Mỹ đàm phán WTO dỡ quyền sở hữu trí tuệ vắc-xin COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Với tốc độ tiêm chủng hiện tại ở nhiều quốc gia, hàng trăm triệu người sẽ phải đợi đến năm 2024 để được tiêm phòng. Ảnh: UPI
Với tốc độ tiêm chủng hiện tại ở nhiều quốc gia, hàng trăm triệu người sẽ phải đợi đến năm 2024 để được tiêm phòng. Ảnh: UPI
TP - Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ đàm phán với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc-xin COVID-19.

Chánh văn phòng Nhà Trắng Ron Klain trong một cuộc phỏng vấn hồi cuối tuần cho biết bà Katherine Tai, nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Mỹ, sẽ tới WTO trong tuần này để tiến hành các cuộc đàm phán về “cách để vắc-xin phân phối, nhượng quyền và chia sẻ rộng hơn”, theo CNN.

Trước đó, bà Tai đã gặp lãnh đạo các hãng sản xuất vắc-xin như Moderna, Pfizer và AstraZeneca để thảo luận về vấn đề trên.

Thông báo được đưa ra trong bối cảnh các nhà hoạt động, các chính trị gia tiến bộ và các lãnh đạo nước ngoài đang tạo áp lực lên Nhà Trắng để dỡ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vắc-xin COVID-19, giúp các nước nghèo hơn có thể tự bắt đầu sản xuất các loại vắc-xin phục vụ chương trình tiêm chủng quốc gia.

Đầu tuần trước, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đề cập một kiến nghị mà nước này đưa ra trước WTO cùng với Nam Phi để dỡ bỏ một số điều khoản thương mại liên quan đến vắc-xin.

Mỹ cũng đang bị chỉ trích vì quá tập trung vào việc tiêm chủng cho công dân nước này trong bối cảnh nguồn cung vắc-xin của Mỹ bắt đầu vượt quá nhu cầu, theo UPI.

Với tốc độ tiêm chủng hiện tại ở nhiều quốc gia, hàng trăm triệu người sẽ phải đợi đến năm 2024 để được tiêm phòng, CNN dự báo.

Hồi tháng Ba, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng kêu gọi từ bỏ các bằng sáng chế để đưa thế giới “vào tình trạng sản xuất thời chiến”.

“Tôi không tin rằng chúng ta đang dốc toàn lực sản xuất vắc-xin. Chúng ta không nên bị kìm hãm bởi chính trị, kinh doanh hoặc những quy định ngặt nghèo”, CNN dẫn lời ông Ghebreyesus.

Trung tuần tháng 3, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC) thông qua một nghị quyết kêu gọi tiếp cận công bằng, giá cả hợp lý với vắc-xin COVID-19. Nghị quyết này được hơn 130 quốc gia tán thành tại diễn đàn Geneva, khẳng định quyền của các quốc gia trong sử dụng linh hoạt các quy tắc hiện hành của WTO về sở hữu trí tuệ với vắc-xin COVID-19. Thời điểm đó, Mỹ phản đối nghị quyết này.

Tuy nhiên, theo Chánh văn phòng Ron Klain, quyền sở hữu trí tuệ chỉ là một phần của vấn đề, trong khi nguyên nhân chính là tốc độ sản xuất vắc-xin.

Ông Klain cho biết thêm, Ấn Độ có một loại vắc-xin nội địa tên Covishield và việc sản xuất đã chậm lại do thiếu nguyên liệu. Để giải quyết tình trạng này, Mỹ đã gửi cho Ấn Độ số nguyên liệu đủ để sản xuất khoảng 20 triệu liều vắc-xin trước khi nước này phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh mới.

MỚI - NÓNG