Con cá “tỷ đô”
Con cá tra trong hơn thập niên qua đã tạo ra những cú hích cho các nhà kinh doanh cá da trơn toàn cầu, góp phần làm cho Việt Nam thêm nổi tiếng trên thị trường thế giới. Sau gạo và hơn cả gạo, cá tra Việt Nam đã lập nên kỳ tích chỉ sau hơn 10 năm xuất khẩu, sản lượng tăng gấp 50 lần, giá trị tăng gấp 65 lần, chiếm giữ hơn 97% thị phần trên thế giới. Tuy giá trị kim ngạch có khi tăng – giảm vì nhiều nguyên nhân khách quan nhưng điều đó vẫn không ảnh hưởng đến nỗ lực và ý chí của các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu Việt Nam trên con đường chinh phục thị trường thế giới với khát vọng “khác biệt về lợi thế cạnh tranh bằng chính tài năng biết cách khai thác nguồn tài nguyên quí giá chỉ có ở vùng hạ lưu sông Mekong”.
Chế biến Filett cá tra trong Nhà máy chế biến thủy sản sạch tại IDI
Năm 2015, giá trị kim ngạch xuất khẩu cá tra chỉ đạt khoảng 1,58 tỷ USD và nguyên nhân được VASEP chỉ ra là do những vấn đề liên quan đến thuế chống bán phá giá và chương trình thanh tra cá da trơn của Hoa Kỳ. Nhưng vấn đề này sẽ không còn là mối quan ngại lớn cho các doanh nghiệp thủy sản nước ta khi những ngày cuối tháng 5/2016, với tỷ lệ phiếu thuận áp đảo (55/43), Thượng viện Hoa Kỳ đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết hủy bỏ Chương trình Giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), được quy định tại Luật Nông trại năm 2014 của nước này. Chúng ta có thể xem đây là bước đi đầu tiên quan trọng, tạo đà cho việc tiến tới loại bỏ hoàn toàn Chương trình giám sát cá da trơn. Như vậy, cũng có nghĩa là, cá tra, cá basa sẽ tiếp tục vượt sóng đại dương để xuất hiện nhiều hơn trong từng bữa ăn của các gia đình, nhà hàng sang trọng tận trời Tây.
Hiện nay, theo Vasep chỉ còn hơn 10 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường Hoa Kỳ. Trong đó có Cty Cổ phần Đầu tư & Phát triển đa quốc gia (IDI – Thành viên của Sao Mai Group) nhiều năm liên tục có mặt trong danh sách được cấp Quota xuất khẩu sang thị trường khó tính này.
Ông Lê Văn Chung – Tổng Giám đốc IDI chia sẻ : “So với nhiều thị trường khác thì Hoa Kỳ khó ăn nhất. Vì họ đưa ra nhiều Luật nhất khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam liên tục bị vướng”. Song, ông Chung khẳng định rằng “sản phẩm cá tra được xuất khẩu vào Mỹ thể hiện được đẳng cấp và uy tín của doanh nghiệp”.
Vì vậy, không ngạc nhiên khi IDI liên tục 5 năm thống lĩnh vị trí cao trong TOP 5 bảng xếp hạng các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu lớn nhất Việt Nam, cho dù thâm niên hoạt động chỉ gần 9 năm. Giờ đây, khi vòng kim cô dần được gỡ bỏ cũng là lúc IDI đã sẵn sàng tăng tốc.
Đón đầu vận hội mới, cuối năm 2015, Nhà máy chế biến thủy sản thứ hai của IDI đưa vào vận hành sau hơn 1 năm khẩn trương xây dựng . Công trình này có tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng, công suất 300 tấn/ngày, góp phần giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động. Nâng tổng số lao động của Tập đoàn Sao Mai hơn 7.000 người. Với dây chuyền, thiết bị hiện đại được nhập khẩu hoàn toàn từ Châu Âu, Nhà máy thủy sản đông lạnh thứ hai này còn được gọi theo một cách khác “chế biến thủy sản sạch” khi toàn bộ hệ thống được vận hành khép kín, đảm bảo tuyệt đối ATVSTP, đáp ứng nhu cầu sản phẩm sạch cho thị trường Hoa Kỳ.
Cty CP Đầu tư & Phát triển Đa quốc gia (IDI)
Năm 2015 doanh thu của Cty IDI đạt gần 2.600 tỷ đồng, được vinh danh TOP 50 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, TOP 50 Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam. Đây là một phần thưởng dành cho sự nỗ lực của IDI trong chiến lược kinh doanh hàng thủy sản xuất khẩu.
Rõ ràng, sản phẩm Filett của con cá tra đã giúp IDI mang về một lượng ngoại tệ không hề nhỏ, đóng góp vào thành tích xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. “Nhưng nếu chỉ độc canh một sản phẩm thì thật là lãng phí. Nâng cao chuỗi giá trị của con cá tra Việt Nam trong cuộc cạnh tranh toàn cầu, từ lâu không còn là khẩu hiệu”, ông Lê Thanh Thuấn – Chủ tịch HĐQT Sao Mai Group cho biết. Cách nay nhiều năm, các doanh nghiệp chế biến đã lần lượt tung ra nhiều giải pháp tận thu khổng lồ với các dự án đình đám. Riêng Tập đoàn Sao Mai lại có hướng đi hoàn toàn khác lạ đó là là nhập khẩu công nghệ tinh luyện hiện đại để làm ra các loại sản phẩm dinh dưỡng cao cấp có giá trị kinh tế còn hơn cả fillet”.
Tinh luyện: Lợi nhuận hơn cả filett
Không chấp nhận hoài phí nguồn nguyên liệu quí giá, Tập đoàn Sao Mai đã biết cách khai thác một cách “ rất thông minh, khoa học và đậm tính nhân văn” loài thủy sản này khi tạo nên sản phẩm dầu ăn cao cấp Ranee với những tính năng vượt trội, bổ dưỡng và phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng mở ra thị trường mới đầy hứa hẹn cho dầu ăn có nguồn gốc từ động vật và chứng minh những giá trị tiềm năng của cá tra đã được khai thác hiệu quả như thế nào.
Đây là phần thưởng xứng đáng mà thiên nhiên ban tặng cho vùng ĐBSCL chúng ta. Không vui sao được khi lần đầu tiên trên thế giới, dầu ăn bổ dưỡng nhưng giá hợp lý lại được chiết xuất từ cá da trơn trên vùng hạ lưu sông Mekong của Việt Nam thay vì từ các loại cá đánh bắt dưới biển sâu.
Với hướng đi khôn ngoan này, Tập đoàn Sao Mai có thể dễ dàng thu được lợi nhuận kếch xù mỗi năm từ việc tinh luyện dầu cá. Hẳn là hồi cuối năm 2008, GS Michael Porter chỉ tính đến kim ngạch xuất khẩu fillet khi đánh giá cá tra Việt Nam. Còn từ đầu năm 2014, nào có ai ngờ việc áp dụng công nghệ có hàm lượng chất xám cao lại có thể khiến phụ phẩm vượt hơn chính phẩm! Tập đoàn Sao Mai đã làm được điều đó. Một thực tế không thể nói khác đi được.
Vậy là, trong mỗi kiện hàng xuất khẩu Filett sang Mỹ hay 150 quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới lại có thêm sản phẩm mới đó là Dầu ăn cao cấp Ranee. Hương vị của dòng Mekong đã được IDI nói riêng và Tập đoàn Sao Mai nói chung mang đến khắp năm châu bốn bể. Hương vị ấy nồng nàn chất phù sa vùng châu thổ cực nam tổ quốc. Hương vị ấy thấm đẫm những giọt mồ hôi của ngư dân, kết tinh chất xám của tập thể nguồn nhân lực Sao Mai Group và khẳng định đẳng cấp của doanh nghiệp biết tận dụng vận hội của nền kinh tế hội nhập mang lại.