Mạch nguồn chảy mãi trên quê mới

0:00 / 0:00
0:00
Anh Lù Hiền và vợ bên cây tính tẩu
Anh Lù Hiền và vợ bên cây tính tẩu
TP - Đại ngàn Tây Nguyên, nơi góp mặt của nhiều tộc người di cư, họ mang đến đây hồn cốt và bản sắc văn hóa riêng biệt, hình thành nên một vùng đất đa sắc màu văn hóa, vừa huyền bí và hấp dẫn bởi thanh âm nhạc cụ truyền thống.

Tiếng gọi bạn đời

Cái nắng vàng mượt trải dài trên con đường đến xã Hòa Phú (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Giữa buổi chiều thanh vắng, giai điệu trầm bổng, êm dịu vang lên khiến người nghe đắm chìm cảm nhận. Anh Lù Hiền (SN 1982) chia sẻ, tiếng tính tẩu đã quá quen thuộc với người Thái từ khi lập bản dựng mường, trong các cuộc vui. Tính tẩu theo tiếng của đồng bào Thái “tính” là đàn, “tẩu” là quả bầu, tính tẩu là đàn làm từ quả bầu. Tính tẩu của người Thái là nhạc cụ chính dùng để độc tấu, đệm hát và chơi giai điệu múa.

Dân tộc Thái có nhiều truyền thuyết về tính tẩu được bà con truyền lại rằng: Trong làng nọ có một chàng trai Thái nghèo. Một hôm, vô tình thấy những nàng tiên cầm trên tay một vật giống quả bầu lướt qua lại, trên mặt bầu phát ra âm thanh nghe réo rắt. Vì say mê âm điệu kỳ lạ, chàng trai về suy nghĩ, sau đó tìm một quả bầu, lấy tơ tằm làm dây rồi đánh đàn chơi, cây đàn phát ra âm thanh rất hay. Người Thái gọi là tính tẩu, hiện nay nhạc cụ này có 2 dây.

Mạch nguồn chảy mãi trên quê mới ảnh 1

Tính tẩu không thể thiếu trong những ngày lễ hội

Chị Lò Thị Đươi (SN 1986) cho biết, gia đình di cư từ Sơn La vào đây lập nghiệp, hai vợ chồng chị vẫn lưu giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Chị kể: “Ngày ấy, chồng chị (anh Lù Hiền) mỗi tối đưa tính tẩu đến nhà chị đàn các bản nhạc tới khuya. Chị yêu mến âm thanh của tính tẩu và yêu luôn chủ nhân cây đàn, sau đó hai người kết tình với nhau. Chàng trai Thái mà không biết chơi một loại nhạc cụ dân tộc nào thì khó lấy vợ lắm”.

Anh Lù Hiền bối rối: “Tôi yêu tiếng tính tẩu vì nhờ nó mà tôi lấy được vợ. Thời gian rảnh, tôi vẫn thường đàn những bản nhạc bằng tính tẩu cho vợ nghe, vừa ôn lại chuyện xưa vừa cho con cái biết được nét đẹp truyền thống của dân tộc mình”.

Theo anh Hiền, chế tác một cây đàn tính tẩu trải qua nhiều công đoạn. Người biết làm tính tẩu không nhiều, ngoài đôi tay khéo léo phải có khả năng cảm thụ âm nhạc, có kinh nghiệm chơi đàn nếu không cây đàn chỉ cho những âm thanh vô hồn. Để học được cách làm đàn, thường phải mất từ 10 năm trở lên.

Di cư từ Sơn La vào Đắk Lắk lập nghiệp, bà con đồng bào Thái làm đẹp thêm quê hương mới bằng những nét văn hóa độc đáo nghìn năm lưu giữ. Với đồng bào Thái tính tẩu không chỉ là nhạc cụ gắn với cuộc sống sinh hoạt, mà còn là một biểu tượng văn hóa. Tính tẩu là nhạc cụ không thể thiếu trong những đêm xòe, những ngày hội của người Thái hay trong các nghi lễ của các ông mùn.

Mạch nguồn tâm tưởng

Để vun đắp cuộc sống trên quê hương mới, người dân tộc Tày, Nùng di cư vào xã Ea M’droh (huyện Cư M’gar) lập nghiệp hơn 30 năm vẫn giữ gìn, gắn bó với điệu then của dân tộc.

Mạch nguồn chảy mãi trên quê mới ảnh 2

CLB đàn tính, hát then xã Ea M’droh tập luyện

Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc họ trải lòng, trao đổi cho nhau những kiến thức, mô hình xây dựng đời sống mới qua điệu then. Đàn tính, hát then như mạch nước mát trong hiện hữu cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Hằn in vẹn nguyên trong ký ức, bà Chu Thị Xèn (65 tuổi), chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) đàn tính hát then xã Ea M’droh trải lòng, những năm 1990, bà con người Tày, Nùng từ quê hương Cao Bằng, Lạng Sơn đến xã này lập nghiệp. Lời hát then, tiếng đàn tính gợi miền quê cũ, ký ức bản làng xưa, giúp con người thêm lạc quan sau những giờ lao động vất vả trên nương rẫy. Dần dần, mọi người kết nối lại, tổ chức sinh hoạt văn nghệ cùng nhau, đến năm 2012 thì chính thức thành lập CLB, lấy tên là CLB hát then đàn tính xã Ea M’droh.

Cứ thế mùa mưa qua đi mùa khô lại đến, xã Ea M’droh khoác lên mình chiếc áo xanh mát tràn đầy sức sống. Những điệu then ngọt ngào, đằm thắm được cất lên quyện với thanh âm của đất trời làm say đắm lòng người, từ những buổi sinh hoạt vào chủ nhật cuối tháng của CLB có hơn 20 thành viên chính thức (trong độ tuổi từ 15 đến 80 tuổi). Cụ Hoàng Thị Bỏng (80 tuổi, thôn Hợp Hòa), thành viên lớn tuổi nhất CLB tâm sự: “Hát then là linh hồn trong đời sống văn hóa của người Tày, Nùng. Hát then có giai điệu lúc trầm, lúc bổng, khi trang nghiêm, khi rộn ràng. Thật mừng vì dù xa quê nhưng tôi cùng bà con nơi đây vẫn được nghe và hát điệu then của dân tộc, cảm giác như được sống lại những ngày ở quê hương. Tham gia CLB khiến mọi người cảm thấy vui vẻ, yêu đời, cuộc sống trở nên thoải mái cũng như có thêm niềm vui tuổi về già”.

Nét văn hóa đặc trưng ấy đã ăn sâu vào tâm hồn để rồi chính những lời ca, tiếng đàn lại trở thành hành trang của những con người chân chất đi lập nghiệp tại mảnh đất mới. Giữa bao la đất trời, tiếng đàn tính rộn ràng hòa với tiếng hát ngọt ngào nơi miền sâu hoang sơ đã góp phần làm đa dạng văn hóa trên vùng đất Tây Nguyên… Mọi người coi điệu hát then là một món ăn tinh thần không thể thiếu. Bởi thế, bên cạnh tập luyện những bài hát về Đảng, Bác Hồ, về quê hương Cao Bằng, Lạng Sơn có sẵn, nhiều thành viên còn sáng tác các ca khúc mới ca ngợi đất nước, về chính mảnh đất mình đang sinh sống. Hay trong các đợt dịch COVID-19, CLB còn sáng tác và tập luyện những bài hát nhằm tuyên truyền, cổ vũ chống dịch như: Người chiến sỹ Công an, Tấm lòng y bác sĩ…

Những con người ấy rót điệu then xuống buôn làng này để những cô gái mê đắm với làn điệu êm ái. Chị Chung Thị Thủy (26 tuổi), trò chuyện, ngày trước thấy các bà, các mẹ đi sinh hoạt ở CLB, chị xin đi theo để xem, sau vài lần tham gia, chị bị say mê điệu then của dân tộc. Đến nay, chị đã thuộc nhiều điệu then và trở thành một thành viên chính thức của CLB.

Câu hát then và cây đàn tính của đồng bào Tày, người Nùng ngày ngày ngân lên trên vùng đất đỏ bazan. Chắc chắn, mạch nguồn văn hóa ấy sẽ còn chảy mãi, bởi bà con nơi đây luôn biết khơi dậy cảm xúc, đón đợi, nâng niu và trao truyền cho những thế hệ kế tiếp.

Nhiều thành viên CLB trở thành giáo viên “không chuyên”, giúp các bạn trẻ có cơ hội tìm hiểu, tiếp xúc với loại hình văn hóa đặc biệt của dân tộc. Ngoài sinh hoạt định kỳ, CLB còn tham gia giao lưu, biểu diễn ở những ngày lễ, sự kiện trọng đại của địa phương, tham dự và đoạt giải tại nhiều hội thi các cấp. Đó chính là sự động viên lớn nhất cho những cố gắng gìn giữ văn hóa hát then, đàn tính của các thành viên trong CLB.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch UBND xã Ea M’droh, xã Ea M’droh có 11 thôn, buôn với 12 dân tộc anh em sinh sống, trong đó người Tày, Nùng chủ yếu tập trung ở 3 thôn: Hợp Hòa, Đồng Tâm và Đồng Cao. Việc duy trì và phát triển CLB hát then đàn tính xã Ea M’droh trong thời gian qua đã góp phần lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Đặc biệt, trong xu thế hội nhập và phát triển như hiện nay, rất cần sự nỗ lực gìn giữ của những con người giàu tâm huyết và lòng say mê như vậy.

MỚI - NÓNG