Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968: Sống lại thời hoa lửa

Bà Năm Lan (quàng khăn) xúc động kể về những ngày hoa lửa. Ảnh: TP.
Bà Năm Lan (quàng khăn) xúc động kể về những ngày hoa lửa. Ảnh: TP.
TP - Ngày 29/1, Thành Đoàn TPHCM tổ chức tọa đàm: “Vai trò của học sinh, sinh viên và trí thức trẻ miền Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968”. Nhiều bạn trẻ tham dự không khỏi xúc động khi gặp gỡ những nhân chứng sống, nghe câu chuyện về một thời hoa lửa đầy oanh liệt nhưng bừng bừng khí tiết của những người tuổi đôi mươi.

Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh

Bà Lê Thị Hiền (bí danh Năm Lan) tham gia cách mạng khi mới 13 tuổi. Năm 1966, Năm Lan được đưa về hoạt động tại tiểu đội võ trang Nguyễn Văn Trỗi thuộc Thành Đoàn Sài Gòn – Gia Định, đóng tại Long Khê (Long An). Hằng ngày, Năm Lan đạp xe chở vũ khí qua mặt các trạm kiểm soát của kẻ thù vào khu Chợ Lớn. Và cô gái trẻ luôn hoàn thành nhiệm vụ bằng sự mưu trí, dũng cảm
của mình.

Kể về trận đánh Tết Mậu Thân với nhiệm vụ giải phóng nhà lao Chí Hòa, bà Năm Lan không khỏi xúc động, nhớ như in từng đồng chí, đồng đội của mình nằm xuống trước sự càn quét điên cuồng của địch. Trong đó có anh Út Nhị - người yêu của bà Năm Lan. “Nén đau thương, tôi nói với anh: “Anh đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và đã hoàn thành nhiệm vụ. Hãy để em trả thù thay anh”. Lúc đó, trong đầu tôi đã quyết chí, thà quyết tử chứ không để bị bắt sống”. Bà Năm Lan cầm lấy súng của người yêu, tiếp tục chiến đấu.

Nhớ như in về hình ảnh cô gái giao liên liệt sĩ Phạm Thị Thu Vân, bà Trương Mỹ Lệ - nguyên quyền Bí thư Thành Đoàn TPHCM nghẹn ngào, cho biết chị Thu Vân là nữ sinh đệ tam trường trung học Lê Văn Duyệt. Khi chi đoàn thanh niên đầu tiên của trường được thành lập, chị Thu Vân trở thành Bí thư chi đoàn với bí danh Bảy Thủy. Chị cùng với Tư Nguyên (Đào Thị Hạnh) và Mười Chi (Cao Thị Tuyết Hoa) đã khuấy động phong trào yêu nước, khơi dậy tinh thần dân tộc của học sinh sinh viên miền Nam lúc bấy giờ.

Trong trận Mậu Thân, tổ giao liên của chị Vân có nhiệm vụ dẫn một tiểu đoàn quân chủ lực chuẩn bị vào nội thành. Bị địch phát hiện và càn quét, chị Thu Vân và các đồng đội đã ở lại chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Sáu người hy sinh đều ở tuổi 19-20, nhiều người chưa có người yêu nhưng họ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho cuộc chiến thần kỳ của dân tộc. “Giờ hòa bình rồi, chúng ta phải làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho các gia đình của những anh hùng liệt sĩ được trọn vẹn hơn” - bà Mỹ Lệ đề nghị.

Nhận diện rõ hơn vai trò lịch sử

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, học sinh, sinh viên và trí thức trẻ miền Nam nói chung và tuổi trẻ Sài Gòn - Gia Định nói riêng đã tham gia tích cực trong công tác chuẩn bị và trực tiếp đấu tranh. Đây là một trong những lực lượng chủ công trong các phong trào đấu tranh, nhất là đấu tranh ở đô thị bằng hình thức vũ trang chính trị, vũ trang biệt động, chính trị công khai…

Nhiều hoạt động tiêu biểu như: Tổng hội Sinh viên Sài Gòn tổ chức Đại hội văn nghệ học sinh, sinh viên mừng Tết Quang Trung quy tụ hơn 12.000 thanh niên với nhiều tiết mục tuyên truyền bảo vệ văn hóa dân tộc, đòi hòa bình, chấm dứt chiến tranh, ca ngợi đất nước; tuổi trẻ Sài Gòn - Gia Định thành lập các đội tuyên truyền vũ trang, xây dựng các cơ sở giao liên, trinh sát đón và dẫn đường quân giải phóng; tại Tây Ninh, lực lượng thanh niên xung phong Hoàng Lê Kha vừa tham gia phục vụ tiền tuyến, vừa chiến đấu cùng các lực lượng vũ trang…

Những câu chuyện, bài học kinh nghiệm từ các nhân chứng về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã góp phần nâng cao nhận thức, bồi đắp lý tưởng cách mạng, giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang, truyền thống anh hùng của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho đoàn viên, thanh thiếu nhi cụm miền Đông Nam bộ. Qua đó, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ đoàn, ĐVTN trong tham gia xây dựng, bảo vệ, phát triển địa phương và đất nước.

Thượng tá Dương Kim Tần, Trưởng Ban Thanh niên Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 cho rằng, thế hệ các bạn trẻ hôm nay được hưởng thành quả cách mạng của cha ông đi trước. Nhưng trách nhiệm của họ không hề nhỏ đi mà đang đứng trước những thách thức và vận hội lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Thanh niên phải sống có lý tưởng, có ý chí vươn lên, có hoài bão lớn lao, cống hiến. Đồng thời rèn đức luyện tài vượt qua khó khăn, xây dựng đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu”, thượng tá Tần nói.

Anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cho rằng cuộc gặp gỡ này chính là dịp nhận diện rõ hơn vai trò lịch sử của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, sau 50 năm diễn ra. Theo anh Lê Quốc Phong, những nội dung mà các cô chú thế hệ trước trao đổi với các bạn ĐVTN hôm nay là những bài học ý nghĩa để chúng ta nhìn lại và đúc kết về sự hy sinh vì nghĩa lớn, vì đất nước. Tinh thần của tuổi trẻ nói chung, vai trò của học sinh sinh viên tham gia vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân được thể hiện rất rõ bằng tất cả tinh thần và lực lượng.

“Những cột mốc đáng tự hào của lịch sử dân tộc như cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 còn là điểm tựa tinh thần quý giá đối với người thanh niên trong tiến trình hội nhập, là hành trang quý báu để người trẻ khẳng định rõ hơn bản sắc, vị trí của đất nước Việt Nam trong sân chơi toàn cầu”, anh Lê Quốc Phong nhấn mạnh.

“Mậu Thân 1968 còn mang lại bài học về sự tin tưởng tuyệt đối vào sự dẫn dắt, chỉ đạo sáng suốt của Đảng. Đó là kim chỉ nam dẫn dắt mỗi người cùng suy nghĩ, hành động, cùng thực hiện mục tiêu chung, sự nghiệp chung của đất nước, mà trong sự nghiệp đó có vai trò riêng của mỗi thanh niên, cán bộ trẻ chúng ta”.

            Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong

 

T.Ư Đoàn tri ân gia đình liệt sĩ Hồ Hảo Hớn

Sáng 29/1, tại TPHCM, anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn đã đến thăm Di tích hầm chứa vũ khí bí mật phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Khu di tích hầm chứa vũ khí bí mật phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là căn nhà của ông Trần Văn Lai (Năm Lai) hiện tọa lạc tại số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3.

Sáng cùng ngày, anh Lê Quốc Phong dẫn đầu đoàn công tác đến thăm hỏi, tặng quà gia đình liệt sĩ Hồ Hảo Hớn, Anh hùng lực lượng Vũ trang nhân dân, Bí thư Thành Đoàn Sài Gòn – Gia Định đầu tiên.

                                                                                         NGÔ TÙNG

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.