'Máu' rừng Ngàn Sâu vẫn chảy

'Máu' rừng Ngàn Sâu vẫn chảy
TP - Rừng Ngàn Sâu (Hương Khê, Hà Tĩnh) là rừng phòng hộ nhưng nhiều năm qua thường xuyên bị lâm tặc tàn phá. Mỗi tuần, gỗ được tuồn ra khỏi rừng hàng trăm mét khối. PV Tiền Phong đã thâm nhập, tìm đến các điểm nóng tàn phá rừng ngay giữa lòng Ngàn Sâu.

Kỳ 1: Theo dấu lâm tặc

Trung bình mỗi tuần có khoảng 300 m3 gỗ từ khu vực thác Rồng (thuộc địa phận xã Hương Trạch) được tuồn ra ngoài để tiêu thụ. Trực tiếp chứng kiến những gì đang diễn ra trong rừng Ngàn Sâu mới lý giải được vì sao Hương Khê thường xuyên bị lũ quét tàn phá.

Đột nhập thác Rồng

“Dù biết việc phá rừng phòng hộ sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho môi trường sống, gần đây lũ quét tại Hương Sơn nhiều hơn, nhưng vì miếng cơm manh áo, lâm tặc vẫn phá rừng Ngàn Sâu mỗi ngày.

Với tốc độ chặt phá rừng như hiện nay, chỉ vài năm nữa Ngàn Sâu thành đồi trọc.”

Phải qua nhiều mối quan hệ, tôi mới nhờ được một gã cựu lâm tặc (giờ đã chuyển sang kinh doanh các sản phẩm từ gỗ) người bản địa dẫn đường. Trước khi đột nhập vào thác Rồng, cựu lâm tặc dặn dò đủ thứ. Nào là phải cẩn thận khi đi lại vì đường rừng nguy hiểm, cẩn trọng khi hỏi han, chụp ảnh, ghi hình phải bí mật…

Phía trước chúng tôi là con đường đất lồi lõm do bị cày nát lâu ngày bởi những chuyến xe vào ra chở gỗ. Trong suốt hành trình vào rừng, chúng tôi bắt gặp nhiều xe công nông cõng trên mình những thớ gỗ còn tươi rói.

 Tôi định đưa máy ảnh lên gã thợ rừng ra hiệu: dừng! Hóa ra, trước và sau mỗi chiếc xe công nông có hai thanh niên dung mạo bặm trợn đi hai xe máy tháp tùng. Một vài gã đi qua ném về phía chúng tôi những cái nhìn sắc lẹm. Theo gã thợ rừng, những chiếc xe công nông này chuyên chở gỗ từ thác Rồng ra bán cho các chủ đầu mối ở thị trấn Hương Khê.

Đường vào thác Rồng hiểm trở. Chúng tôi phải leo qua nhiều mỏm đá nhọn hoắt, chênh vênh. Nhiều người bất cẩn khi tiếp cận thác Rồng đã bị ngã gãy tay, chân. Dù đã rất cố gắng, nhưng tôi vẫn không theo kịp những bước chân thoăn thoắt của gã thợ rừng. Nghỉ lấy hơi một lần nữa gã dặn: “Muốn giữ mạng, phải hết sức cẩn thận khi chụp ảnh!”.

Gã lý giải, khai thác gỗ trong rừng Ngàn Sâu là đường sống duy nhất của gần 100 người ở xã Hương Trạch nên họ sẽ làm mọi cách để bảo vệ nguồn sống. Qua quãng đường nguy hiểm, chúng tôi tiếp tục lội bộ qua sông Ngàn Sâu.

Sau khi lần theo một lối nhỏ để lên thác Rồng, phía trước chúng tôi là những cây gỗ to được lâm tặc buộc bằng phao tự chế đang trôi nổi trên mặt nước. Xung quanh thác, cây cối đổ ngả nghiêng. Gã thợ rừng cho biết, từ lâu rừng Ngàn Sâu bị lâm tặc khai thác triệt để nên rừng đang rỗng ruột.

Mặt trời lên cao. Vài ba lâm tặc bắt đầu vào thác. Họ vào đây đều chung một mục đích là đi làm gỗ. Tức là chặt và vận chuyển gỗ từ trong rừng Ngàn Sâu ra để bán lấy tiền. Thấy chúng tôi là người lạ, lâm tặc tỏ vẻ nghi ngờ và dè chừng. Trên tay lúc nào cũng lăm lăm con dao sắc lạnh. Tuy nhiên, thấy chúng tôi có vẻ không quan tâm gì đến công việc họ đang làm nên tiếp tục ung dung vận chuyển gỗ.

Chúng tôi tiếp tục đi sâu vào rừng. Lấp ló sau các lùm cây là những thớ gỗ đã được khai thác, chất thành đống. Lâm tặc đang chờ cơ hội để chuyển ra ngoài tiêu thụ.

Lâm tặc kéo gỗ từ rừng ra sông Ngàn Sâu Ảnh: N.P.C
Lâm tặc kéo gỗ từ rừng ra sông Ngàn Sâu Ảnh: N.P.C.

Tan hoang rừng phòng hộ

Rừng phòng hộ Ngàn Sâu do Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Ngàn Sâu trực tiếp quản lý.

Trước đây, khi UBND tỉnh Hà Tĩnh chưa tiến hành giao đất giao rừng cho dân, rừng Ngàn Sâu có diện tích 24.570 ha nhưng nay đã thu hẹp còn 14.637 ha.

Rừng Ngàn Sâu trải dài qua địa bàn 7 xã (Lộc Yên, Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Đô, Hương Xuân, một phần xã Hương Giang, một phần xã Hương Trà) thuộc huyện Hương Khê và nằm giáp ranh ba huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) và Tuyên Hóa (Quảng Bình).

Đi sâu vào rừng hơn 1 km nữa, chúng tôi đến khu vực thác Nu. Gã thợ rừng chỉ tay bảo nên dừng ở đây vì càng đi sâu càng nguy hiểm. Tự nhủ, đã vào đến đây sao không gắng thêm chút nữa. Lúc này, đường vào rừng hiểm trở vô cùng.

Từ thác Nu, có hai phương án để tiếp tục đi sâu vào rừng. Một là lội dưới khe nước và hai là bám vào những vách đá nhọn hoắt, cheo leo trên bờ. Tôi chọn phương án trèo qua các vách đá.

Khoảng hơn một giờ đồng hồ, chúng tôi đã vào sâu trong Ngàn Sâu, khoảng 7-8 km. Đến một bãi đất, thấy một khúc sông được ngăn lại thành đập, gỗ nổi từng khúc.

Nhìn sang bờ tả, gỗ cũng được chất thành đống. Một lâm tặc khoảng 20 tuổi tiến về phía chúng tôi hất hàm hỏi: “Vào đây làm gì?”. Tôi nói: thích du lịch khám phá, nghe người dân bảo thác Nu đẹp nên thuê người dẫn vào xem. Gã lâm tặc tỏ vẻ khó chịu, nói: “Xem nhanh rồi xéo! Gỗ mà đè gãy chân thì không ai đến cứu đâu”. Tôi ậm ừ và leo lên phía trên cao.

Lúc này, nhiều lâm tặc đang dùng những dây thừng to để nối từng khúc gỗ dài lại với nhau tạo thành một dây chuyền kéo dài cả trăm mét. Đây là số gỗ đã được khai thác cách đây hơn một tuần nhưng lâm tặc chưa chọn được thời điểm thuận lợi để chuyển ra khỏi rừng.

Qua quan sát, tôi thấy đường kính của mỗi khúc gỗ khoảng 40-50 cm. Một số lâm tặc cho biết, gỗ ở khu vực này có nhiều loại, chất lượng trung bình. Giá bán khoảng 2,5 triệu đồng/m3. Một lâm tặc khai thác được khoảng 3 m3 gỗ. Một lâm tặc tên Lâm cho biết, hiện có khoảng 100 hộ ở xã Hương Trạch chuyên sống bằng nghề khai thác gỗ lậu. Mỗi tuần như thế, phải có khoảng 300 m3 gỗ được khai thác và vận chuyển ra ngoài.

Gỗ lậu sau khi khai thác được tập kết trong rừng Ngàn Sâu Ảnh: N.P.C
Gỗ lậu sau khi khai thác được tập kết trong rừng Ngàn Sâu Ảnh: N.P.C.

Theo các lâm tặc, những loại gỗ giá trị như lim, sến, táu… ở Ngàn Sâu đã tuyệt chủng từ lâu. Thậm chí, những cây gỗ có đường kính tầm 75 cm nay cũng rất hiếm. Ngay cả cây có đường kính 40-50 cm cũng cạn kiệt dần vì tốc độ khai thác ngày một ráo riết.

Hiện, tại rừng Ngàn Sâu, gỗ chủ yếu được khai thác trên những ngọn đồi cao. Để lên được các ngọn đồi đó, lâm tặc phải trèo qua những vách đá dựng đứng. Gỗ sau khi được cưa bằng máy, lâm tặc dùng những con trâu to khỏe kéo lên bờ thác rồi thả xuống nước vận chuyển ra khỏi rừng.

Để dễ tiêu thụ và vận chuyển, các khối gỗ dài hàng mét được nối với nhau bằng những sợi dây thừng to, nối thành từng hàng dài 20-30m. Sau khi nối lại với nhau thành hàng, nhờ sức nước, gỗ được thả trôi ra khu vực trục vớt trước khi đưa lên xe công nông vận chuyển đi tiêu thụ.

Suốt hành trình vào rừng Ngàn Sâu, đập vào mắt chúng tôi là những bãi đất được tập kết đầy gỗ đã được cắt xén, mùn gỗ vương vãi khắp nơi. Số gỗ này đã được lâm tặc cưa ngọn ngay từ trong rừng để dễ dàng vận chuyển.

Gỗ sau khi tuồn ra ngoài an toàn, lập tức được bán cho các đầu nậu. Nhằm che mắt cơ quan chức năng, một số lượng gỗ ngay lập tức được đầu nậu xẻ tấm, sau đó đóng thành bàn ghế, giường tủ, cốt pha… để hợp thức hóa.

Một kiểm lâm tử nạn khi trục vớt gỗ lậu

Theo ông Phan Tuấn – Chi cục phó Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, vào khoảng 18h ngày 15-5, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã tìm thấy thi thể anh Trần Văn Quý (24 tuổi, trú tại thôn Ngọc Mỹ, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) là cán bộ kiểm lâm thuộc đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy số 2, bị nước cuốn trôi vào thác Vòng Xoay trên sông Bung.

Vào khoảng 10 giờ cùng ngày, anh Quý cùng 8 kiểm lâm viên trong đội đi truy quét gỗ trên sông Bung và phát hiện nhiều bè gỗ không rõ nguồn gốc đang dìm dưới sông. Khi tiến hành trục vớt số gỗ trên, anh Quý đã bị nước cuốn trôi và tử nạn. Nguyễn Thành

Còn nữa

Nhóm PV

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG