Chia sẻ với báo chí, ông Lê Quang Tự Do cho biết: “Giang hồ mạng” là khái niệm mà báo chí và người dân hay sử dụng. Trong văn bản quy phạm pháp luật không có khái niệm và hành vi vi phạm gọi là “giang hồ mạng”. Tuy nhiên, có nhiều chế tài cho các hành vi vi phạm pháp luật của những đối tượng mà báo chí quen gọi là “giang hồ mạng”.
Ông Lê Quang Tự Do lấy ví dụ, việc sử dụng ngôn từ không chuẩn mực, làm clip bạo lực, đăng tải nội dung không lành mạnh hay ăn mặc không phù hợp thuần phong mỹ tục đều có chế tài xử lý.
Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết thêm, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an xử lý chấn chỉnh hiện tượng này, có nhiều "giang hồ mạng" đã bị xử lý hình sự theo nhiều vi phạm khác nhau.
“Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục quan tâm đến vấn đề này, đặc biệt là các nội dung liên quan đến bạo lực cũng như xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác”, ông Lê Quang Tự Do nói.
Việc "giang hồ mạng" Phú Lê ăn mặc như vua chúa nước ngoài, xuất hiện tại một trường học ở Yên Bái trong dịp trung thu gây xôn xao dư luận. |
Đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cũng cho biết, cơ quan chức năng đã yêu cầu các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới và nền tảng mạng xã hội trong nước, quan tâm đến nội dung bạo lực, xúc phạm danh dự nhân phẩm để có bộ lọc, hạn chế ngay từ đầu với những nội dung này khi đăng tải. “Hiện nay các nền tảng đang phối hợp chặt chẽ để thực hiện”, ông Tự Do nói.
“Cấm sóng” với KOLs, nghệ sỹ vi phạm quy tắc ứng xử
Liên quan đến việc xử lý người có tầm ảnh hưởng (KOLs), nghệ sỹ có hành vi vi phạm pháp luật hay vi phạm quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, ông Lê Quang Tự Do cho biết: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng Quy trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với nghệ sĩ, KOLs có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp xây dựng, hiện đã xong quy trình lấy ý kiến các bên liên quan.
Ông Tự Do cho biết, quy trình sau khi được ban hành sẽ hạn chế việc xuất hiện của các đối tượng là nghệ sỹ, KOLs có hành vi vi phạm trên sóng truyền hình, trên báo chí, trên các sân khấu nghệ thuật biểu diễn.
Trước đó, trong kết luận kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành với hoạt động của TikTok tại Việt Nam, Đoàn kiểm tra cũng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan có liên quan để quản lý các nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok, đặc biệt là các nghệ sỹ, KOLs.
Thực hiện các biện pháp để hạn chế sự xuất hiện hình ảnh, sản phẩm nghệ thuật, biểu diễn trên nền tảng TikTok của những nhà sáng tạo nội dung khi vi phạm quy định pháp luật hoặc vi phạm Quy tắc ứng xử trên không gian mạng.
Thời gian qua, nhiều “giang hồ mạng” được một bộ phận giới trẻ tung hô như một dạng thần tượng kiểu mới. Nhiều sản phẩm họ đăng tải trên mạng xã hội trái với thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng xấu đến nhận thức, hành vi và lối sống của người trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên.