Dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi):

Mặt trận phải thay mặt nhân dân để giám sát

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu về chỉnh lý dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) tại phiên họp. Ảnh: An Đăng.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu về chỉnh lý dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) tại phiên họp. Ảnh: An Đăng.
TP - Ngày 9/3, phát biểu tại Phiên họp thứ 36 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam (sửa đổi), một số ý kiến đề nghị cần khẳng định rõ vai trò giám sát của Mặt trận là giám sát của nhân dân, đại diện cho nhân dân.

Dự thảo Luật xác định giám sát của Mặt trận là giám sát xã hội, mang tính nhân dân nhằm hỗ trợ cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước. Thông qua hoạt động giám sát, Mặt trận góp phần kịp thời phát hiện những sai phạm, khuyết điểm; phát hiện, phổ biến, nhân rộng những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến và những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhấn mạnh,  vai trò giám sát của MTTQ phải mang tính độc lập, đại diện cho nhân dân. Tuy nhiên, tại Chương 5 lại có quy định giám sát của MTTQ để hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra. “Quy định như vậy đúng không? Theo dự thảo, MTTQ là người đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân, giám sát Mặt trận mang tính nhân dân. Vì vậy, giám sát của Mặt trận phải độc lập, đại diện cho nhân dân, như giám sát của Quốc hội, chứ không phải hỗ trợ cho nhà nước trong hoạt động thanh tra, kiểm tra”, bà Mai phát biểu. Tán thành quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh, cần khẳng định rõ giám sát của MTTQ là giám sát độc lập, đại diện cho nhân dân. Dự thảo nên bỏ quy định giám sát của MTTQ hỗ trợ cho các cơ quan nhà nước.

Lý giải thắc mắc của đại biểu, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, giám sát của Mặt trận là giám sát nhân dân, tuy nhiên không phải cái gì Mặt trận cũng tham gia giám sát. Mặt trận chỉ giám sát nhằm phát hiện kịp thời những vấn đề cần giám sát, mà các cơ quan khác không làm. Dự thảo quy định như vậy là để cho MTTQ kịp thời phát hiện, giám sát, nhằm tránh chồng chéo, chứ không phải né tránh vai trò giám sát.

Bám sát những vấn đề của dân

Phân tích vai trò giám sát của Mặt trận, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị, nên chăng quy định MTTQ tập trung giám sát những nội dung cụ thể tại cơ sở. MTTQ có liên quan trực tiếp đến nhiều vấn đề đời sống của dân - điện, cầu, đường và những vấn đề thiết thực, cần tập trung vào hoạt động quản lý nhà nước tại cơ sở.  Đồng thời, cần quy định Mặt trận được giám sát, kiến nghị về thực hiện kế hoạch, nghị quyết của Quốc hội, HĐND tham gia làm thành viên của đoàn giám sát những nội dung này. “Cần tránh để ai cũng giám sát, nhưng lại bỏ lọt những vấn đề thiết thực với người dân ở cơ sở”, ông Phước nói.

Về vai trò phản biện của MTTQ, ông Phước cho biết đây là chủ trương lớn của Đảng; với vai trò của mình, MTTQ thực hiện hai chức năng - vừa tham gia xây dựng luật, vừa phản biện chính sách, pháp luật. Phản biện của MTTQ cần tập trung vào giai đoạn xây dựng dự thảo và quan trọng hơn, phản biện quá trình thực hiện các chính sách, pháp luật, chương trình dự án - với vai trò là đại diện cho nhân dân.

Tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, UBTVQH cho biết: Hiến pháp đã ghi nhận, MTTQ Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những nội dung này được thể hiện cụ thể từ Chương II đến Chương VI của dự thảo Luật. Vì vậy, dự thảo Luật chỉ quy định có tính nguyên tắc về tổ chức, hoạt động cũng như quyền, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam; còn việc tổ chức thực hiện các quyền, trách nhiệm cụ thể thì do các luật có liên quan điều chỉnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, Dự thảo quy định Đảng là tổ chức thành viên, là cơ quan lãnh đạo Mặt trận là hoàn toàn phù hợp. Quy định  này cũng nhận được sự đồng thuận cao, đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, thể hiện rõ mối liên hệ gắn bó giữa Đảng và Mặt trận.

Góp ý về công tác cán bộ

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước kiến nghị, dự thảo nên quy định thêm vai trò MTTQ trong việc góp ý cho Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ theo đề nghị của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Khi các cơ quan này đề nghị, MTTQ sẽ tổ chức các hội nghị để lấy ý kiến nhân dân, ví dụ khi bầu trưởng thôn, thậm chí có ý kiến đang đề nghị là bầu chủ tịch xã trực tiếp. Là đại diện cho nhân dân, MTTQ phải tham gia tích cực vào quá trình công tác cán bộ từ cơ sở.

Chốt lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, giám sát của Mặt trận không chỉ mang tính nhân dân, mà đồng thời cũng hỗ trợ, góp phần cho giám sát của nhà nước. Để phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát, cần phát huy dân chủ, đảm bảo công khai, minh bạch. Phạm vi, đối tượng giám sát, phản biện bao gồm cả việc ban hành chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật của nhà nước. Hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ mang tính toàn diện, đảm bảo quy trình khép kín từ khâu dự thảo cho đến quá trình tổ chức, thực hiện trong thực tế. 

Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về việc chuẩn bị Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tổ chức tại Hà Nội vào tháng 3/2015. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức IPU-132 Trần Văn Hằng cho biết: Đến nay đã có 126 đoàn đăng ký tham gia (Nghị viện thành viên 97 đoàn, Quan sát viên 17 đoàn, Thành viên liên kết 4 đoàn, Khách mời của IPU 8 đoàn), trong đó có 34 Chủ tịch nghị viện/quốc hội, 31 Phó Chủ tịch nghị viện/quốc hội và 2 Chủ tịch thành viên liên kết. Về nội dung: Đã hoàn thành báo cáo kết quả hội thảo về chủ đề “Chiến tranh mạng”; xây dựng dự kiến kế hoạch hội thảo về chủ đề thảo luận của Ủy ban Thường trực về Dân chủ và Nhân quyền; trình Ban tổ chức kế hoạch tổ chức Hội thảo về các mục tiêu phát triển bền vững sau 2015; xây dựng và triển khai lấy ý kiến các bộ ngành, cơ quan liên quan về dự thảo những luận điểm cơ bản nhằm đưa vào Tuyên bố Hà Nội. Đại hội diễn ra từ 28/3 đến 1/4/2015.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.