'Mặt trận ảo' nhiều lúc tác động mạnh hơn cuộc sống thật

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ông Hoàng Bình Quân, nguyên Trưởng ban Đối ngoại T.Ư, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cho rằng, trong thời đại số, “mặt trận ảo” nhiều lúc tác động mạnh hơn cuộc sống thật. Do đó, cần đưa ra các giải pháp tận dụng tối đa sức mạnh của khoa học công nghệ, mạng xã hội nhằm tăng cường chiều sâu tập hợp sinh viên.

Chiều 18/9, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến ý kiến góp ý của các đồng chí cựu cán bộ Đoàn, Hội; Hội đồng tư vấn, đồng hành với sinh viên; các chuyên gia, các nhà khoa học, quản lý khu vực miền Bắc, miền Trung, góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 – 2028.

Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội SVVN; chị Hồ Hồng Nguyên, Trưởng ban Thanh niên Trường học T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực T.Ư Hội SVVN.

Sinh viên không thờ ơ với thời cuộc

Tại hội nghị, chị Hồ Hồng Nguyên, Trưởng ban Thanh niên Trường học T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực T.Ư Hội SVVN thông tin về kết quả kết quả đề tài khảo sát “Lối sống và định hướng giá trị sinh viên hiện nay” để phục vụ xây dựng Dự thảo Báo cáo chính trị. Theo đó, khảo sát được tiến hành trên tổng số 26.331 sinh viên thuộc các trường cao đẳng, đại học trên cả nước.

'Mặt trận ảo' nhiều lúc tác động mạnh hơn cuộc sống thật ảnh 1

Anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội SVVN; chị Hồ Hồng Nguyên, Trưởng ban Thanh niên Trường học T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực T.Ư Hội SVVN chủ trì Hội nghị. Ảnh: Bảo Anh

Chị Nguyên cho biết, kết quả khảo sát cho thấy, lối sống của sinh viên phản ánh xu hướng lựa chọn vì giá trị của bản thân và mang đậm thiên hướng cá nhân. Trong học tập, sinh viên thể hiện xu hướng tự quyết khá rõ ràng khi gặp khó khăn. Trong các hoạt động giải trí, cùng với sự phát triển của công nghệ và sự đa dạng của các hoạt động giải trí, sinh viên có nhiều lựa chọn và sự tự do để tận hưởng cuộc sống giải trí theo phong cách riêng của mình.

Khi nhận định về các giá trị tinh thần quan trọng và yếu tố để đạt được thành công, đại bộ phận sinh viên có xu hướng xem trọng các giá trị đạo đức, lối sống; trong đó yếu tố khát vọng và hoài bão được đánh giá quan trọng cao nhất. Điều này thể hiện ở khía cạnh sinh viên đánh giá đây là trách nhiệm quan trọng hàng đầu của sinh viên hiện nay và cũng là những tố chất để thành công trong tương lai. Dữ liệu định tính cho thấy sinh viên Việt Nam không thờ ơ với thời cuộc mà ngược lại, sinh viên rất quan tâm đến những vấn đề liên quan đến xã hội và tình hình của đất nước.

Kết quả khảo sát cho thấy, mạng xã hội được xác định là một nhân tố tác động lớn đến các khía cạnh đời sống, nhận thức của đại bộ phận sinh viên. Mạng xã hội thường sử dụng là Facebook, Zalo, Instagram và TikTok.

Xem mạng xã hội là kênh tập hợp sinh viên

Trao đổi tại Hội nghị, ông Hoàng Bình Quân, nguyên Trưởng ban Đối ngoại T.Ư, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn nhấn mạnh, bối cảnh bây giờ “thay đổi khủng khiếp”. Trong đó, sinh viên bị tác động lớn nhất là xu thế thời đại, sự phát triển của khoa học công nghệ 4.0 gần như thay đổi mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, hiện nay, Việt Nam hội nhập rất mạnh mẽ, là quốc gia hội nhập nhất ASEAN. “Với không gian này, sinh viên phải “bơi” như thế nào?”, ông đặt vấn đề.

'Mặt trận ảo' nhiều lúc tác động mạnh hơn cuộc sống thật ảnh 2

Ông Hoàng Bình Quân, nguyên Trưởng ban Đối ngoại T.Ư, nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn. Ảnh: Bảo Anh

Ông Quân cho rằng, với bối cảnh đó, Văn kiện Đại hội phải khắc họa được vai trò vị thế, mang đến tinh thần như một tuyên bố của sinh viên thời kỳ mới. “Sinh viên là bộ phận ưu tú nhất, là nguồn trí tuệ nước nhà, nguồn lực dồi dào của thế hệ mới, đại biểu tiêu biểu của khoa học công nghệ, vì vậy họ phải là người tiên phong, then chốt thực hiện khát vọng đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, ông Hoàng Bình Quân khẳng định.

Bên cạnh đó, ông cho rằng, Báo cáo chính trị cần khắc họa được yêu cầu của sinh viên hiện nay, với 3 yếu tố chính là: kiến thức; kỹ năng (bao gồm kỹ năng công nghệ thông tin, truyền thông, tư duy sáng tạo và phản biện, hội nhập) và chấp nhận đào thải, khám phá bản thân.

Góp ý về tiêu đề báo cáo, ông cho rằng, tiêu đề cần mang tính khơi gợi, hiệu triệu, và yếu tố văn học mềm mại dễ đi vào lòng người. Từ quan điểm đó, ông gợi ý tiêu đề Đại hội: “Sinh viên Việt Nam tiên phong thực hiện khát vọng đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Ông cho rằng, tiêu đề này phản ánh khát vọng sinh viên hòa vào khát vọng phồn vinh dân tộc mà Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra. Về mục tiêu, ông Quân đề xuất 7 thành tố: yêu nước, tự tôn dân tộc, niềm tin, khát vọng, lối sống đẹp, có tri thức cao và kỹ năng chuyên nghiệp.

Nhấn mạnh sự tác động của công nghệ 4.0, ông Hoàng Bình Quân cho rằng, thời đại số, “mặt trận ảo” nhiều lúc tác động mạnh hơn cuộc sống thật. Do đó, Báo cáo cần đưa ra các giải pháp tận dụng tối đa sức mạnh của khoa học công nghệ, mạng xã hội nhằm tăng cường chiều sâu tập hợp sinh viên. Trong đó, xem mạng xã hội là một kênh tập hợp sinh viên và công tác số hóa trong sinh viên phải được dày công đầu tư hơn.

'Mặt trận ảo' nhiều lúc tác động mạnh hơn cuộc sống thật ảnh 3

Bà Trần Thị Mai Hương, nguyên Tổng Thư ký Hội Sinh viên Việt Nam. Ảnh: Bảo Anh

Bà Trần Thị Mai Hương, nguyên Tổng Thư ký Hội Sinh viên Việt Nam nêu, thực tế, sinh viên gặp nhiều áp lực trong học tập, cũng như các mối lo toan về cuộc sống, việc làm trong tương lai. Vì vậy, Báo cáo chính trị cần làm nổi bật được vai trò đồng hành, hỗ trợ của Hội Sinh viên, đưa ra được những chương trình, hoạt động thiết thực để Hội thực sự của sinh viên, vì sinh viên và do sinh viên. “Đứng trước những khó khăn, bất cập của ngành giáo dục thì Hội Sinh viên đứng ra bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của sinh viên như thế nào? Làm sao bảo vệ quyền lợi của sinh viên là vấn đề cần nhấn mạnh”, bà Hương nói.

Bên cạnh đó, bà Hương cũng đặt ra bài toán Hội Sinh viên đoàn kết, tập hợp sinh viên của mình như thế nào trong bối cảnh phân tán, phân hóa và cá nhân hóa lối sống mạnh mẽ như hiện nay.

'Mặt trận ảo' nhiều lúc tác động mạnh hơn cuộc sống thật ảnh 4

Các đại biểu góp ý tại hội nghị. Ảnh: Bảo Anh

Phát biểu tại Hội nghị, anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội SVVN cho biết, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 – 2028, dự kiến tổ chức vào tháng 12/2023, tại Thủ đô Hà Nội, với sự tham gia của 700 đại biểu là cán bộ, hội viên, sinh viên tiêu biểu đại diện cho hơn 2 triệu sinh viên Việt Nam ở trong và ngoài nước. Đến nay quá trình lấy kiến, hoàn chỉnh dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XI đã trải qua 11 lần xin ý kiến và được triển khai công tác chuẩn bị đúng tiến độ. Đây là bản dự thảo lần thứ 8. Hội nghị lần này là quan trọng nhất trong chuỗi hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo báo cáo.

Các ý kiến tại hội nghị, sẽ được nghiên cứu, tiếp thu để làm sao xây dựng được Dự thảo Báo cáo chính trị vừa nối tiếp, phát huy truyền thống, vừa cập nhật phản ánh mong muốn hiện nay của sinh viên, phát huy sinh viên thực hiện các nhiệm vụ Đảng, Đoàn giao.

MỚI - NÓNG