Đã có ít nhất khoảng 30 “điểm nghẽn” về chính sách đất đai được UBND TPHCM nhận diện trong quá trình mày mò giải quyết như lần tìm đầu mối của cuộn chỉ rối. Những bất cập, rối rắm về chính sách quản lý đất đai không chỉ làm “hao hụt”, khiến không ít cán bộ tâm huyết chùn tay vì sợ làm sai, làm trái mà còn gây lãng phí rất lớn đến tài nguyên đất đai và thất thoát ngân sách nghiêm trọng.
Đó là hàng trăm dự án nhà đất đang “bất động”, dòng tiền hàng nghìn tỷ đồng không luân chuyển được và đang dần trở thành những cục máu đông của nền kinh tế, trở thành những khoản nợ xấu của không ít ngân hàng. Đó là số tiền thuế lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng mà ngân sách bị thất thu bởi hầu hết các hợp đồng mua bán đất đai hiện nay không thể hiện giá trị chuyển nhượng thực tế.
Chỉ làm một phép so sánh đơn giản tiền thu từ đất đai của cả nước chỉ chiếm 5-10% tổng thu ngân sách, trong khi ở các nước phát triển như Pháp, lên tới 90% thì số tiền lẽ ra đã có và dành để chi đầu tư phát triển, giải quyết vấn nạn ngập nước, kẹt xe, cải thiện đời sống dân sinh đã bị thất thoát lớn khủng khiếp đến nhường nào.
Và, nghiêm trọng hơn, chính sách ấy đang đẩy rất nhiều khó khăn, phiền hà và cả thiệt thòi về phía người dân. Một mảnh đất con con bé như bàn tay tồn tại cả chục mục đích sử dụng, động một tí là phải chạy đi xin chuyển đổi, dẫn đến cơ chế xin - cho. Hiện tượng “bôi trơn”, “lót tay” vì thế tiếp tục có mảnh đất tươi tốt để nảy mầm và phát triển. Thật khó chấp nhận việc ấn định khung giá đất cực thấp, thu hồi đất trong dân với giá cực rẻ rồi đấu giá hoặc giao cho doanh nghiệp làm dự án nhà ở để bán ra với giá …trên trời.
Chứa đựng quá nhiều rối rắm, bất hợp lý và gây thiệt hại rất lớn cho chính các chủ thể mà luật bảo vệ song có một nghịch lý đến thời điểm này vẫn chưa có một động thái nào từ phía các cơ quan có trách nhiệm liên quan đến việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013. Nghĩa là bò đã mất nhưng chuồng vẫn chưa làm.
Các chuyên gia đã chỉ ra mấu chốt của nhiều vấn đề nằm ở chỗ cơ chế tài chính đất đai trong luật còn quá nhập nhằng. Một khi khung giá đất hàng năm nhà nước quy định còn mang tính chất giá ảo, không sát với giá mua bán trên thị trường thì khó buộc các chủ thể có nghĩa vụ kê khai theo giá thị trường trên các hợp đồng chuyển nhượng nhà đất. Và, ngân sách nhà nước sẽ tiếp tục bị thất thoát, nhiều cán bộ và người dân sẽ tiếp tục đối mặt với nguy cơ sa vào vòng lao lý…