Được biết, các mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B đã quay trở lại bầu khí quyển lúc 10h24’ sáng 9/5 (giờ Bắc Kinh) và hạ cánh ở vị trí có tọa độ 72,47 độ kinh Đông, 2,65 độ vĩ Bắc.
Vị trí rơi của mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc nằm trên Ấn Độ Dương, phía Tây quần đảo Maldives.
Hầu hết các mảnh vỡ đã bị đốt cháy lúc đi qua bầu khí quyển. Các chuyên gia cho rằng đây là một trong những mảnh vỡ không gian lớn nhất quay trở lại Trái Đất. Ước tính trọng lượng của mảnh vỡ là khoảng 18 đến 22 tấn.
Một số nhà khoa học cho rằng việc Trung Quốc để mảnh vỡ tên lửa quay trở lại Trái đất không kiểm soát là vô trách nhiệm.
Trước đó, tên lửa Trường Chinh 5B được phóng lên từ đảo Hải Nam (Trung Quốc) vào ngày 29/4, mang theo module đầu tiên của trạm vũ trụ Thiên Cung.
Đây là lần triển khai thứ hai của tên lửa Trường Chinh 5B. Tháng 5/2020, một tên lửa Trường Chinh 5B khác đã được phóng và các mảnh vỡ đã rơi xuống Bờ Biển Ngà, làm hư hại một số tòa nhà nhưng không gây thương vong về người.
Theo các chuyên gia, vì bề mặt trái đất chủ yếu là đại dương, nên khả năng khu dân cư trên đất liền bị ảnh hưởng bởi mảnh vỡ tên lửa là cực kì thấp.
Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cũng đã lên tiếng bác bỏ “giọng điệu lo ngại cường điệu của phương Tây”, rằng “mảnh vỡ tên lửa có thể rơi mất kiểm soát và gây ra thiệt hại”.