Măng, cá biển, thịt bò khô chứa chất độc xâm nhập bữa ăn

Măng, cá biển, thịt bò khô chứa chất độc xâm nhập bữa ăn
TP - Măng khô chứa lưu huỳnh, cá biển có urê, thịt bò khô chứa hóa chất công nghiệp, vi khuẩn E.Coli… đang bủa vây bữa ăn hằng ngày là những thông tin được đưa ra tại cuộc họp bàn về kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm của Bộ NN&PTNT ngày 19-10.

> Lưu huỳnh trong măng vượt hàng trăm lần cho phép

Măng khô, măng chua bán trên thị trường thường chứa lưu huỳnh. Ảnh: Đăng Mạnh
Măng khô, măng chua bán trên thị trường thường chứa lưu huỳnh. Ảnh: Đăng Mạnh.

Nguy hiểm cyanua trong măng

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) cho biết, Cục đã lấy 50 mẫu măng, gồm 27 mẫu khô và 21 mẫu tươi, chua và 2 mẫu măng ớt tại 5 địa phương (Hà Nội, Hòa Bình, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Thanh Hóa) để phân tích các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm (ATTP) như kim loại nặng, cyanua, lưu huỳnh và sunfite… Qua phân tích, tất cả các mẫu đều đảm bảo chỉ tiêu kim loại nặng, 27/27 mẫu măng khô phát hiện có lưu huỳnh và sunfite.

“Việt Nam chưa có quy định giới hạn của lưu huỳnh, cyanua và sunfite trong thực phẩm. Đối chiếu theo Ủy ban Tiêu chuẩn quốc tế về thực phẩm (Codex), chưa có mẫu nào vượt ngưỡng tối đa cho phép”, ông Hồng nói.

Tháng qua, cơ quan BVTV lấy 182 mẫu rau củ quả tươi nhập khẩu để phân tích, phát hiện 2 mẫu quả lựu nhập từ Trung Quốc (qua cửa khẩu Lào Cai) chứa dư lượng chất BVTV vượt ngưỡng cho phép 1,16 lần.

Theo lãnh đạo Cục BVTV, từ cuối năm 2011, Trung Quốc cho phép 11 loại dược liệu được sử dụng lưu huỳnh để sấy, mức tối đa cho phép là 400ppm.

Nhiều nước trên thế giới cho phép sử dụng lưu huỳnh để sấy rau quả khô. Mỹ cũng cho phép các gia đình sử dụng lưu huỳnh để sấy, nhưng quy định nếu trong sản phẩm có lưu huỳnh từ 5ppm trở lên thì phải ghi rõ trên nhãn.

Việt Nam hiện chưa có quy trình hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng lưu huỳnh trong thực phẩm.

Việc sử dụng lưu huỳnh trong măng và nhiều nông sản sấy khô để bảo quản hiện khá phổ biến, nên thời gian tới cần xây dựng hướng dẫn, đưa ra mức quy định sử dụng thế nào để an toàn.

Về cyanua có trong măng, nếu nồng độ lớn có thể ảnh hưởng hệ thần kinh và tuần hoàn máu.

Ông Hồng khuyến cáo không nên ăn măng sống, măng tươi, vì ở nhiệt độ cao, cyanua mới bị phân hủy.

Khoảng 2.500 loài thực vật trên thế giới tự sản sinh ra độc tố cyanua (cơ chế miễn dịch tự nhiên của cây trồng) để chống sâu bệnh. Măng tre và sắn chứa nhiều cyanua.

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, có thể cho phép sử dụng lưu huỳnh, nhưng phải đáp ứng những điều kiện nhất định.

Ông Phát giao Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Bộ phối hợp Bộ Y tế nghiên cứu để sớm đưa ra ngưỡng giới hạn cho phép đối với các hóa chất, để từ đó làm cơ sở xử phạt các đối tượng vi phạm. Đồng thời, hướng dẫn quy trình cho người dân thực hiện.

Cá biển, thịt bò khô đều có chất độc hại

Hơn một tháng qua, cơ quan chức năng lấy 90 mẫu cá biển (trong đó 28 mẫu tại tàu cá, cảng cá, bến cá và 62 mẫu tại các chợ bán buôn, bán lẻ thủy sản) để kiểm tra.

Tại Hải Phòng, lấy mẫu cá thu và cá nục; tại Đà Nẵng, lấy mẫu cá ngừ, cá bánh đường; tại TPHCM, lấy mẫu cá bạc má, cá đồng.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), cho biết, kết quả phân tích cho thấy không có mẫu nào chứa hàn the.

Tuy nhiên, xét nghiệm urê ở 60 mẫu cá biển, phát hiện 54 có urê hàm lượng rất thấp, nhiều khả năng là urê nội sinh, do quá trình trao đổi chất trong cá tạo nên. Chưa có bằng chứng về việc người dân lạm dụng phân urê để bảo quản cá biển.

Theo ông Tiệp, 17/90 mẫu cá biển nhiễm vi khuẩn E.coli (một loại vi khuẩn đường ruột gây bệnh tiêu chảy, nặng có thể dẫn tới tử vong), vượt quá mức giới hạn cho phép và có 30% mẫu (chủ yếu mẫu lấy ở chợ bán lẻ) nhiễm vi khuẩn Salmonella.

Với chỉ tiêu histamine (chất thường gây ngộ độc thực phẩm), có 14/45 mẫu vượt ngưỡng cho phép. Với 12 mẫu cá bạc má ở TPHCM, 10 mẫu có histamine.

Theo ông Tiệp, do khâu vận chuyển, nơi bán, và cách bảo quản, nhất là khâu bày bán của tiểu thương không đảm bảo điều kiện vệ sinh, nên tỷ lệ nhiễm các loại vi khuẩn, nhất là E.coli, tăng lên.

Ngoài cá biển, thịt bò khô cũng dính vi khuẩn E.coli. Cục Thú y cho biết, cơ quan thú y lấy 40 mẫu thịt bò khô trên thị trường Hà Nội và TPHCM để kiểm tra, thấy rằng nhiều chứa vi sinh vật hoặc sudan- một chất tạo màu công nghiệp.

Cụ thể, 20 mẫu thịt bò khô ở Hà Nội nhiễm E.coli trong giới hạn cho phép và có 3 mẫu nhiễm sudan. Một mẫu ở TPHCM nhiễm Salmonella.

Theo Cục Thú y, Việt Nam không cho dùng sudan để chế biến thực phẩm, nhưng người sản xuất vẫn lạm dụng để nhuộm màu. Nếu dùng nhiều sản phẩm có chứa sudan, chất này có thể tích tụ trong gan, máu, chuyển thành một loại chất độc có khả năng gây ung thư.

Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu, cần chỉ đạo một số địa phương trọng điểm, cùng phối hợp để việc kiểm tra ATTP quy mô rộng hơn.

Thời gian tới, không chỉ kiểm tra ở biên giới mà còn phải kiểm tra những nơi bán lẻ. “Tôi nghi ngờ, có những loại thực phẩm, khi về tại nơi bán lẻ, người bán mới tự ý sử dụng chất bảo quản độc hại. Cũng cần lấy thêm mẫu ở các siêu thị”, ông Phát nói.

Trước thông tin về việc dùng nhựa thông pha trong nước để vặt lông gà, vịt nhanh hơn, ông Phát cho rằng, việc sử dụng là có, và yêu cầu tiếp tục kiểm tra, theo dõi để xác định tồn dư hóa chất độc hại trên gà, vịt ra sao, ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe người tiêu dùng. Cùng đó, các đơn vị trong bộ, tháng tới tiếp tục kiểm tra rau lá ăn sống, mực khô và mật ong.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG