Ly hôn giả - trào lưu xã hội kỳ quặc ở Trung Quốc

Cảnh xếp hàng chờ được ly hôn ở Trung Quốc
Cảnh xếp hàng chờ được ly hôn ở Trung Quốc
TP - Ở Trung Quốc gần đây đã xuất hiện một nghi thức kỳ quặc trái với luân thường trong quan hệ vợ chồng: Đó là ly hôn giả để tìm kiếm lợi ích. Ly hôn giả đã trở thành một trào lưu ngày càng phổ biến, làm đau đầu các nhà xã hội học và chính quyền, thậm chí gây nên những vụ kiện cáo…

Giả hóa thật, chồng đưa vợ ra tòa

Theo báo “Bắc Kinh buổi sáng”, gần đây ở Bắc Kinh đã xảy ra vụ án vợ chồng đưa nhau ra tòa gây xôn xao dư luận. Ông Lý và bà Vương đều có thu nhập ổn định và một cô con gái, cuộc sống gia đình khá hạnh phúc. Để cho con được học ở một trường tiểu học danh tiếng ở quận Hải Điện, họ bàn nhau mua một căn nhà trong khu vực gần đó. Hai vợ chồng đã có 2 căn hộ đứng tên chung, không thể mua thêm nhà, vì vậy họ bàn nhau “lách” luật bằng cách ly hôn giả để được mua nhà và làm hộ khẩu mới. Bà Vương đề nghị trong thỏa thuận ly hôn cả 2 căn nhà thuộc quyền sở hữu của bà; ông Lý sẽ mua nhà với danh nghĩa người độc thân, sau khi mua nhà xong sẽ “phục hôn”, đón vợ con về ở, ông Lý nghe theo.

Ly hôn xong, ông Lý vay tiền mua được căn hộ trong khu vực có hộ khẩu để học trường nọ. Sau khi hoàn tất mọi thủ tục, ông tìm vợ để kết hôn trở lại thì bà Vương từ chối do bà tham lam tráo trở cài bẫy. Nhiều lần tìm gặp vợ thương lượng không xong, cuối cùng ông Lý đã làm đơn kiện vợ ra tòa, yêu cầu tòa án hủy bỏ các điều khoản về phân chia nhà và xử lý công nợ trong bản thỏa thuận ly hôn khi trước.

Một vụ khác ở Nam Kinh: Trương Quân và Vương Huệ đã có với nhau 1 con trai. Trước khi lấy vợ, ông Trương đã có 1 căn hộ, sau khi kết hôn họ mua thêm được 2 căn nữa. Ông bàn với vợ bán đi căn nhà cũ. Do đó không phải là căn nhà duy nhất của gia đình nên khi bán phải nộp 1% thuế thu nhập. Để tiết kiệm 35 ngàn tệ, ông bàn với vợ làm thỏa thuận ly hôn giả, bán xong nhà sẽ tái hôn. Trong thỏa thuận ly hôn ghi rõ: căn nhà bán thuộc về ông, 2 căn còn lại thuộc về bà, bà nuôi con. Thế nhưng ông bán nhà xong thì bà Vương kiên quyết không tái hôn. Ông Trương kiện ra tòa yêu cầu hủy bỏ bản thỏa thuận ly hôn, nhưng tòa đã bác đơn.

Pháp chế nhật báo từng đưa tin ở thôn Cách Bình, huyện Nghi Tân, Tứ Xuyên trong 3 tháng có 86 cặp vợ chồng tuổi từ trên 60 đến mới ngoài 20 lần lượt làm thủ tục ly hôn. Nguyên nhân là thôn này sắp bị di dời, các gia đình đua nhau ly hôn giả để được nhận đền bù diện tích lớn hơn. Ở Phố Đông, Thượng Hải cũng có chuyện 1 ngày cả chục gia đình ở một nơi đồng loạt đi làm thủ tục ly hôn; thì ra khu đất họ ở sắp bị trưng dụng, để được nhận diện tích đền bù lớn hơn nên họ đã chọn cách ly hôn giả…

Ly hôn để con được học trường tốt

Điều 4 “Luật giáo dục nghĩa vụ” Trung Quốc viết: “Học sinh có quyền được hưởng giáo dục nghĩa vụ một cách bình đẳng”, nhưng Điều 32 lại quy định: “học sinh được học tại nhà trường gần nơi có hộ tịch”, quy định chặt chẽ việc phân chia trường theo hộ khẩu, trẻ em không có hộ khẩu gần trường tốt thì không được học ở đó. Chính vì vậy, nhiều cặp vợ chồng đã lựa chọn cách ly hôn giả để 1 người cùng con đến mua nhà, nhập hộ khẩu ở khu vực gần trường tốt. Hiện tượng ly hôn giả kiểu này đã xuất hiện ở nhiều nơi như Nam Kinh, Bắc Kinh, Quảng Châu, Trịnh Châu…

Ly hôn để được mua nhiều nhà

Nhiều địa phương áp dụng biện pháp hạn chế việc đầu cơ nhà hay một gia đình mua nhiều nhà bằng cách ngân hàng khống chế lượng tiền cho vay, tăng lãi suất cho vay đối với những gia đình mua nhà thứ 2. Vì vậy nhiều gia đình lách luật bằng cách ly hôn giả, để 1 người sở hữu ngôi nhà đang có, người còn lại xin mua nhà với thân phận độc thân, không có chỗ ở để được hưởng ưu đãi. Hiện tượng này rất phổ biến. Điển hình là ở quận Kiến Nghiệp, Nam Kinh, một cặp vợ chồng trong chưa đầy 40 ngày 4 lần đến Văn phòng đăng ký hôn nhân làm thủ tục ly hôn, phục hôn, lại ly hôn, rồi lại phục hôn…

Ly hôn giả để tránh thuế bán nhà

Từ năm 2013 có quy định đánh thuế thu nhập tới 20% đối với việc các cặp vợ chồng bán nhà mới mua dưới 5 năm để hạn chế nạn đầu cơ nhà. Nhằm lách luật, các cặp vợ chồng chọn cách ly hôn giả, quy quyền sở hữu nhà cho 1 bên. Sau đó, người này sẽ kết hôn giả với người mua nhà rồi ly hôn sau khi giao quyền sở hữu nhà cho người mua. Đây là một kiểu trốn thuế tinh vi, nhưng khá phổ biến. Số liệu thống kê cho thấy, sau khi quy định này ra đời, chỉ 3 quý đầu năm 2013 ở Bắc Kinh đã có 39.075 cặp vợ chồng ly hôn, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia nhận định: Họ đua nhau ly hôn giả để tránh thuế thu nhập khi bán nhà.

Ly hôn giả để nhận trợ cấp

Theo điều lệ bảo đảm mức sống cho cư dân thành thị, các thành viên gia đình có thu nhập thấp hơn mức sống bình quân ở địa phương sẽ được trợ cấp. Một bộ phận gia đình có vợ (hoặc chồng) không đi làm lựa chọn cách ly hôn giả để người không có thu nhập được nhận trợ cấp, bảo hiểm chữa bệnh, miễn giảm tiền thuê nhà, miễn giảm học phí cho con…

Ly hôn giả để được sinh con thứ 2

Theo quy định của luật sinh đẻ mới, nếu một bên chưa có con thì vợ (hoặc chồng) đã có 1 con trước khi tái hôn, sẽ được sinh con thứ 2. Để lách luật, các cặp vợ chồng đã có con, sẽ ly hôn giả rồi người vợ kết hôn giả với người chưa có con để được “suất” sinh con thứ 2, sau đó sẽ ly hôn với chồng giả rồi phục hôn với chồng thật.

Nhiều người khi được hỏi tại sao lại đi làm việc đáng xấu hổ đó đã thẳng thắn: “Trong văn hóa Trung Quốc, ly hôn là việc mất thể diện, nhưng so với việc tài nguyên phân phối bất công và quyền lợi bị xâm phạm thì ly hôn giả là sự lựa chọn bất đắc dĩ và tốt hơn”.

MỚI - NÓNG