Mại dâm trên mạng, thách thức mới

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm 2023, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu triệt xóa 4 điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm và không để phát sinh điểm mới. Cùng với đó, duy trì không để tái hoạt động trở lại 7 điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm. Trong khi đó, lãnh đạo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐTB&XH Hà Nội) thừa nhận mại dâm trên mạng là thách thức mới đối với cơ quan chức năng.

4 điểm phức tạp cần triệt xóa

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch phòng, chống mại dâm năm 2023, nhằm tăng cường các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn mại dâm.

Theo danh sách công bố của UBND thành phố Hà Nội, có 4 điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm cần triệt xoá năm 2023, trong đó có 3 điểm phức tạp tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện, dễ phát sinh tệ nạn xã hội, gồm: Ngã ba Ngọc Hồi - Liên Ninh (xã Ngọc Hồi - Liên Ninh); đường Kim Giang, đoạn từ Cầu Tó đến đường Nghiêm Xuân Yêm (xã Thanh Liệt); tuyến đường Cầu Bươu - Phan Trọng Tuệ (xã Tân Triều - Tả Thanh Oai - Thanh Liệt - Vĩnh Quỳnh - thị trấn Văn Điển). Các điểm này đều nằm trên địa bàn huyện thanh Trì, với các loại hình gội đầu, thư giãn, tẩm quất, massage… được đánh giá ở mức “có hoạt động”, thậm chí là “phức tạp”. Điểm còn lại thuộc địa bàn công cộng, nằm trên đường Giải Phóng (khu vực ngã ba bến xe Giáp Bát đến lối rẽ vào phố Đại Từ), địa giới phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai), xác định ở mức “có hoạt động”.

Mại dâm trên mạng, thách thức mới ảnh 1

Hà Nội khẳng định đã triệt xoá mại dâm ở phố Trần Duy Hưng. Ảnh: PV

Thành phố cũng nêu, có 7 điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm đã được xử lý bàn giao cho địa phương, yêu cầu không để tái hoạt động trở lại, gồm các điểm: khu vực đường 32 (địa phận xã Đức Thượng, xã Đức Giang - huyện Hoài Đức); khu vực Quốc lộ 6, bến xe Yên Nghĩa (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông); khu vực chùa Tổng - La Dương (địa phận phường Dương Nội, quận Hà Đông); đường ven sông Tô Lịch, đoạn gần cầu Nguyễn Khánh Toàn (địa phận phường Cống Vị, phường Vĩnh Phúc và phường Ngọc Khánh, đều thuộc quận Ba Đình); phố Yersin - Vườn hoa Pasteur (phường Phạm Đình Hổ); đường Nguyễn Huy Tự - Trần Khánh Dư (phường Bạch Đằng), thuộc địa bàn quận Hai Bà Trưng. Tại quận Cầu Giấy, đường Trần Duy Hưng (phường Trung Hoà) cũng được bàn giao cho địa phương từ năm 2022.

Theo UBND thành phố Hà Nội, hiện nay, việc xử phạt hành chính người bán dâm, người mua dâm theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa có tính răn đe; một số quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống mại dâm trong tình hình mới. Đặc biệt, hoạt động mại dâm trên không gian mạng chưa được kiểm tra và xử lý triệt để.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện lãnh đạo UBND phường Trung Hoà cho biết, ngoài công tác tuyên truyền, giáo dục, tăng cường quản lý địa bàn, kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện, phường cũng tiến hành nhiều đợt kiểm tra, truy quét các đối tượng bán dâm tại địa bàn giáp ranh và trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như karaoke, massage, lưu trú, cà phê đèn mờ… tại khu vực ven bờ sông Tô Lịch, đường Trần Duy Hưng, Nguyễn Chánh, Nguyễn Quốc Trị… “Đến nay, trên tuyến đường Trần Duy Hưng không có tình trạng xe ôm chở 3, 4 người; không có cơ sở kinh doanh có điều kiện và nhạy cảm về an ninh trật tự bị xử lý liên quan đến hoạt động mại dâm”, lãnh đạo phường Trung Hoà thông tin.

Nhiều khó khăn, phức tạp

Ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐTB&XH Hà Nội) cho biết, hiện nay, qua đấu tranh triệt xoá, tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố đã đạt nhiều kết quả, chưa hẳn là xử lý được triệt để nhưng tình trạng gái đứng đường đã hạn chế, không còn gây bức xúc, phản cảm. Tất nhiên, vẫn có các điểm hoạt động nhỏ lẻ, lén lút.

Theo ông Thức, phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung, trong đó có phòng chống ma tuý và mại dâm là việc “rất đau đầu”. Cơ quan chức năng phải làm rất nhiều việc, áp dụng rất nhiều biện pháp, vượt qua khó khăn, thách thức từ các biểu hiện tinh vi của các đối tượng. “Mình ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý thì các đối tượng cũng lợi dụng khoa học công nghệ để hoạt động”, ông Thức nói. Theo ông Thức, về cơ bản, công tác đấu tranh, triệt phá các tụ điểm ma tuý, mại dâm thuộc trách nhiệm của lực lượng công an, các ban ngành khác đóng vai trò phối hợp. “Trong kế hoạch phòng, chống mại dâm năm 2023, chúng tôi cũng đặt mục tiêu tiếp cận, tư vấn cho 500 lượt người bán dâm, tìm hiểu về tâm tư, tình cảm, nguyện vọng để hỗ trợ họ tìm ra con đường khác trong cuộc sống. Giai đoạn 2021 - 2025, thành phố cũng tiến hành xây dựng các mô hình giúp người bán dâm tái hoà nhập cộng đồng”, ông Thức nêu.

Cũng theo ông Thức, tình trạng mại dâm trên không gian mạng là thách thức mới với các cơ quan quản lý. “Mại dâm có thể biến tướng bằng hình thức này, hình thức khác. Cơ quan chức năng cần nắm được, tìm hiểu để tham mưu các chính sách cần thiết”, ông Thức nói. Điều này cũng được nêu trong báo cáo của UBND thành phố Hà Nội. Cụ thể, thành phố cho rằng, tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố luôn được kiểm soát, tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh với nhiều hình thức biến tướng, trá hình. Xuất hiện các tội phạm sử dụng công nghệ cao và lợi dụng kẽ hở của pháp luật trong phòng chống mại dâm để môi giới và tổ chức hoạt động mại dâm, gây khó khăn trong quản lý.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.