'Mảng tối' trong phân phối vắc-xin toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
Người dân Brazil xếp hàng chờ được tiêm vắc-xin AstraZeneca tại một địa điểm gần thủ đô Rio de Janeiro ngày 21/4. Ảnh: Reuters
Người dân Brazil xếp hàng chờ được tiêm vắc-xin AstraZeneca tại một địa điểm gần thủ đô Rio de Janeiro ngày 21/4. Ảnh: Reuters
TP - Trong một bệnh viện nhỏ nơi bác sĩ Oumaima Djarma đang làm việc ở thủ đô N’Djamena của Cộng hòa Chad, không có bất kỳ bàn cãi về vắc-xin COVID-19 nào là tốt nhất. Đơn giản vì họ không hề có bất cứ loại vắc-xin nào để lựa chọn.

Ngay cả với những y tá và bác sĩ đang chăm sóc cho các bệnh nhân COVID-19 ở Chad cũng chưa người nào được tiêm phòng. Chad là một trong những nước kém phát triển nhất thế giới, với 1/3 đất nước thuộc sa mạc Sahara.

“Tôi cảm thấy thật bất công, và điều đó khiến tôi buồn. Tôi không có lựa chọn. Nếu có bất kỳ vắc-xin nào được cấp phép, tôi sẽ tiêm ngay”, bác sĩ Djarma nói với AP.

Trong khi các nước giàu đang tích trữ vắc-xin COVID-19 cho người dân của họ, rất nhiều quốc gia nghèo vẫn chật vật tìm nguồn cung. Một số nước như Chad chưa nhận được bất kỳ liều vắc-xin nào.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hơn chục quốc gia, chủ yếu ở châu Phi, vẫn đang chờ vắc-xin. Những nước như Chad, Burkina Faso, Burundi, Eritrea và Tanzania nằm ở cuối danh sách. Châu Phi mới nhận được 1% lượng vắc-xin trên toàn thế giới.

Năm 2021, thế giới được chia thành hai bên: bên có và bên không có vắc-xin, tạo ra chênh lệch có thể định hình giai đoạn tiếp theo của đại dịch. Số liệu từ trang Our World in Data cho thấy 45% tất cả vắc-xin được sử dụng đến nay tập trung vào 16% dân số của các nước thu nhập cao.

“Khi tôi nghe thông tin một số nước đã hoàn thành tiêm phòng cho các nhân viên y tế và người già, và nay đang chuyển sang các nhóm dân số khác, tôi cảm thấy buồn. Tôi muốn hỏi rằng liệu họ có thể chia sẻ để ít nhất chúng tôi có thể bảo vệ các nhân viên y tế hay không”, bác sĩ Djarma nói.

Trong mùa hè và mùa thu năm ngoái, các quốc gia giàu có ký thoả thuận trực tiếp với các hãng sản xuất vắc-xin, mua hầu hết số vắc-xin ngay từ khi vẫn trong quá trình thử nghiệm. Điều này cản trở Covax, một sáng kiến được WHO hậu thuẫn, có thể cung cấp vắc-xin cho các quốc gia một cách công bằng.

Một nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Y tế toàn cầu thuộc ĐH Duke (Mỹ) gần đây tìm ra rằng các nước thu nhập cao đã mua 53% tổng nguồn cung toàn cầu trong ngắn hạn. Nhóm nghiên cứu ước tính 92 quốc gia nghèo nhất thế giới sẽ phải chờ đến năm 2023 hoặc muộn hơn mới có thể đạt tỷ lệ tiêm vắc-xin cho 60% dân số.

Cơ hội thuộc về người giàu

Ở Mỹ đang có một thực tế là nhiều bang đang dư thừa vắc-xin nên từ chối tiếp nhận hết số vắc-xin được chính phủ liên bang cấp. Bang Wisconsin đề xuất chỉ nhận 8% trong tổng số 162.680 liều được phân bổ vào tuần sau. Giới chức bang này cho biết nhu cầu tiêm đang giảm và Wisconsin cần giảm lượng tồn kho trước khi nhận thêm vắc-xin mới. Tình hình ở hàng loạt bang khác như Iowa, Kansas, Illinois, Connecticut, Nam Carolina, Bắc Carolina và Washington cũng tương tự, AP đưa tin.

Gần 46% dân số Mỹ đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin và 34% đã được tiêm đủ 2 mũi, theo số liệu của Trung tâm phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC). Tuần trước, Tổng thống Joe Biden thông báo kế hoạch thực hiện mục tiêu đến ngày 4/7 sẽ tiêm được ít nhất 1 liều vắc-xin COVID-19 cho 70% dân số trưởng thành, để khi đó có thể khôi phục hoàn toàn các hoạt động kinh tế và tương tác xã hội ở Mỹ.

Israel đến nay đã đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới. Gần 60% người Israel đã được tiêm ít nhất 1 liều và 56% đã được tiêm đủ liều, theo số liệu trên Our World Data.

Dù Israel muộn hơn nhiều nước trong việc ký thoả thuận mua vắc-xin, nhưng nước này đề xuất trả giá cao hơn và cho phép các hãng dược tiếp cận dữ liệu y tế của mình. Nước này được nói là đã trả 788 triệu USD để mua vắc-xin tính đến tháng 3 vừa qua. Dù Israel bị chỉ trích khi phớt lờ người dân Palestine, nhưng chương trình tiêm chủng của Israel được đánh giá là thành công và đã khôi phục được cuộc sống bình thường hơn.

Anh cũng là một nước đang dẫn đầu về tiêm vắc-xin. Nước này chi khoảng 16 tỷ USD cho việc phát triển, mua và tiêm vắc-xin, theo số liệu của Văn phòng kiểm toán quốc gia Anh. Dù chương trình tiêm chủng của nước này chậm lại khi có một số trường hợp bị đông máu sau khi tiêm vắc-xin AstraZeneca, nhưng các nghiên cứu ban đầu cho thấy số ca mắc và phải nhập viện giảm đáng kể sau khi tiêm mũi đầu tiên của vắc-xin AstraZeneca và Pfizer. Kết quả đó giúp Anh dần dần dỡ bỏ phong toả.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây lên tiếng ủng hộ việc bỏ bảo hộ bằng sáng chế đối với các vắc-xin COVID-19, mở đường cho giai đoạn đàm phán có thể rất căng thẳng tại Tổ chức Thương mại thế giới.

Những người ủng hộ nói rằng đây là bước đi tiến tới mục tiêu tiêm phòng cho cả thế giới, trong khi các nhà sản xuất vắc-xin cho rằng điều này sẽ làm giảm động lực sáng tạo mà không giải quyết được vấn đề thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn. Dù số phận của đề xuất này vẫn bất định, nhưng hầu hết mọi người đều thấy rõ rằng cần làm gì đó để giải quyết tình trạng bất bình đẳng vắc-xin hiện nay.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.