'Mắt thần' vùng lộng

Lão ngư Nguyễn Quang tranh thủ vừa thả lưới, vừa tuyên truyền cho các ngư dân trên các tàu đánh bắt gần bờ. Ảnh: Giang Thanh
Lão ngư Nguyễn Quang tranh thủ vừa thả lưới, vừa tuyên truyền cho các ngư dân trên các tàu đánh bắt gần bờ. Ảnh: Giang Thanh
TP - Không chỉ chồng chềnh trên những con sóng bám biển kiếm kế sinh nhai, những ngư dân ở Đà Nẵng còn trở thành những đôi “mắt thần” phát hiện hàng trăm vụ đánh bắt tận diệt, trộm san hô vùng lộng...; giữ gìn nguồn lợi hải sản ven bờ, bảo vệ môi trường sinh thái biển.

Ra - đa bắt trộm trên biển

Xế chiều, khi mặt trời “trút” những tia nắng gay gắt nhất trong ngày xuống bãi cát dài trắng phau, lão ngư Nguyễn Quang (SN 1965, tổ 19 phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) lại khệ nệ xách ngư cụ xuống bãi biển. Như mọi ngày, ngoài đồ nghề đánh bắt, ông Quang còn cẩn thận xếp thêm 1 chiếc loa tay, gói cùng chiếc máy ảnh kỹ thuật số vào túi ni lông, rồi bỏ gọn trên thúng.

Chèo chiếc thúng nhỏ ra neo giữa dòng, ông Quang chuyển sang xuồng máy lớn, thay chiếc áo đồng phục “Tổ bảo vệ nguồn lợi hải sản phường Hòa Hiệp Bắc” bắt đầu một ngày lao động. Tranh thủ vừa đi thả lưới, ông Quang vừa ghé các thuyền đánh bắt cá gần bờ để nhắc nhở các thuyền viên về khu vực đánh bắt, các phương tiện đánh bắt bị cấm, các loài hải sản không nên đánh bắt vào mùa này...

Là tổ trưởng của Tổ bảo vệ nguồn lợi hải sản phường Hòa Hiệp Bắc, công việc này trở nên quen thuộc với lão ngư Quang hơn 3 năm nay. Không chỉ ông Quang, mỗi người trong 49 thành viên của Tổ đều tự ý thức như vậy. “Biển cả rộng lớn, dù chủ 2 hải lý gần bờ thôi cũng rất mênh mông rồi. Bởi vậy, chúng tôi chia nhau, ai thường đánh bắt khu vực nào thì phụ trách theo dõi khu vực đó, phát hiện điều gì lạ là báo về cho tôi để kịp thời báo cho biên phòng và thanh tra của Chi cục Thủy sản”, ông Quang nói.

Công việc của các thành viên trong Tổ đó chính là tuyên truyền cho các ngư dân hiểu, tuân thủ Luật Thủy sản khi đánh bắt và bắt trộm trên biển. Trộm ở đây là các tàu lạ đánh bắt trái phép ở khu vực biển Đà Nẵng, các tàu sử dụng các phương pháp đánh bắt tận diệt nguồn lợi thủy sản như nổ mìn, giã cào, chích điện... Ngoài ra, Tổ cũng quản lý các rạn san hô, bảo vệ rong mơ ở ven bờ làm nơi trú ẩn cho các loài sinh sản.

'Mắt thần' vùng lộng ảnh 1 Tổ bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thọ Quang tuyên truyền cho du khách đến Bán đảo Sơn Trà không bẻ san hô, hái rong mơ mang về. Ảnh: Giang Thanh

Chỉ tay về phía bãi cát nhô ra sát vách đá dựng đứng, ông Quang cho hay đó là bãi lò vôi. “Sở dĩ, người dân gọi đó là bãi lò vôi là bởi vì trước đây, người ra khai thác san hô làm vôi công khai, đem lên bãi đó xay mịn rồi mới chuyển về. Sau này, Nhà nước nghiêm cấm triệt để việc khai thác san hô, cùng với sự hoạt động hiệu quả của Tổ, tình trạng này mới chấm dứt”, ông Quang chia sẻ.  

Cách Hòa Hiệp Bắc gần 40km, ở bãi biển Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), có một Tổ bảo vệ nguồn lợi hải sản phường Thọ Quang với lịch sử hơn 12 năm. Đây là mô hình được xây dựng đầu tiên, sau đó, lan rộng trên địa bàn thành phố. Lão ngư Nguyễn Dinh (SN 1953) đã gác ngư cụ được vài năm nay nhưng vẫn được các thành viên tín nhiệm bầu làm tổ trưởng.

Dù đã “lên bờ” nhưng ông Dinh vẫn miệt mài với công việc làm “ra-đa” bắt trộm trên biển. “Khác với các địa bàn khác, ở khu vực này, du lịch phát triển nên việc quản lý các rạn san hô ven bờ gặp khó khăn hơn. Tụi tui phải kết hợp tuần tra trên biển và trên bộ. Khi thuyền ở dưới phát hiện các trường hợp du khách bẻ trộm san hô sẽ báo ngay lên bờ để tổ trên bờ chặn đón, báo với lực lượng chức năng xử lý”, ông Dinh cho hay. Ngoài tuần tra trên biển, các thành viên của Tổ Thọ Quang còn chia nhau tuần tra trên bộ, ở các khu vực Bãi Bắc, Bãi Hục Lỡ - Vũng Đá, Bãi Nồm, Bãi Hòn Sụp. Nhờ sự quản lý chặt chẽ, kết hợp với công tác tuyên truyền, nên tình trạng khách du lịch bẻ san hô giảm rõ rệt.

Giữ biển cho con cháu đời sau

Hiện, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, có 4 tổ khai thác kết hợp bảo vệ nguồn lợi hải sản với 94 thành viên được triển khai ở phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu), phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê), phường Thọ Quang, phường Mân Thái (quận Sơn Trà). Mô hình được xây dựng đầu tiên ở phường Thọ Quang và cho thấy hiệu quả tích cực trong giữ gìn nguồn lợi hải sản ven bờ nên được Chi cục Thủy sản nhân rộng.

Để tham gia hoạt động của tổ, các thành viên đều được tập huấn đầy đủ về Luật Thủy sản, tập tính của các loài cá, các loại thực vật, động vật ven bờ... Hỏi bất cứ ai trong tổ, dù là những lão ngư đã thất tuần, lục tuần hay đến những ngư dân còn tráng niên, tất cả đều thuộc vanh vách luật, nói chuyện về tập tính, cách sinh sản hay đặc tính của các loài gần bờ... như những chuyên gia.

“Dân ở đây đều sinh ra từ biển, hiểu từng loài tôm, loài cá như trong lòng bàn tay. Nhưng khi đi học, tụi tui mới biết mình chỉ hiểu để đánh bắt chúng kiếm sống, chứ chưa hiểu để có thể vừa khai thác, vừa bảo tồn chúng. Đơn cử như rong mơ, bình thường, tụi tui khai thác chỉ để về làm phân bón, nhưng có học mới biết đó là mái nhà của tất cả các loài dưới nước mỗi mùa sinh sản, nhờ nó mà con cá, con tôm mới sinh sôi”, ông Quang bày tỏ.  

Hỏi lý do vì sao tham gia Tổ bảo vệ nguồn lợi hải sản, tự giới hạn số lượng cũng như cách thức đánh bắt của mình, lão ngư Quang, lão ngư Dinh hay bất kỳ thành viên nào của các tổ cũng trả lời “vì giữ biển cho con cháu đời sau”. Cả cuộc đời lăn lộn với những con sóng, lão ngư Dinh nhận thấy biển ngày càng nghèo đi, số lượng tôm cá đánh bắt mỗi ngày một ít.

“Vì đánh bắt vô tội vạ, cùng với ô nhiễm môi trường khiến các loài hải sản không kịp sinh sôi. Mỗi ngư dân tụi tui đều hiểu, nếu cứ tiếp tục thế này, thì những chuyến bủa lưới sau rồi sau nữa sẽ vắng dần tôm cá. Dù biết là khi đánh bắt bền vững, nguồn lợi trước mắt sẽ không được dồi dào như cũ. Nhưng cái lợi lâu dài chắc ai cũng hiểu được. Bởi vậy, càng ngày càng nhiều ngư dân xin tham gia tổ”, ông Dinh cho biết.

Thống kê của Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng) cho thấy, từ khi được thành lập đến nay, các tổ đã phát hiện gần 300 vụ việc vi phạm khai thác thủy hải sản ven bờ, phát hơn 2.000 tờ rơi tuyên truyền...  Theo ông Đặng Duy Hải, Chi cục phó Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng), các tổ này đang hoạt động rất hiệu quả, cung cấp thông tin rất nhanh chóng, kịp thời để xử lý các trường hợp vi phạm đánh bắt thủy sản gần bờ.

MỚI - NÓNG