Mập mờ hiến tặng và mua bán thận

100.000 người suy thận mạn tính phải chạy thận nhân tạo và một nửa có chỉ định ghép nhưng không có thận
100.000 người suy thận mạn tính phải chạy thận nhân tạo và một nửa có chỉ định ghép nhưng không có thận
TP - Các bác sĩ nói rằng, khó xác định việc mua bán vì chuyện xảy ra ở bên ngoài bệnh viện; người ta có thể lách luật bằng hình thức xin - cho, hiến tặng.

Bác sĩ Tạ Phương Dung, Trưởng khoa Nội thận - Miễn dịch ghép của BV Nhân dân 115, cho biết, để một ca ghép diễn ra, cả người cho và người nhận thận phải trải qua ít nhất hơn 10 công đoạn.

“Khi người có nhu cầu đăng ký hiến thận, chúng tôi sẽ tư vấn kỹ cho họ về lợi hại của việc hiến thận, đồng thời bắt họ trả lời hàng chục câu hỏi theo quy định của Bộ Y tế”, bác sĩ Dung cho hay.

Sau đó, người hiến và nhận thận phải được kiểm tra sức khỏe và đăng ký giấy kiểm tra sức khỏe. “Nếu hai bên chấp thuận cho và nhận thì viết đơn gửi lên ban giám đốc của bệnh viện”, bác sĩ Dung nói.

Khi bệnh viện đồng ý thì bên cho và bên nhận phải được người thân, chính quyền địa phương nơi mình sinh sống xác nhận “đồng thuận cho và nhận”. Theo bác sĩ Dung, ngoài ra, người cho và nhận phải được khám lâm sàng, cận lâm sàng và phải trải qua ít nhất 2 lần hội đồng ghép thận của bệnh viện họp mới đi đến quyết định có ghép thận hay không.

10 năm sau khi tiến hành ca ghép đầu tiên, đến đầu năm 2014, BV Nhân dân 115 đã ghép được 63 ca. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh, Phó Giám đốc đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Ghép thận của BV Nhân dân 115 TPHCM, cho biết, trong số này có một số ca người cho thận và người nhận không phải là người thân.

“Với những trường hợp là người không thân thuộc hiến thận cho nhau, chúng tôi cũng nghi ngờ, nhưng thực tế chúng tôi không xử lý được. Người cho và người nhận đều có chứng nhận của chính quyền địa phương, vợ, con hoặc cha mẹ xác nhận hiến và các xét nghiệm đều phù hợp thì phải tiến hành ghép thôi”, bác sĩ Ngọc Anh nói.

Người đứng đầu Hội đồng Ghép thận của bệnh viện cho rằng, thực tế hiện nay luật về ghép tạng không cấm người không quen biết cho - nhận tạng. Bác sĩ Ngọc Anh khẳng định, 63 ca mà nơi đây ghép 10 năm qua đều được làm đúng pháp luật, theo luật về ghép tạng và theo quy định của Bộ Y tế. Trong số 63 ca ghép thận ở BV Nhân dân 115 có gần 10 ca ghép cho người nước ngoài.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Dung, “không có kẽ hở nào”, bởi những người nước ngoài ghép thận ở đây ngoài các thủ tục khắt khe theo quy định của Việt Nam, người cho và người nhận còn phải có giấy xác nhận của Đại sứ quán nước đó ở Việt Nam.

Dừng ghép phút…89

Không phải các ca ghép thận dù hợp về tính pháp lý và y sinh học đều được thực hiện suôn sẻ. Theo PGS.TS.BS Trần Ngọc Sinh- Trưởng khoa Thận niệu của BV Chợ Rẫy, ông từng dừng ngay cuộc mổ khi bắt đầu ghép vì phát hiện sự cố bán thận thông qua lời tố cáo.

Người có hơn 30 năm trong lĩnh vực ghép tạng của bệnh viện này cho biết, cách đây 5 năm, một Việt kiều được chỉ định ghép thận ở BV Chợ Rẫy. Người cho thận là một cô gái ở Đồng Tháp. Hội đồng ghép thận của bệnh viện đã thông qua sau khi các thủ tục hoàn tất.

Trong giấy xác nhận của người thân, cô gái và bệnh nhân Việt kiều được chứng nhận là “anh em chú bác” nhưng thực chất cô gái cần tiền trả nợ nên đồng ý bán thận với giá gần 100 triệu đồng. Sự việc vỡ lở khi người mẹ của cô gái “hiến” thận biết chuyện con gái bán thận nên gặp người nhà của bệnh nhân để vòi thêm tiền. Không được đưa thêm tiền, bà mẹ cô gái đã đến cơ sở y tế của tỉnh Đồng Tháp tố cáo việc mua bán. Trong khi bác sĩ Sinh cùng ê kíp chuẩn bị mổ thì nhận được điện thoại về nghi vấn mua bán thận nên hủy cuộc ghép.

Bác sĩ Ngọc Anh, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115 nói rằng, nơi đây chưa xác nhận được trường hợp nào mua bán thận để ghép. Tuy nhiên, bệnh viện này cũng đã không chấp nhận ghép cho một ca vì người cho thận có tiền án tiền sự.

“Trường hợp cho thận này dù đã được chính quyền xã xác nhận, người thân của gia đình đồng ý hiến thận, nhưng khi xác minh lý lịch có tội trộm cắp, chúng tôi đã không đồng ý để ghép”, bác sĩ Ngọc Anh cho biết.

Theo ông, hạnh kiểm của người cho thận cũng quan trọng như các chỉ tiêu khác, vì bệnh viện sợ sau khi đồng ý cho xong, người cho quay lại đòi tiền bên nhận hoặc gây khó dễ, nên những trường hợp này cũng không thể ghép được.

Nói về tình trạng nhiều người dân huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ bán thận để trả nợ, bác sĩ , Ngọc Anh xác nhận, rà soát trong 3 năm gần đầy, BV Nhân dân 115 TPHCM có ghép cho một trường hợp mà người cho thận ở huyện Cờ Đỏ.

“Chúng tôi xem xét tất cả các hồ sơ thì đều theo đúng pháp luật, người cho thận có xác nhận của chính quyền địa phương và xác nhận đồng ý cho thận của người thân mà ở đây là vợ của người cho”- bác sĩ Ngọc Anh khẳng định. Theo bác sĩ, phía bệnh viện rất khó xác định được việc mua bán, vì các hoạt động ở bên ngoài bệnh viện không kiểm soát được.

PGS.BS Phạm Văn Bùi, Tổng Thư ký Hội Thận - Niệu học TPHCM, cho biết Điều 11 của Luật Hiến mô và ghép tạng quy định rõ, cấm mua bán mô, bộ phận cơ thể người, cấm quảng cáo, môi giới việc cho nhận, hiến bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại. Nhưng “lách” bằng hình thức xin cho và hiến tặng thì cơ sở y tế khó biết mà đòi hỏi cơ quan công an phải phối hợp chặt chẽ với cán bộ y tế để giám sát các trường hợp nghi ngờ.

Trao đổi với Tiền Phong ngày 15/4, Luật sư Nguyễn Trí Đức (Văn phòng Luật sư Law 360) cho biết, việc mua - bán thận nếu có xảy ra là một thỏa thuận dân sự.

“Nếu người đại diện chính quyền hoặc người thân biết hành vi của họ là mua bán chứ không phải là cho - nhận mà vẫn xác nhận là cho thì phải xử lý theo luật tiếp tay cho việc mua bán nội tạng”, luật sư Đức nói.

Ông Đức cho rằng, rao bán thận tràn lan trên mạng là vi phạm luật, cần phải có cơ quan công an vào cuộc mới nắm được. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có chế tài xử lý.

Theo luật sư Đức, phải làm sao xử lý được nạn “cò”, môi giới dẫn dắt người mua và người bán để hưởng hoa hồng. “Đây là những mắt xích quan trọng trong việc mua bán nội tạng mà điển hình là nhiều người dân ở huyện Cờ Đỏ đã bị lôi kéo bán thận”, ông Đức nhận định.

MỚI - NÓNG