Được xây dựng trên 9 ngọn đồi dọc sông Vlơ-ta-va (Vltava), Pra-ha tuyệt đẹp với những lâu đài nghìn năm tuổi, những nhà thờ theo kiểu Gothic với ngọn tháp dát vàng hay những con đường lát đá cổ kính.
Những cây cầu ở Pra-ha
Dọc theo sông Vlơ-ta-va có tới 18 cây cầu bắc ngang, mỗi cầu đều có nét duyên dáng không thể trộn lẫn vào đâu được. Đặc biệt nhất trong số những cây cầu này có lẽ là cầu Sác-lơ (Charles). Đây là cây cầu đá nối liền khu phố cổ và khu mới Ma-la Xtra-na (Mala Strana) bên kia sông Vlơ-ta-va. Truyền thuyết của người Pra-ha kể rằng, khi xây cầu, người ta đã trộn lòng đỏ trứng gà vào trong vữa, bởi thế mà trải qua gần 700 năm, cây cầu vẫn sừng sững tồn tại cùng năm tháng.
Cầu Sác-lơ là cầu duy nhất dành cho người đi bộ qua sông Vlơ-ta-va. Ban đầu, cầu có tên là cầu Đá hay cầu Pra-ha, đến năm 1870 thì đổi tên thành cầu Sác-lơ theo tên của Hoàng đế Sác-lơ IV. Trên thành cầu có 30 tượng thánh được dựng trên những trụ cầu từ thế kỷ 17. Cầu Sác-lơ nổi bật bởi vẻ lãng mạn, thơ mộng nên các cặp tình nhân thường chọn nơi đây làm điểm hẹn, hoặc các đôi uyên ương sắp xây tổ ấm cũng tới đây chụp ảnh cưới, vì thế nó còn có một tên gọi khác là cầu Tình yêu.
Ở Pra-ha có vô vàn những điểm lãng mạn như thế. Nhưng với những người Việt Nam chưa có may mắn tới tận nơi để chạm tay vào các dấu tích lãng mạn của Pra-ha trên đất nước Tiệp Khắc xưa kia và CH Séc ngày nay thì những dấu tích mang tên Tiệp Khắc cũng đã tìm đến với người Việt từ rất lâu rồi. Nhiều thế hệ người Việt đã biết đến bia Tiệp sóng sánh ngon tuyệt trong những ngày hè Hà Nội, hay pha lê Tiệp Khắc Bô-hê-mia nức tiếng thế giới. Những cư dân đầu tiên đến đây đã tạo nên vùng đất gọi là xứ Bô-hê-mia, chiếm khoảng 2/3 diện tích của CH Séc ngày nay. Cái tên Bô-hê-mia cũng được gọi là Cechy, để rồi lưu truyền qua thời gian, trở thành tên của nước cộng hòa (Séc) ngày nay.
Không chỉ có thế, trong những năm tháng gian khổ của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Việt Nam, nhân dân Tiệp Khắc anh em đã dành tình cảm hữu nghị cho nhân dân Việt Nam bằng những sẻ chia rất cụ thể qua các khoản viện trợ quý báu, những tiếng nói góp cùng cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Nỗi lòng người xa xứ
Đặc biệt, Tiệp Khắc là một trong những nước đầu tiên mở cửa đón các sinh viên Việt Nam sang học tập theo kết quả hợp tác giáo dục giữa hai nước hồi đó. Những sinh viên Việt Nam đầu tiên đã tới đây vào năm 1956, chỉ hai năm sau khi miền Bắc được giải phóng khỏi ách thực dân năm 1954. Qua những khóa học nối tiếp nhau, nhiều người trong số họ đã trở về góp sức vào cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Cũng có những người ở lại, cùng với làn sóng những người Việt Nam sang lao động hồi đầu thập niên 2000, hội nhập với đời sống của CH Séc. Chính thức, hiện có khoảng 65.000 người Việt sống tại CH Séc, trở thành một cộng đồng người gốc châu Á lớn nhất tại CH Séc.
Đến tháng 7/2013, Chính phủ CH Séc đã quyết định công nhận cộng đồng người Việt là một dân tộc thiểu số, là dân tộc thứ 14 tại CH Séc. Với quy chế này, người Việt tại CH Séc được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Chính phủ CH Séc để phát triển văn hóa truyền thống, đặc biệt là ngôn ngữ dân tộc. Ở những địa phương có nhiều người Việt sinh sống, trẻ em có thể được học kiến thức bằng tiếng Việt, có quyền sử dụng tiếng Việt ở công sở cũng như tòa án và có thể thành lập chương trình phát thanh hay truyền hình bằng tiếng Việt. Vậy là đã có một mảnh trời Việt ở xứ Bô-hê-mia. Không có nhiều ví dụ về một sự cởi mở và thừa nhận ở mức độ sâu sắc đối với người Việt sinh sống ở khắp nơi trên thế giới như ở CH Séc!
Cũng bởi thế mà một trong những trọng tâm trong hoạt động của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong chuyến thăm cấp Nhà nước lần này tới CH Séc, ngoài việc bàn thảo những biện pháp nhằm nâng cấp, thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác truyền thống giữa hai bên, còn là để tìm hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bà con cô bác người Việt đang làm ăn, sinh sống tại CH Séc.
Ngay chiều 10/5, sau khi đặt chân tới Pra-ha, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Phu nhân đã có cuộc gặp đông đảo đại diện đồng bào người Việt đang sinh sống tại CH Séc cũng như ở châu Âu. Sau khi nghe Đại sứ Việt Nam tại CH Séc và Chủ tịch Ban chấp hành lâm thời Hội người Việt Nam tại châu Âu báo cáo tình hình, Chủ tịch nước yêu cầu được lắng nghe ý kiến của bà con người Việt. Ban tổ chức dự tính sẽ có chừng vài ba ý kiến rồi sau đó Chủ tịch nước sẽ tổng kết và chỉ đạo… Nhưng khi đã có hai, ba câu hỏi được đặt ra rồi, Ban tổ chức chuẩn bị chuyển sang phần phát biểu của Chủ tịch nước thì Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lắc đầu: "Tôi muốn nghe hết ý kiến của bà con đã!".
Được lời như cởi tấm lòng, vậy là trong khán phòng, những cánh tay liên tục giơ lên. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, tổng cộng đã có 17 ý kiến, thực chất là những câu hỏi, được đặt ra với nhà lãnh đạo đất nước. Từ chuyện học hành của trẻ em trong các gia đình người Việt sống ở CH Séc đã lâu, cho đến chuyện trong nước như tình hình đấu tranh chống tham nhũng, chặt cây xanh; từ chuyện người Việt ở CH Séc trước đây đã chuyển sang quốc tịch Séc, nay muốn quay về quốc tịch Việt Nam thì làm thế nào, cho đến chuyện Biển Đông, chuyện người Việt ở nước ngoài muốn về thi công chức trong nước…
Rất nhiều vấn đề đã được bà con người Việt ở CH Séc đặt ra trực tiếp trong cuộc gặp mặt nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới CH Séc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Cũng như nhiều cộng đồng người Việt khác trên thế giới, bà con người Việt ở CH Séc luôn đau đáu một lòng với quê hương, lo nỗi lo chung của đất nước, vui cái vui chung của toàn dân tộc. Nỗi lòng người xa xứ ấy đã bắt gặp sự đồng điệu ở nhà lãnh đạo cao nhất của Nhà nước Việt Nam. Trong gần hai giờ đồng hồ sau đó, bằng giọng nói chậm rãi, đôi lúc hóm hỉnh, đôi lúc thủ thỉ tâm tình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trả lời toàn bộ 17 câu hỏi, đúng hơn là 17 vấn đề, mà bà con người Việt ở CH Séc đặt ra. Cứ sau mỗi câu trả lời mà bà con thấy tâm đắc, tiếng vỗ tay lại rộ lên trong khán phòng. Tất cả những khúc mắc, những băn khoăn của bà con người Việt đều được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang giải đáp một cách thấu đáo hoặc chỉ đạo ngay cho các cán bộ có liên quan có mặt trong cuộc gặp giải quyết cho bà con.
Và ngày hôm sau, tiếp tục chương trình chuyến thăm cấp Nhà nước tới CH Séc, trong cuộc hội đàm với Tổng thống CH Séc Mi-lô-xơ Dê-man (Milos Zeman), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lại đề cập tới một số vấn đề có liên quan đến đời sống của bà con người Việt ở CH Séc. Rồi sau đó, trong cuộc gặp mặt với báo chí, cả Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Mi-lô-xơ Dê-man đều đánh giá rất cao vai trò, sự đóng góp của người Việt trong đời sống xã hội CH Séc. Tổng thống Mi-lô-xơ Dê-man nói: “Sinh viên Việt Nam rất thông minh, học rất giỏi, lại đoàn kết nữa. Nếu như ở Séc có vấn đề gì đó về sự kỳ thị thì tôi nói rằng, hãy nhìn vào cộng đồng người Việt ở CH Séc để học tập!”.
Chạm tay vào chân tượng thánh
Trong 30 bức tượng cổ tuyệt đẹp trên cây cầu Tình yêu Sác-lơ bắc ngang qua sông Vlơ-ta-va ở thủ đô Pra-ha ấy, có một bức tượng đặc biệt tạc thánh Nepomuk, người đã bị xử tử vì không chấp nhận tiết lộ lời xưng tội của vợ Nhà vua Wenceslas IV cho Nhà vua nghe. Khác với những bức tượng thánh khác, hai chân bức tượng này sáng bóng lên bởi có rất nhiều bàn tay của du khách đã chà lên đó với một tín điều được lan truyền là nếu may mắn chạm vào chân bức tượng này thì sẽ có cơ hội quay lại Pra-ha vào một ngày nào đó.
Rời khỏi xứ Bô-hê-mia tươi đẹp, với những quả ngọt của tình hữu nghị lâu đời giữa hai nước Việt Nam-CH Séc, với kết quả đáng khích lệ của chuyến thăm cấp Nhà nước tới CH Séc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân, dường như tất cả chúng tôi đều đã chạm vào bức tượng thánh ấy, để hẹn một ngày quay trở lại đất nước lãng mạn và mến khách này.
Bởi ở đó có tình hữu nghị của nhân dân Séc dành cho Việt Nam vẫn bền bỉ qua năm tháng, có một cộng đồng người Việt đông đảo vẫn ngày đêm nặng lòng hướng về Tổ quốc. Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới CH Séc đã thành công, một phần vì đã “kết nối” được những tâm tư của bà con người Việt với tấm lòng nhà lãnh đạo của đất nước.