'Mặc áo' sưởi ấm, 'gội' sương cho đào Nhật Tân

'Mặc áo' sưởi ấm, 'gội' sương cho đào Nhật Tân
TPO – Để đối phó với tiết trời giá rét kéo dài, nhiều hộ trồng đào giữa Thủ đô phải phủ kín ni-lông, thắp điện sưởi ấm cho đào. Người trồng đào hàng ngày 'đội' mưa rét săn sóc từng cây đào.

> Người trồng đào nơm nớp lo rét đậm kéo dài
> Rét đậm bất thường kéo dài

Nhiều hộ trồng đào phải phủ kín ni-lông, thắp điện sưởi ấm cho đào Tết. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Nhiều hộ trồng đào phải phủ kín ni-lông, thắp điện sưởi ấm cho đào Tết. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Rửa sương trên cây đào

Khoảng 10 ngày nay, thời tiết miền Bắc, đặc biệt ở Hà Nội liên tiếp rét đậm kéo dài. Dù còn hơn một tháng nữa mới đến Tến Nguyên đán Quý Tỵ 2013, nhưng đợt rét đậm, mưa phùn khiến các hộ trồng đào không khỏi lo ngại.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại làng đào Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội), nhiều hộ dân phải dùng ni-lông phủ kín các gốc đào, đồng thời thắp điện sưởi ấm bên trong. Những cây này chủ yếu là đào rừng, đào hạt.

Mờ sáng, không kịp mặc áo mưa (dù mưa phùn), chân đeo đôi ủng nhựa, mặc chiếc áo khoác rồi quấn chặt khăn vào cổ, trùm mũ len lên đầu, ông Đỗ Văn Kim (66 tuổi, ở Cụm 1, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) cầm vội chiếc xô nhựa, hối hả chạy ra vườn.

20 năm gắn liền với trồng đào, theo ông Kim, nghề này 70% phụ thuộc vào thời tiết. Do vậy, mấy ngày rét liên tục gần đây, ông phải bón thêm phân tổng hợp, tưới nước cho cây, "mặc áo" sưởi ấm.

Ông Kim chia sẻ, tưới nước nhằm rửa sương, cân bằng độ ẩm dưới đất, giúp cây phát triển tốt. Để chống lại giá rét, trong pha chế phân, ông Kim hạn chế lượng đạm, kali, tăng thêm lân.

Một vườn đào ở Nhật Tân phủ kín ni-lông, thắp điện sưởi ấm cho đào kịp nở hoa. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Một vườn đào ở Nhật Tân phủ kín ni-lông, thắp điện sưởi ấm cho đào. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Theo dự báo thời tiết, đợt rét này chỉ còn vài ngày nữa, đến hết tuần sẽ kết thúc. Nếu đúng như vậy, đào sẽ nở đẹp đúng dịp Tết. Ngược lại, nếu vẫn rét đậm kéo dài, theo kinh nghiệm lâu năm, nhiều hộ sẽ phủ ni-lông, thắp điện sưởi.

“Khi nhiệt độ quá ấm, nhiều hộ còn phải buộc dây thép hoặc dùng dao rạch ở cành cây để hạn chế tốc độ ra hoa của đào. Song, đó chỉ là những giải pháp tình thế. Chủ yếu vẫn mong chờ vào thời tiết” – ông Kim chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Văn Chiến (Cụm 5, phường Nhật Tân)tưới phân cho gốc đào. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Ông Nguyễn Văn Chiến (Cụm 5, phường Nhật Tân) tưới đào. Ảnh: Tuấn Nguyễn.

Thắp điện sưởi ấm

Liền kề với làng đào Nhật Tân là làng quất Tứ Liên. Nhiều hộ trồng quất cũng lo ngại nếu mưa cứ kéo dài sẽ khiến quất rụng quả, thua lỗ.

Nhìn những cây đào bắt đầu nở hoa, chị Đỗ Thị Hoa (39 tuổi, ở cụm 1, phường Nhật Tân) không khỏi lo lắng. Vườn nhà chị chủ yếu là đào nguyên bản năm cánh.

“Năm ngoái, đào nở trúng dịp Tết, năm nay nở sớm hơn nên hơi lo. Sau đợt rét này, nếu trời ấm lên bất thường, đào dễ nở hết trước Tết” – chị Hoa nói. 

Vườn đào của ông Nguyễn Văn Chiến (57 tuổi, cụm 5 phường Nhật Tân) rộng 6.000 m2, trồng khoảng 600 gốc đào rừng. Những gốc đào rừng được ông Chiến đánh từ Mộc Châu (Sơn La), Lục Ngạn (Bắc Giang) về ghép mắt đào Nhật Tân, để tạo ra những gốc đào rất đẹp.

Vừa rít điếu thuốc lào, cặp mắt cứ chăm chú hướng đến những cây đào vừa được phủ kín ni-lông, ông Chiến chia sẻ: "Thời tiết mấy ngày gần đây giá lạnh, mưa nhiều khiến dăm đào đét và tái hơn, nụ cũng bé hơn. Nhà tôi phải phủ kín ni-lông cho nhiều gốc đào để ngăn mưa gió, giữ ấm cho cây".

Cũng theo ông Chiến, những cây mới bắt đầu chớm nụ phải thắp điện sưởi ấm bên trong. Tùy tình trạng của cây, có thể thắp một hoặc tăng cường thêm hai bóng điện bên trong để giữ ấm cho đào phát triển tốt, ra hoa đúng dịp Tết.

Theo Viết
MỚI - NÓNG