> Tẩy chay Palestine, Mỹ sẽ rút khỏi các tổ chức quốc tế?
Đầu tuần qua, Mỹ tuyên bố cắt khoản đóng góp 60 triệu USD trong năm 2011 cho tổ chức này để phản đối việc các thành viên UNESCO công nhận Palestine.
Là nước đóng góp tới 22% ngân sách hoạt động thường niên của UNESCO, hành động “trả đũa” của Mỹ đương nhiên đẩy UNESCO vào thế khó và ngày 10-11 vừa qua, Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova đã phải thông báo ngừng tất cả các chương trình chi tiêu của cơ quan này cho tới cuối năm vì thiếu tài trợ.
Nguy cơ bị Mỹ “trả đũa” đã không khiến 107 nước thành viên LHQ - trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi và hầu hết các nước Arập, châu Phi, Mỹ Latinh và châu Á - thay đổi lập trường ủng hộ Palestine.
Hành động dũng cảm của họ có thể trở thành nguồn khích lệ cho các tổ chức khác của LHQ noi theo khi Palestine nộp đơn xin gia nhập các tổ chức này trong thời gian tới.
Cho dù khó khăn tài chính trước mắt có thể khiến nhiều chương trình dự định của UNESCO, như giáo dục về nạn tàn sát người Do thái dưới chế độ Hitler hay hệ thống cảnh báo sóng thần, chưa có cơ hội triển khai nhưng tổ chức chuyên thúc đẩy các dự án giáo dục, văn hóa và khoa học này vẫn cam kết không từ bỏ các chương trình ưu tiên.
Trước phản ứng của Mỹ, cũng như Canada và Israel, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi một hành động quốc tế nhằm duy trì tài trợ cho hoạt động của UNESCO. Ông cho rằng cần phải tìm ra các giải pháp thực tế để duy trì các nguồn tài chính của UNESCO, trong khi TGĐ UNESCO Bokova cũng kêu gọi các nước thành viên tăng thêm đóng góp cho tổ chức này.
Chính phủ Gabon đã trở thành nước đầu tiên tuyên bố tài trợ 2 triệu USD cho UNESCO để bù đắp thiếu hụt trong khi tổ chức này cũng đã mở trang kêu gọi đóng góp trực tuyến để nhận ủng hộ từ cộng đồng thế giới.
Suy cho cùng, câu nói “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” vẫn có giá trị nhưng ở đời cũng còn thành ngữ “một tay không che nổi Mặt Trời”.