Mang phim hài lên chợ youtube

Đạo diễn Phạm Đông Hồng (đội mũ) đang chỉ đạo cảnh quay trong bộ phim sẽ ra mắt trong dịp Tết 2017. Ảnh: Nhã Khanh.
Đạo diễn Phạm Đông Hồng (đội mũ) đang chỉ đạo cảnh quay trong bộ phim sẽ ra mắt trong dịp Tết 2017. Ảnh: Nhã Khanh.
TP - Cả tháng nay, muốn gặp đạo diễn Phạm Đông Hồng chỉ có thể đến phòng hậu kỳ của công ty Nghe nhìn Thăng Long, nơi ông lúi húi cả ngày với kho hình của 3 bộ phim hài Tết sắp trình làng.

22 năm làm phim hài, lãi nhiều mà lỗ cũng chẳng ít, nhưng chưa bao giờ vị đạo diễn phim hài này có ý định ngừng lại, bởi cứ canh cánh “đĩa phim hài không biết từ bao giờ đã như chiếc bánh chưng, ngày Tết, không có cho bà con không được”.

Làm phim online, có sợ “bị hèn”?

Nhấp một ngụm trà, Đông Hồng hồi tưởng lại cái thời hưng thịnh của thị trường băng đĩa cách đây chục năm. Hồi đó, mỗi lần phát hành một đĩa phim hài là tắc hết cả đường Giang Văn Minh, trụ sở cũ của công ty cổ phần Nghe nhìn Thăng Long- nơi ông làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. “Cứ thông báo sáng mai phát hành đĩa thì tối nay, các nhà nghỉ quanh công ty đã nườm nượp người từ các tỉnh lên ở để chờ lấy hàng. 7h sáng hôm sau, mỗi người lại ôm một bọc to, hỉ hả tỏa đi các hướng”- ông kể.

Hồi đó, doanh thu chính của công ty là bán đĩa. Nhưng chỉ sau vài năm, khi đĩa lậu bắt đầu tỏ ra “hung hãn” và công nghệ số phát triển, doanh thu ấy bỗng chốc sụt giảm 70%. “Người ta in lậu nhanh đến mức 7h phát hành đĩa, nhân viên của tôi mang đĩa sang chào bên đại lý ở Gia Lâm lúc 9h thì họ bảo có rồi”, Đông Hồng kể, chưa hết kinh ngạc.

Mỗi năm, Đông Hồng túc tắc làm 2,3 phim hài. Phim của ông luôn được các đài truyền hình tỉnh săn đón. Năm ngoái, ông bán được cho 42 đài.

Không chỉ in lậu đĩa, các phim hài của ông còn “được” phát lậu trên youtube. Sau 2 năm thẫn thờ nhìn những “đứa con” của mình bị bóc lột công khai từ cửa hàng đĩa đến internet, ông quyết định sống chung với nó thay vì xông vào cuộc chiến bản quyền chưa có hồi kết.

Năm 2015, “ông trùm” phim hài bắt đầu đăng ký kênh riêng trên youtube. Đồng nghĩa với việc tất cả những bộ phim của ông đều được youtube bảo vệ bản quyền. Bất ngờ hơn, sau vài tháng lên youtube, bộ phim “Chôn nhời 3” đã đạt 9 triệu lượt xem, còn “Trở lại” đạt 6 triệu lượt xem, Đông Hồng bắt đầu nhận được những khoản thu đầu tiên từ sân chơi này. “Doanh thu từ youtube không giống như bán phở, sáng bán chiều thu tiền, mà nó bền vững, từng tí một nhưng lâu dài”-  vị đạo diễn tuổi Mùi sau đó, lập luôn một phòng kinh doanh online chỉ để phục vụ việc phát hành trên internet.

Nhiều người thắc mắc không thấy Đông Hồng làm phim chiếu rạp, ông bảo “Chả dại!”. “Hiện nay, rạp chiếu phim ở Việt Nam quá ít, lại bị thâu tóm trong tay một số nhóm đối tượng nên thường thiếu sự công bằng. Phần lớn là các ông chủ rạp tự bỏ tiền làm phim rồi chiếu trên rạp nhà. Thị trường rạp lại tập trung chủ yếu 70% ở miền Nam. Vậy thì sao tôi phải mạo hiểm bỏ hàng chục tỷ làm phim để sau đó có thể không được chiếu?”.

Lại hỏi ông, cứ làm phim phát online mãi, có sợ “bị hèn” đi không. Ông cười khà khà khoe: 15 năm qua vẫn được mời giảng dạy ở Trường Cao đẳng Phát thanh-Truyền hình và thường xuyên được các tỉnh mời nói chuyện về các chuyên đề nghệ thuật cũng như phối hợp sản xuất một số chương trình nghệ thuật. Chứng tỏ chả “hèn” chút nào. “Tôi nghĩ đơn giản phim nhựa hay phim online thì cũng chỉ là chất liệu thể hiện, quan trọng hơn là phim được đông đảo công chúng xem và đón nhận”- vị đạo diễn tâm đắc.

Từ mùng 1 đến mùng 6 tết, mở kênh nào cũng thấy phim của Phạm Đông Hồng. Năm nay, ông cũng đang hoàn thành nốt công đoạn hậu kỳ của 3 tác phẩm: “Enter”, “Chôn nhời 4” và “Bờm”.

Nếu như “Enter” đề cập đến câu chuyện “sống ảo” của giới trẻ hiện nay thì “Bờm” lại là “cuộc chiến” của gia đình nhà “thằng Bờm” với Phú ông để giữ gìn đất đai cha ông để lại. Còn “Chôn nhời 4” sẽ tiếp tục đề cập những vấn đề được dư luận, xã hội quan tâm trong năm qua như: ông Tây nhặt rác, chọn cá hay chọn thép, thực phẩm bẩn, cưa nhầm chân, xây chuồng gà phải xin phép…

Vừa đi vừa dò

Ông bảo, xưa cứ nghĩ đơn giản làm xong thì đưa lên mạng, ai xem thì xem. Nhưng hóa ra nó có đặc thù riêng. Thứ nhất là phải ngắn, súc tích. Thứ hai là phải “câu view”. Ấy thế là, sau hơn 20 năm làm phim chính chuyên, đạo diễn bắt đầu tập tành “câu view” bằng bộ phim sitcom “Tầng 18 +” chỉ chiếu trên youtube.

Nhưng dù cố gắng “câu” bằng dàn diễn viên hotboy, hot girl sexy, quyến rũ thì loanh quanh, bộ phim vẫn quay về “tử tế” bởi ông đạo diễn luôn canh cánh “mình già rồi, làm quá lên không được, nhỡ dại cộng đồng lại ném đá”. Vẻ như, tư chất nghệ sĩ của đạo diễn Phạm Đông Hồng có phần “nhỉnh” hơn vai trò một nhà quản lý doanh nghiệp ngành băng đĩa. Bộ phim “Tầng 18+” sau đó đã được đài truyền hình Sóc Trăng (STV) ngỏ lời mua lại để phát sóng.

Dù làm hài già hay hài trẻ, hài chính chuyên hay hài thị trường thì cái chất của Phạm Đông Hồng vẫn đặc trưng: thâm thúy, sâu cay, có khi xem xong… hôm sau mới cười, như lời tác giả tự nhận. “Ai xem phim tôi đều sẽ thấy phim nói về cái gì đó, chứ cứ cười lăng nhăng mà chả có ý tứ gì thì tôi không làm”- đạo diễn chia sẻ.

“Càng lao vào con đường câu view càng thú vị”, Đông Hồng cười hỉ hả. Bởi nhận ra, cộng đồng mạng không phải lúc nào cũng thích sốc, sex, sến. Người ta đã quan tâm đến các vấn đề xã hội nhiều hơn. Thế nên, “Chôn nhời”, sê-ri phim hài được xem là “Táo quân” phiên bản hài dân gian được nhiều người đón nhận đến vậy. “Những tình huống trong phim hài hước nhưng không cay nghiệt, để xem xong khán giả vẫn nhận ra cái xấu, những chuyện đáng lên án mà vẫn thấy nhẹ nhõm”- Đông Hồng xem đây là “cần câu” đắc lực nhất để có thể sống tốt giữa thời buổi đi đâu cũng thấy “hài”.

Cách đây không lâu, Youtube đã ra thông báo không được chèn quảng cáo vào phim nữa, đồng nghĩa với việc tác phẩm đưa lên youtube sẽ là “bản sạch”. Hỏi cảm xúc của Đông Hồng, ông bảo: “Với tư cách là nghệ sĩ làm nghề thì tôi thấy vui, người xem cũng được hưởng lợi”. Nhưng với vai trò đứng đầu doanh nghiệp, khi công ty mất đi nguồn thu quan trọng, Đông Hồng phải chuyển hướng sang làm phụ đề tiếng Anh cho các bản phát youtube để phục vụ kiều bào, mở rộng đối tượng khán giả.

Kênh youtube cũng giúp các đạo diễn nhận ra thị hiếu hiện nay để điều chỉnh đúng hướng. “Chợ hài” càng ngày càng đông, có món ngon, có món không ngon, có cả hàng giả, hàng nhái. Muốn thu hút công chúng, nhà sản xuất phải chọn con đường riêng. Hơn 20 năm nay, Đông Hồng vẫn trung thành với hài dân gian, “chừng nào bà con chán tôi mới bỏ”.

Lý giải điều này, ông bảo đơn giản vì không thích “đụng hàng”. Hơn nữa, người Việt vốn 70% xuất phát từ nông thôn và không có gì vui hơn khi ngày Tết quây quần bên mâm cơm, cùng nhau xem một bộ phim vui vẻ.

Phim hài dân gian thường cầu kỳ hơn nhiều so với hài hiện đại, vì phải đầu tư phục dựng bối cảnh, phục trang… khá tốn kém. Phim lãi, phim lỗ, thị trường càng ngày càng khó khăn nhưng chưa bao giờ đạo diễn Đông Hồng có ý định chuyển hướng làm cái khác, chỉ bởi: “Tôi rất sung sướng khi trên mạng xã hội có người chia sẻ với tôi rằng cứ nhìn thấy chú là nhìn thấy Tết. Nhiều phim làm xong lỗ, oải lắm, nhưng phim hài từ lâu đã như chiếc bánh chưng rồi, ngày Tết mà không có cho bà con là không được”.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.