Rêu phong mộ cổ
Hai ngôi mộ cổ nằm trong khu dân cư thuộc tổ 6, khối phố 8, phường An Sơn, thành phố Tam Kỳ. Một trong hai ngôi mộ cổ nằm sát vệ đường bê tông, ngôi mộ còn lại cách đó vài chục mét, nằm dưới gốc cây lớn.
Lớp rêu phủ xanh trên những mảng tường cũ xung quanh mộ, cùng với dương xỉ và cỏ dại chen chúc. Lá khô phủ cả lối vào.
Ông Nguyễn Thu (81 tuổi) đang lom khom nhặt những cành củi khô vướng lên tấm bia mộ. Ông nói, ngôi mộ dù nằm trên đất vườn nhà mình nhưng cũng không rõ mộ của ai chỉ biết đó là ngôi mộ cổ nằm trên miếng đất từ trước khi đời ba mình đến đây ở. Hai ngôi mộ nằm ngay sát cạnh nhà nên ông Thu và bà con gần đó thi thoảng ra dọn dẹp.
Ngôi mộ cổ được cho là của nữ sĩ Hồ Xuân Hương |
Ông nói, dù chẳng biết đích xác mộ của ai nhưng lại gắn bó với mấy thế hệ gia đình như một mối duyên. Thời chiến, ngôi mộ trở thành điểm nương náu, trốn trú của người dân và chiến sĩ cách mạng mỗi khi máy bay địch quần thảo. “Chẳng biết mộ của ai nhưng từ bé đến giờ tôi đã thấy ở đây rồi. Mộ ai cũng vậy thôi, con cháu có khi thất lạc nhưng ai cũng mong mồ yên mả đẹp, chúng tôi ở gần nên cũng lui tới dọn dẹp cũng cách tu dưỡng phước đức”, ông Thu nói.
“Về thông tin hiện vật bị mất cắp trong ngôi mộ cổ thì đơn vị cũng không nắm rõ, sự việc lâu rồi, địa phương cũng không báo cáo. Khi về khảo sát mới nghe người dân kể chuyện lại cho nên đơn vị cũng không rõ có bị mất cắp cổ vật trong mộ hay không”.
Ông Trần Văn Đức, Phó Giám đốc Bảo tàng Quảng Nam
Năm 2012, nơi đây từng gây xôn xao dư luận bởi vụ đào trộm mộ cổ. Một nhóm người đến xới tung ngôi mộ và mang theo một hũ được đào lấy lên từ dưới mộ, bỏ lại hiện trường ngổn ngang.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, 77 tuổi, người dân địa phương kể lại, đó là vào năm 2012. Một người phụ nữ trú ở địa phương (làm nghề mua bán gà, vịt) mang tấm giấy xác nhận của chính quyền cho phép đào ngôi mộ, nói đào giúp cho một người ở Huế là người thân của chủ nhân ngôi mộ. Sáng sớm, người này dẫn theo một số người được thuê đào xới tung ngôi mộ. “Họ nói ngôi mộ này có gốc gác ở Huế, người nhà muốn đào lấy hài cốt mang về quê. Họ cũng trình giấy xác nhận của chính quyền nên người dân chúng tôi không cản. Sau làm lễ cúng qua loa, nhóm người đào xới ngôi mộ phía trong. Người dân xung quanh kéo đến xem, tôi cũng theo dõi đến trưa thì về nhà để lo cơm nước, lúc sau quay ra thì thấy ngôi mộ bị xới tung, xương cốt còn ngổn ngang. Có người thấy nhóm người kia lấy một hũ gì đó dưới ngôi mộ đã mang đi, lúc đó chúng tôi mới hoảng hốt báo lên chính quyền”, bà Hạnh kể.
Trước đó, người phụ nữ này đặt vấn đề với bà Hạnh cùng gia đình về việc thuê lại mảnh vườn nơi có hai ngôi mộ để trồng cây nhưng gia đình bà Hạnh không đồng ý. Trước khi mang người đến đào xới ngôi mộ thì có người mang máy đến dò.
“Mọi người kể lại có thấy họ đào rồi mang lên một hũ gì đó dưới mộ, mang ra mương cọ rửa bùn đất, khi người dân định tới gần xem thì họ nói đừng lại gần vì đồ bỏ lâu dưới mộ nên bốc mùi, sau đó thì họ mang đi mất chứ không rõ trong đó có gì”, bà Hạnh nói.
Sự việc khiến người dân hết sức phẫn nộ. Được biết sau đó công an vào cuộc xử lý nhóm người xâm hại mộ trái phép. Tuy nhiên câu hỏi về hiện vật mà nhóm người kia lấy lên là gì và hiện ra sao thì vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Phóng viên tìm hiểu, đề cập đến chính quyền, công an phường, công an thành phố Tam Kỳ cũng “không rõ vì vụ việc đã quá lâu”.
Giả thuyết ngôi mộ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương
Mới đây, bà Nghiêm Thị Hằng (69 tuổi, ở thành phố Hà Nội), là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Luật gia Việt Nam đề xuất xin khai quật ngôi mộ cổ vô thừa nhận có minh bia năm 1850 phục vụ khảo cổ, có liên quan đến các giả thuyết về phần mộ nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Trong tờ trình, bà Hằng cho hay quá trình nghiên cứu về thân thế nữ sĩ Hồ Xuân Hương, từ năm 2020, bà phát hiện ông Trần Phúc Hiển là người chồng thứ hai của nữ sĩ, quê ở làng Tam Kỳ cổ.
Nhóm nghiên cứu đã nhiều lần vào thành phố Tam Kỳ tìm hiểu ngôi mộ cổ Giày Thày Lánh ở làng Hương Trà Tây, phường Hòa Hương. Kết nối thông tin với hai ngôi mộ vô thừa nhận ở khu phố 8, phường An Sơn, thành phố Tam Kỳ có minh bia năm 1857 của cụ Phan Thị Chi và ngôi mộ minh bia năm 1850 có tên Huỳnh Hoàn Nhân với nhà thờ cụ Nguyễn Đức Thêm ở xã Tam Tiến, huyện Núi Thành.
Năm 2021, cuốn sách “Giải mã bí ẩn nữ sĩ Hồ Xuân Hương” của bà được NXB Hồng Đức ấn hành, góp phần làm rõ thân thế năm sinh năm mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, đặc biệt là quan hệ hôn nhân giữa nữ sĩ Hồ Xuân Hương với người chồng thứ 2 là ông Trần Phúc Hiển.
Đầu năm 2023, đoàn tiếp tục thực địa khảo sát. Bà Hằng đề nghị khai quật khu mộ cổ phục vụ nghiên cứu khoa học khảo cổ, để xác định hài cốt người nằm dưới mộ là nam hay nữ, chết già hay trẻ, chết vào thời gian nào và chết do bệnh tật hay tác động khác qua kiểm nghiệm mẫu xương…
Đồng thời xem xét các vật tùy táng còn trong mộ theo các căn cứ khảo cổ, soi chiếu với thực tế và các thông tin từ dữ liệu lịch sử, văn học và dân gian truyền tụng liên quan đến nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
“Chúng tôi khẳng định đây là mộ cải cát không phải mộ dài chôn một lần theo phong tục của các ngôi mộ cổ của vùng Tam Kỳ, Quảng Nam. Điều này có căn cứ bởi năm 2012, ngôi mộ này đã bị đào trộm lấy cổ vật, phần xương cốt trong tiểu quách đã bị vứt lên bờ, sau đó chính quyền địa phương chôn lại. Chúng tôi đã có những thông tin về cổ vật đã bị lấy đi khi kẻ xấu đào trộm mộ lấy cổ vật. Do đó, chúng tôi đề nghị tiếp tục lật lại vụ án liên quan đến những người đào mộ để truy tìm cổ vật đã bị lấy đi” - văn bản của bà Hằng nêu.
Bà Hằng cho rằng, việc khai quật phục vụ cho công tác khảo cổ nhằm tôn vinh và gìn giữ mộ cổ tại địa phương không phục vụ cho cá nhân nào. Nếu qua khảo cổ kết quả là phần mộ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, thì vinh dự cho tỉnh Quảng Nam có một ngôi mộ cổ không chỉ có giá trị về kiến trúc mà còn có giá trị về lịch sử. Đây là mộ của nữ Danh nhân thế giới duy nhất ở Việt Nam, cần được bảo tồn, tôn tạo như mộ của các danh nhân thế giới ở Việt Nam đã được tôn vinh và xây dựng.