Bé Trường Xuân tròn 1 tháng tuổi trong vòng tay của mẹ. |
Người đầu tiên sinh ra trên đảo
Lời hát ru là lạ đưa bước chân chúng tôi đến với những ngôi nhà mái ngói đỏ khang trang nằm khuất sau hàng phong ba, bàng vuông rợp bóng. Cách đây 1 tháng, đảo Trường Sa lớn ngập trong niềm vui khôn xiết. Bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân, công dân Việt Nam đầu tiên chào đời trên đảo.
Bé là con gái thứ 3 của gia đình anh chị Nguyễn Tấn Thi và Nguyễn Ngọc Thanh Thúy. Bé còn có hai người bố nuôi: Bác sĩ Hồ Xuân Lãng, người đặt đường dao đầu tiên trong ca sinh mổ và bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc, Trạm trưởng trạm y tế Trường Sa lớn. Trường Xuân còn có nghĩa là mùa xuân ở Trường Sa. Sự có mặt của bé ở Trường Sa như làm dịu đi những cơn gió mặn, cái nắng khô người và những cơn giông tố biển khơi.
Nhớ lại thời khắc chào đời của bé Trường Xuân, bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc kể: “Qua siêu âm, thăm khám, chúng tôi xác định đây là ca khó, không thể sinh thường. Chị Thúy bị u xơ tử cung. Khối u có đường kính hơn 10 cm. Gần đến ngày sinh, diễn biến của thai phụ càng thêm phức tạp. Ngôi thai nằm ngang, bị thiểu ối và dây nhau quấn cổ thai nhi. Sau khi báo cáo về đất liền với lãnh đạo, Bệnh viện Quân y 175 quyết định dùng phương pháp mổ đẻ, bảo đảm an toàn cho mẹ và con.
Ngay lập tức, Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa Hồ Xuân Lãng được cử cấp tốc ra chi viện cho y tế đảo. 6 giờ 30 ngày 4-4, sản phụ Thúy bắt đầu tự chuyển dạ. Đến 8 giờ, mọi việc chuẩn bị đã xong, ca mổ được tiến hành lúc 10 giờ 37 với sự hỗ trợ của Bệnh viện 175 qua cầu truyền hình. Chỉ vài phút sau, bé gái nặng 3,2kg đã chào đời, cất tiếng khóc đánh dấu sự kiện công dân đầu tiên ra đời bằng kỹ thuật sinh mổ ở đảo Trường Sa”.
Bé Trường Xuân ngày chào đời. Ảnh do bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc (thứ 2 từ trái qua) cung cấp. |
Bố bé Trường Xuân, anh Nguyễn Tấn Thi, kể: “Lúc ký vào quyết định chấp nhận sinh mổ, tôi rất băn khoăn, lòng thấp thỏm không yên. Khi đó, tôi nhìn vào bác sĩ Ngọc. Đôi mắt bác sĩ đầy quyết tâm, tôi nhận ra đó là ánh mắt vừa lo lắng, vừa hy vọng như người thân trong gia đình.
Không khí căng như dây đàn, mọi người ai cũng chắp tay cầu trời khấn Phật. Khi tiếng khóc phát ra từ phòng mổ thì tôi không còn kìm được nước mắt. Bước vào phòng mổ, bác sĩ Ngọc cười rạng rỡ, như nụ cười của người bố đón đứa con đầu lòng”.
Trạm xá Trường Sa Lớn chỉ có 6 cán bộ, chiến sỹ. Mỗi người một chuyên khoa riêng. Thế nhưng khi đảm nhận công tác ở đây, mọi người đều trở thành bác sĩ… đa khoa. Từ sản, phụ khoa, phẫu thuật đến chữa giập mắt cá, té vỡ đầu, thậm chí kiêm luôn chức vụ bác sĩ thú y. Căn phòng của bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc có dòng chữ ngồ ngộ: Khám chữa bệnh người lớn, trẻ em và… gia cầm.
“Ở đâu không biết, nhưng đối với anh em làm nghề thầy thuốc ở đây không được có khái niệm bó tay. Dù bất cứ bệnh gì, đối với bất cứ bệnh nhân nào cũng đều phải cố gắng hết sức”. Không chỉ cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo mà cả ngư dân đánh bắt xa bờ, khi gặp nạn chỉ biết trông chờ duy nhất vào trạm xá Trường Sa lớn này.
Một chuyến ra khơi của ngư dân mất gần 500 triệu đồng. Khi gặp nạn, họ không thể quay trở về bờ vì có về được đến nơi cũng mất 3 - 4 ngày trời, lúc đó bệnh tình đã trở nên nghiêm trọng, chưa kể vốn liếng, thậm chí cả gia tài của họ đổ vào chuyến ra khơi, trở về coi như tay trắng.
Chính vì vậy, các bác sĩ luôn tự hào và tâm niệm, mình đang gánh vác niềm tin của người dân. Ở Trường Sa, bác sĩ và người bệnh như người trong một gia đình. Đảo như xóm nhỏ, mỗi lần gặp nhau là cơ hội hỏi thăm sức khỏe, khám bệnh cho người dân.
Chiến sỹ Trường Sa làm hoa tiêu hướng dẫn tàu vào đảo . |
Nơi sinh: Trường Sa
Từ Trường Sa lớn hướng ra cực Tây, nơi đảo Song Tử Tây nằm hiên ngang giữa trùng khơi, cách đây 2 năm cũng có một bé gái ra đời. Anh chị Hồ Dương, Trương Thị Liền sau một thời gian bám trụ và sinh sống tại đảo đã sinh ra viên ngọc quý cho toàn đảo: bé gái Hồ Song Tất Minh. Song: Song Tử Tây. Tất: tất cả mọi người. Minh: Chuẩn đô đốc Phạm Ngọc Minh - Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân ra thăm đảo lúc chị Liền mang thai.
Ngày mang thai, dù được lãnh đạo, chỉ huy đảo gợi ý vào đất liền để tiện bề sinh nở, mẹ bé Hồ Song Tất Minh vẫn cương quyết: “Em đã ra đảo lập nghiệp thì con của em cũng phải được sinh ra trên đảo”. Đảo trưởng, trung tá Phạm Văn Hòa, xúc động huy động toàn đảo chuẩn bị đón mầm non đầu tiên.
Bé sinh ra khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông trong sự vui mừng khôn xiết của toàn thể cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo. Cả nước hướng về em, Thành Đoàn TPHCM cũng nhận đỡ đầu bé cho đến năm 18 tuổi.
Những đứa con của biển, nói như bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc, đều rắn rỏi và hồn nhiên như cây phong ba. Sẽ có thêm nhiều Trường Xuân, nhiều Hồ Song Tất Minh được sinh ra và lớn lên trên Trường Sa. Các em sẽ thay cha, thay mẹ tiếp tục cuộc sinh tồn.
Ngày mang thai, dù được lãnh đạo, chỉ huy đảo gợi ý vào đất liền để tiện bề sinh nở, mẹ bé Hồ Song Tất Minh vẫn cương quyết: “Em đã ra đảo lập nghiệp thì con của em cũng phải được sinh ra trên đảo”. |
Ngoài người dân trên đảo, cái tên Trường Sa còn có ý nghĩa vô cùng đặc biệt đối với những ngư dân vùng biển Trung và Nam Trung Bộ.
Bệnh xá quân y trên đảo khám chữa bệnh miễn phí, mà ngư dân vốn nghèo nên nhiều khi từ trên bờ có bệnh cũng để mặc không chữa, cứ lênh đênh trên biển hàng tháng trời, khi gặp gió bão hoặc sự cố, phải vào đảo tiếp tế mới được các bác sĩ ở đây chữa bệnh.
Có trường hợp bệnh nhân bị xơ gan, từng đi cấp cứu nhiều lần nhưng vẫn ra biển đánh cá, đến khi biến chứng giãn vỡ tĩnh mạch, đội thuyền mới vội vàng chạy hàng trăm hải lý để đưa vào đảo. Một ngày biển động, tàu cá Quảng Ngãi số hiệu Qng 96156 tất tả leo qua từng con sóng cập cảng Trường Sa lớn.
Một ngư dân bị vỡ xương bánh chè vì sóng xô, đập vào mạn thuyền, được bạn thuyền đưa vào bệnh xá. Các bác sĩ trên đảo lập tức cấp cứu. Chậm một chút, chân của ngư dân sẽ bị hoại tử. Các bác sĩ tại Trường Sa cũng không quên được bệnh nhân Trần Văn Lên (19 tuổi, ngư dân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bị tai nạn do vỡ ống thở khi đang lặn. Tai nạn làm bệnh nhân co giật, liệt hai chân, bí đại, tiểu tiện, tình trạng sức khỏe rất nguy kịch.
Bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc cùng các nhân viên bệnh xá đã khẩn trương cấp cứu, dùng thuốc kết hợp cho thở ôxy liều cao và thuốc phòng tai biến, đồng thời điện thoại xin ý kiến chỉ đạo của Bệnh viện 175. Qua 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân qua được cơn nguy kịch.
Người dân đi biển sinh hoạt trên thuyền trong điều kiện ăn ở không được tốt nên hầu như năm nào các bệnh xá trên quần đảo Trường Sa cũng phải tiếp nhận một vài bệnh nhân trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
“Ở nơi này, con người sống chan hòa với nhau và chan hòa với thiên nhiên. Tiền bạc hầu như không có giá trị ở nơi này. Cuộc sống không giàu sang, không danh vọng nhưng bình yên và thân thuộc. Ai đã đến Trường Sa đều có cảm giác như mình vừa được sinh ra một lần nữa, được sống lại những cảm xúc trẻ thơ”, bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc thổ lộ.
Còn nữa