Bỏ việc và thất nghiệp…
Những năm 2000, khi ấy tôi đang ở Hà Nội, cuộc sống người Hà Thành năm tháng đó khá yên bình, đời sống văn chương sôi động với nhiều cây bút trẻ, các nghệ sĩ quốc tế và hải ngoại đến Hà Nội khá nhiều trong cái thời mà người ta gọi là “Hội nhập”. Một hôm, tôi gặp người bạn văn từ TPHCM ra, lưng đeo cái ba lô, với mục đích duy nhất không có gì khác đó là đi viết văn.
Thời điểm ấy cũng có một số nhà văn trẻ ở TPHCM ra Hà Nội sinh sống viết lách như Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thúy Hằng… nhưng quả thực cái cảnh cõng ba lô ra Hà Nội, không biết làm gì, ở đâu, viết gì… của anh Cao Đăng khiến chúng tôi không khỏi ái ngại. Anh nói với chúng tôi: “Sống ở đâu không quan trọng bằng việc mình viết có được hay không”.
Dịch giả, nhà văn Trần Tiễn Cao Đăng. Ảnh: Trần Nguyễn Anh.
Với vốn ngoại ngữ phong phú và “cứng” của mình, Trần Tiễn Cao Đăng sớm tìm được công việc, một thời gian anh làm ở tờ báo văn học điện tử Evan, rồi làm mảng văn chương cho tờ Vietnamnet, sau cùng là biên dịch biên tập cho nhà sách Nhã Nam. Anh có thể làm việc với tiếng Nga, Anh, Pháp, Hoa… đó là lợi thế không nhỏ trong thời điểm mà văn học Hà Nội đang hướng ngoại rất nhiều. Cũng ở đất Hà Nội, anh đã xây dựng tổ ấm của mình với một cô gái hâm mộ tác phẩm của anh.
Cuộc sống văn chương không hề dễ dàng. Nguyễn Hữu Hồng Minh, người bạn thân của Cao Đăng kể: “Anh Đăng yêu văn học hiếm có. Công việc ở Sài Gòn đang tốt, làm việc lương rất cao cho một công ty lớn, bỗng bỏ việc, lao vào văn chương”. Nhưng có thể cái máu liều ấy của anh Đăng đã giúp chúng tôi có dịp gặp gỡ và làm việc nhiều hơn với một nhà văn, dịch giả phía Nam ra Hà Nội. Dịch giả Đinh Bá Anh, tôi và anh Cao Đăng hầu như gặp nhau mỗi ngày và câu chuyện không bao giờ ra ngoài chuyện văn chương. Chúng tôi cũng gặp rất nhiều bạn bè văn chương khác, các nhà xuất bản và các tờ báo. Chỉ trong vòng mấy năm, tôi đã chứng kiến hai lần Trần Tiễn Cao Đăng “thất nghiệp”, sau khi Evan gần như đóng cửa thì đến lượt mảng văn chương của Vietnamnet cũng khép lại. Văn học, đặc biệt là văn học hiện đại, dường như nằm ngoài tầm với của báo chí và các tờ báo chỉ chú ý đến mảng giải trí và chuyện hậu trường!
Dịch thuật như những luật chơi
Cuốn “Từ Điển Khazar”của Milorad Pavic là tác phẩm dịch gây tiếng vang đầu tiên của Trần Tiễn Cao Đăng. Cuốn tiểu thuyết hậu hiện đại danh tiếng này được Cao Đăng dịch sau giờ làm việc, thậm chí giữa giờ mọi người đang ngủ trưa, đêm khuya khoắt… song ngôn ngữ của nó hết sức sống động, lấp lánh và cảm giác mà tác phẩm dịch này đem lại được so sánh với việc Nguyễn Trung Đức dịch “Trăm năm cô đơn” vậy. Là người bạn thân thiết với dịch giả, tôi chứng kiến cách làm việc của Cao Đăng, đó là anh không chỉ đọc một bản dịch từ tiếng Anh mà anh còn so sánh đối chiếu nhiều bản dịch khác nhau từ nhiều thứ tiếng như bản tiếng Pháp, bản tiếng Nga… từ đó, khi đã thấy mình thực sự hiểu rõ từng trang viết của tác giả, anh mới dịch sang tiếng Việt. Anh dành thời gian rảnh để học thêm tiếng Tây Ban Nha, học tiếng Nhật Bản… và đam mê ngoại ngữ của anh đã bao trùm lên công việc dịch thuật một cách say sưa và nhiệt huyết đến vô tận.
Trần Tiễn Cao Đăng gặp gỡ bạn đọc tại TPHCM.
Nếu giới viết văn thích thú cuốn “Từ Điển Khazar”, một mẫu mực của văn chương hậu hiện đại phi tuyến tính, không cốt truyện, thì các độc giả nghiền sách biết nhiều đến Trần Tiễn Cao Đăng với vai trò dịch giả “Biên niên ký Chim vặn dây cót” (Haruki Murakami), tác phẩm của tác giả người Nhật có tiếng bán chạy trên toàn cầu.
Với Trần Tiễn Cao Đăng, dịch thuật là một cách giúp anh tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau. Dịch một tác phẩm, anh thường tìm xem nó được sinh ra từ cái nôi văn hóa nào, đặc trưng của nó và thậm chí anh còn tra cứu đến từng địa danh trong tác phẩm, tìm hiểu từng loại cây, từng loại rượu được viết trong cuốn sách ấy. Trong những cuộc trò chuyện với độc giả, đôi khi anh như một hướng dẫn viên du lịch, có thể trả lời rất nhiều câu hỏi của độc giả về văn hóa Nhật, Tây Ban Nha… với lời thú nhận: “Mình chỉ nghiên cứu qua sách vở mà… chưa bao giờ đến những xứ ấy”.
Theo Trần Tiễn Cao Đăng, sở dĩ anh tìm được nhiều cảm hứng dịch thuật đối với nhiều tác giả và nhiều tác phẩm đến từ các quốc gia khác nhau đó là do anh tâm niệm rằng là một dịch giả, một người đọc thì cần “biết tuân thủ luật chơi mà tác giả đưa ra trong một cuốn sách”. Mỗi tác giả, thậm chí trong mỗi tác phẩm của họ đều có những “luật chơi” riêng, một cách viết, một cách triển khai và giải quyết tác phẩm theo cách riêng. Người dịch, người đọc không thể áp dụng cái tôi của mình để phán xét mà nên tham gia vào luật chơi đó để tìm ra những cái thú vị mà tác giả muốn đem đến.
Tín đồ của bút bi
“Baroque và ẩn hoa”, “Life navigator 25 - Người tình của cả thế gian”, “Những gặp gỡ không thể có”... là những tác phẩm của Trần Tiễn Cao Đăng được viết bằng bút bi. Một nhà văn không thể sống thiếu internet, nhưng Trần Tiễn Cao Đăng vẫn giữ cho mình thói quen sáng tác trên những cuốn sổ chi chít chữ với khoảng chục cái bút bi đem theo bên mình. Anh viết ở mọi nơi, có khi là quán cà phê sang trọng trung tâm, có khi là quán cóc vỉa hè. Anh thường xin làm việc bán thời gian và dành trọn buổi sáng để viết.
Mỗi cuốn sách Trần Tiễn viết ra đều ít nhiều gây tranh luận, thậm chí Trần Tiễn Cao Đăng từng thừa nhận trong một bài trả lời phỏng vấn: “Tiểu thuyết của tôi không dành cho số đông”. Trần Tiễn Cao Đăng thường viết rất hay về giấc mơ và tác phẩm của anh tựa như là những giấc mơ có khi liền lạc, có khi đứt quãng được ghi chép lại. Anh cũng cho biết rất nhiều hình ảnh tình tiết trong các câu chuyện đã đến với anh trong các giấc mơ. “Tác phẩm của tôi có lẽ thuộc về các tác phẩm hiện thực huyền ảo”- Trần Tiễn Cao Đăng cho biết trong cuộc trò chuyện với độc giả sáng 17/7/2018 tại TPHCM. Nhà văn cho biết anh rất thích Fantasy (văn học kì ảo), thậm chí sách của anh được nhà xuất bản đặt vào khu vực sách Fantasy nhưng Cao Đăng nhận xét: “Tác phẩm của tôi không thật sự là văn học kỳ ảo theo đúng những đặc trưng của nó, nhưng tôi cũng là người rất yêu thích văn học Fantasy”.
Những tác phẩm của Cao Đăng về sau, nhất là “Những gặp gỡ không thể có” (Nhà sách Tao Đàn phát hành 2018) cho thấy mối quan tâm rất lớn của nhà văn đối với thực tại với một cái nhìn khá bi quan. Trao đổi với độc giả, anh cho biết: “Tôi cũng như không ít nhà văn hiện đại khác đều khá bi quan. Đó là sự mất niềm tin vào việc con người có khả năng giữ gìn giới tự nhiên đã sinh ra mình và kể cả giữ gìn chính mình”.
Trần Tiễn Cao Đăng giới thiệu bốn truyện vừa với âm hưởng khá buồn bã trong “Những gặp gỡ không thể có” với những chủ đề về tận thế, sự hủy hoại, ô nhiễm và sự mong manh của sinh tồn. Anh nói: “Câu chuyện về loại người một ngày lên tàu vũ trụ để chuyển đến hành tinh khác sinh sống hóa ra không phải là câu chuyện viễn tưởng mà là tính toán khoa học, bởi nếu con người không nỗ lực để bảo vệ trái đất này thì cuộc sống của những thế hệ con cháu chúng ta sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn”. Với tư cách nhà văn, câu chuyện về sự sinh tồn của trái đất luôn ám ảnh anh, dù rằng “là một cá nhân, tôi cũng không thể làm được gì ngoài những trang viết của mình” - Nhà văn thú nhận.
Trần Tiễn Cao Đăng viết ở mọi nơi, có khi là quán cà phê sang trọng trung tâm, có khi là quán cóc vỉa hè. Anh thường xin làm việc bán thời gian và dành trọn buổi sáng để viết.
Quê hương và kỳ vọng tương lai
Một lần ghé thăm nhà anh, nghe mẹ anh nói thứ tiếng Huế quen thuộc tôi mới biết anh Trần Tiễn Cao Đăng là hậu duệ của một trong những vị đại quan của triều Nguyễn là Thượng thư, Tổng tài quốc sử quán Trần Tiễn Thành (tên Tiễn Thành là do vua Tự Đức ban cho). Anh Trần Tiễn Cao Đăng ra ngoài nói tiếng Sài Gòn, nhưng về nhà với mẹ thì toàn bộ nói bằng tiếng Huế cho mẹ được vui lòng. Trong ngôi nhà cũ kỹ, còn giữ những trang viết tay, những sáng tác đầu tay của Trần Tiễn Cao Đăng từ thủa học trò, mực phai giấy đã mục, được lưu trữ cẩn thận.
Tự trong sâu thẳm của sự lo âu về tương lai của con người trên hành tinh ngày càng khan hiếm tài nguyên mà thừa ô nhiễm, Trần Tiễn Cao Đăng vẫn đặt niềm tin vào trái tim và sự thông thái của loài người: “Tôi không hy vọng mà kỳ vọng rằng con người sẽ tìm ra được những giải pháp để bảo vệ môi trường sống cho con người và muôn loài cho những thế hệ sau. Chẳng hạn như không chỉ quảng bá những chiếc điện thoại thông minh mà sau khi sử dụng, chúng sẽ là những thứ rác gây ô nhiễm cho trái đất, sẽ đến lúc người ta quảng bá những chiếc điện thoại thông minh được sản xuất bằng vật liệu thân thiện với môi trường”.
7/2018