim Nguyễn Ðình Chiểu, TPHCM bồi hồi xúc động.

Xứng danh anh hùng 

Ông Lê Văn Duy kể: Chúng tôi tập trung tại trạm giao liên Bố Bà Tây để đi chiến dịch. Tôi là phóng viên, quay phim chính, học lớp viết văn khóa 2. Đến trạm đã thấy nhiều văn nghệ sỹ như nhà văn Lê Văn Thảo, các nhà báo Đinh Phong, Phạm Khắc, quay phim Hồng Sến, nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn…

Anh em được học dân vận và quán triệt tinh thần không tơ hào đến tài sản nhân dân. Hành quân qua những vườn thơm (dứa) chín vàng, thèm lắm mà không dám đụng đến. Ai thèm quá hỏi giá, hái ăn rồi gắn tiền vào cây thơm.

Đến vùng ven Sài Gòn, lúc ấy đã cận Tết, các văn nghệ sỹ mới được phổ biến “giờ G”. Đợt 1, ông Duy được phân công đi theo cánh quân vũ trang của Thành Đoàn cùng tiểu đoàn 6 tiến vào nội thành. Ông nhớ lại: “Chúng tôi bơi qua sông Lò Gốm vào Phú Lâm chờ đến giờ nổ súng. Địch tập kích, rất nhiều anh em hy sinh.

Tôi đang trao đổi với anh Mai Lộc dưới hầm thì ông Trần Bạch Đằng ra lệnh rút lui vì mặt trận bị vỡ, địch điều xe thiết giáp đến, các chiến sỹ bảo vệ vòng ngoài đều hy sinh. Tôi chạy qua báo cho nhà văn Nguyễn Quang Sáng rồi cùng anh Mai Lộc chui xuống Rạch Lá. Anh em trong Ban Tuyên huấn nằm chịu trận dưới con rạch, trong đó có ông Trần Bạch Đằng. Địch lùng sục phía trên cách chúng tôi chỉ vài thước”.

Hy sinh nhiều, những đơn vị vũ trang địa phương phải bổ sung các sinh viên từ miền Bắc mới vào miền Nam. Đạo diễn Lê Văn Duy xót xa nhớ lại, phần lớn anh em không rành sông nước. Nhiều người không biết lội sông, nhưng sự dũng cảm thì khó ai sánh bằng.

"Chúng tôi ở trong nhà dân. Họ không nói nhưng nhìn hình ảnh treo trên tường thì biết là gia đình sỹ quan Sài Gòn nhưng họ cho thức ăn, nước uống, hết lòng đùm bọc mình". 

Ông Lê Văn Duy

“Chúng tôi hành quân ban đêm, người trước nhìn gót chân người sau để tiến. Có một cậu đi sau tôi cứ mỗi lần cả đoàn quân dừng lại là đâm vào lưng tôi. Mang vác nặng, bị đụng nhiều lần, tôi nổi quạu mắng: “Bộ mày đui (mù) hả!”. Cậu ta ấp úng xin lỗi thừa nhận bị bệnh quáng gà. Cậu ta đang học năm ba một trường đại học nhưng giấu tổ chức căn bệnh này để được vào Nam chiến đấu.

Dọc đường hành quân có nhiều rặng trâm bầu, tôi bảo cậu ta chặt một nhánh buộc vào ba lô của tôi rồi cầm một đầu. Vào đến vùng ven Sài Gòn thì lạc nhau. Sau này gặp lại ở trạm Ba Thu, cậu ấy bị thương nhưng vẫn xung phong đi đợt 4 (đợt vét) và không thấy trở về”, ông Duy nhớ lại.

Đạo diễn Lê Văn Duy kể nhạc sỹ Hoàng Việt trước lúc hy sinh có nhờ ông kèm cặp cậu con trai Lê Dũng từ miền Bắc vào. Dũng phụ quay phim cho ông và rất gan dạ. Sau này, người phụ ông là Quốc quê ở Sài Gòn đẹp như diễn viên điện ảnh và đang là đối tượng Đoàn. Ông dự định sau chiến dịch sẽ kết nạp Đoàn cho Quốc. Ông Duy nhớ lại: “Thành Đoàn cho giao liên ra đưa chúng tôi vào Sài Gòn. Cô giao liên cũng rất xinh. Hai đứa “kết” nhau… Không ngờ đến đường Minh Phụng, cả cánh quân bị trung đoàn “Trâu điên” phục kích.

Súng địch bắn xuống đường như vãi trấu. Nhiều người hy sinh. Tôi bị thương nặng. “Quốc dìu tôi đến điểm tập trung chờ dân công hoả tuyến tới đón rồi trở về tiếp tục chiến đấu. Trong lá thư viết vội, Quốc nói còn máy, còn súng mà rút lui là không xứng đáng làm đối tượng Đoàn. Sau này tôi mới biết Quốc vào đến đường Trần Hưng Đạo (Quận 5) thì bị bắt đày ra Phú Quốc, sau đó hy sinh”, ông Duy xót xa.

Ông Duy và gần 100 thương binh chờ mãi nhưng dân công hoả tuyến không vào đón. Đến gần tối, cấp trên lệnh cho anh em tự ra. Người khoẻ dìu người yếu, bò lê lết dưới rạch.

Mậu Thân - Máu và hoa: Xứng danh anh hùng ảnh 1 Ðạo diễn Lê Văn Duy (ngoài cùng bên phải) và anh Quốc (ngoài cùng bên trái) lúc còn trong cứ.

Lính Sài Gòn cứu quân giải phóng

Đạo diễn Lê Văn Duy (Dương Ngọc Chúc) thuộc gia đình “danh gia vọng tộc”. Bố ông là Dương Văn Diêu, trưởng Tiểu Ban Giáo dục, anh em con chú, con bác với Đại tướng Sài Gòn Dương Văn Minh. Ông Diêu là người đề xuất đưa em ông Minh là Dương Văn Nhật vào Sài Gòn móc nối với anh trai.

Ông Duy là em trai nhà văn Lê Văn Thảo và là anh của nhà biên kịch Dương Cẩm Thuý. Ông học trường Quốc gia Hành chánh (khoá 10), được Ngô Đình Nhu, Trần Kim Tuyến trực tiếp giảng dạy, đến năm thứ hai (1962) thì bỏ vào cứ với bố.

Ông bảo là cuộc đấu tranh chính nghĩa nên người dân hết lòng cưu mang, đùm bọc quân giải phóng. Nếu không có người dân Sài Gòn con số hy sinh còn lớn hơn rất nhiều.

“Có một thương binh người miền Bắc bị thương không đi nổi chui vào cây rơm trên cánh đồng ẩn nấp. Ban đêm dân đi soi ếch phát hiện, đưa về nhà chạy chữa, đến gần sáng lại đưa ra cây rơm cất giấu. Anh Lâm Tấn Tài bị thương hư một mắt, dân đưa vô bệnh viện Chợ Rẫy chữa một tháng, làm mắt giả rồi đưa ra cứ.

Anh Hiền làm chung xưởng phim với tôi nằm trong đống xác chết. Một sỹ quan Sài Gòn đến kiểm tra, phát hiện Hiền còn sống, bảo anh cứ nằm giả chết. Đến tối thì đem vào chùa băng bó rồi đưa Hiền vào bệnh viện. Ở trong cứ, mọi người tưởng anh hy sinh đã đưa vào danh sách liệt sỹ”, ông Duy kể.  

Khi đánh vào Sài Gòn, nhiều người dân đã tham gia cầm súng chiến đấu hỗ trợ quân giải phóng. Anh Phạm Khắc quay được cảnh hai cô nữ sinh rất đẹp trèo lên lầu bắn máy bay. Sau giải phóng tôi đi quay phim mới biết một bà má là cơ sở của mình trong nội thành đang tìm con bị mất tích trong Tết Mậu Thân. Xem phim, bà khóc ngất vì nhận ra một trong hai cô gái là con bà”. 

Tác giả “Người mẹ cầm súng” chiến đấu đến viên đạn cuối cùng

Đạo diễn Lê Văn Duy cho biết sau trận Đồng Xoài, Mỹ đưa nhiều sư đoàn thiện chiến ra trấn giữ ở vùng ven. Trong Tết Mậu Thân, Nguyễn Thi theo các đơn vị chủ lực tiến vào Sài Gòn đụng độ với quân Mỹ nên thông tin cho rằng nhà văn hy sinh ở Minh Phụng có thể chưa chính xác. Chính ông Trần Bạch Đằng kể cánh quân của Nguyễn Thi hy sinh gần hết, chỉ còn 7 người. Nhà văn Nguyễn Thi mang hàm cao nhất (đại uý) chỉ huy những người còn sống sử dụng súng B40 đánh xe tăng địch đến quả đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh trên một cánh đồng.

MỚI - NÓNG