Quẫn bách, bán thận để trả nợ

Anh Danh Lan và căn nhà của mình. Ảnh: H.H
Anh Danh Lan và căn nhà của mình. Ảnh: H.H
TP - Khoảng chục ngày nay, người dân xã Thạnh Phú (Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ) xôn xao bàn tán chuyện nhiều người nghèo đi bán thận để trả nợ.

Nghèo lại hoàn nghèo

Anh Danh Lan, 32 tuổi, ở ấp 7, xã Thạnh Phú đi bán thận ở Trung Quốc cách nay chưa đầy một năm. Anh Lan cho biết, trước đây, hoàn cảnh nghèo, không ruộng đất, nuôi 3 con nhỏ, ở quê làm thuê không đủ sống, nên vợ chồng dắt nhau lên Bình Dương làm thuê. Làm được một thời gian không có dư, tình cờ gặp được người quen gợi ý bán thận với giá 115 triệu đồng để trả nợ.

Nghĩ đây là cách thoát nghèo nhanh, nên anh đồng ý. Sau khi xét nghiệm máu tại TPHCM, đến 9/2013, anh được một người lạ mặt mua vé máy bay đưa sang Trung Quốc để phẫu thuật. Trở về quê, sau khi trả hết nợ, số còn lại gần 50 triệu đồng, anh đầu tư mua đàn heo nuôi. Nhưng heo thời đó rớt giá thảm, dịch bệnh, lỗ nặng không còn xu nào. Hiện nay lại sống trong cảnh làm thuê sống qua ngày. Căn nhà anh có diện tích hơn 40 m2, mái nhà, xung quanh bằng tôn mục nát, cũ kỹ, bên trong trống huơ trống hoác.

Cách nhà anh Lan hơn 3km ngược về hướng huyện Cờ Đỏ là đến nhà của ông Hồ Văn Tranh, 43 tuổi, ở ấp 6. Ông Tranh kể, do nghèo, không có đất sản xuất, chỉ có miếng đất nhỏ cất nhà tạm để ở rồi hai vợ chồng làm thuê, nhưng không đủ ăn, nợ nần, nên khi nghe tin người bạn ở TPHCM cần thận, ông đồng ý hiến một quả và được trả 120 triệu đồng.

Ông Nguyễn Cao Bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp 5, cho biết, toàn ấp có 252 hộ với hơn 1.550 nhân khẩu, trong đó có 18 hộ nghèo, 32 hộ cận nghèo. Số gia đình bán thận đều thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo.

Ông Tranh nói: “Tôi suy nghĩ, cân nhắc rất đắn đo, nhưng chủ nợ siết quá, đành nhắm mắt làm liều, mong có số tiền về trả nợ cho yên ổn”.

Theo lời ông, sau Tết Nguyên đán 2014, ông Tranh một mình lên TPHCM hiến, được sắp xếp chỗ ở ăn nghỉ, cơm nước đầy đủ, rồi có người đưa đến Bệnh viện 115 làm các thủ tục khám, xét nghiệm máu, phẫu thuật.

Ông Tranh nói rằng: về nhà được hơn 1 tháng, vết mổ đau nhức không làm được gì, tiền thuốc men, ăn uống, trả nợ gần 100 triệu đồng. Số còn lại dùng để cất một ngôi nhà nhỏ. Ông tâm sự: “Hiến xong, người nhận chẳng một lời động viên, hỏi thăm, sống chết mặc kệ. Về nhà sức khỏe mình giảm sút, chậm chạp so với trước”.

Tại ấp 5, gia đình của ông Ngô Văn Y có tới 5 người con kéo nhau đi hiến (bán) thận. Năm 2012, hai người con của ông Y là Ngô Phú Anh (sinh năm 1975) và Ngô Ngọc Bích (sinh năm 1973) đi TPHCM để hiến thận. Trước Tết, anh Ngô Hoàng Sơn (sinh năm 1971, thường trú tại Vĩnh Long) về gia đình rủ thêm 2 người em ruột của mình là Ngô Phú Em (sinh năm 1983) và Ngô Thanh Hoài (sinh năm 1987) đi TPHCM để hiến thận.

Vừa qua, ông Lê Văn Tâm, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, chỉ đạo huyện Cờ Đỏ và các ban, ngành, đoàn thể ở xã Thạnh Phú giải thích rõ cho người dân về tác hại của việc bán thận, đồng thời chỉ đạo công an điều tra.

Gia đình người bán thận lánh mặt

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 15/4, ông Phương Văn Rượu, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Phú, cho biết, mấy ngày nay có nhiều nhà báo, công an đến phỏng vấn, điều tra.

Hơn nữa dư luận đang bàn tán nên hầu hết thành viên trong gia đình có người bán thận đều lánh mặt, khi thấy có người lạ tới nhà, họ trốn hoặc nói không tiếp.

Ông Rượu cho biết sáng 15/4, ông xuống kiểm tra tại 3 ấp có người bán thận, thì có 6 người đi khỏi địa phương còn 2 người đi ngoài đồng không có nhà. Ông Rượu nói: “Một số hộ hiến thận có thể dính líu đến đường dây mua bán thận nên bỏ địa phương đi nơi khác sống”.

MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.