Lý do Thanh Hóa đứng thứ 2 trong nhóm các địa phương cả nước về giải ngân vốn đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Kịp thời giải quyết các vướng mắc, điều chuyển vốn, phân cấp phân quyền... là những giải pháp giúp Thanh Hóa là tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đứng thứ 2 trong nhóm các địa phương cả nước.

Lý giải về kết quả 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đứng thứ hai trong nhóm các địa phương của cả nước có tỷ lệ giải ngân vốn cao (sau tỉnh Nam Định), tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy vốn đầu tư công năm 2024 vừa diễn ra, ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết, bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm và linh hoạt, đồng thời sự nỗ lực, cố gắng của chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024.

Cụ thể như, công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn năm 2024 đã được HĐND tỉnh, UBND tỉnh và HĐND, UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện sớm, ngay từ cuối năm 2023, tạo điều kiện thuận lợi để các chủ đầu tư, các đơn vị triển khai thực hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2024.

Tỉnh thường xuyên rà soát, chỉ đạo, tổ chức họp giải quyết vướng mắc, nhất là những dự án lớn và có giải pháp với từng dự án cụ thể. Điều chuyển vốn, kiểm điểm trách nhiệm các chủ đầu tư, nhà thầu; đặc biệt là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về nguyên vật liệu, nguồn cung vật liệu, giải phóng mặt bằng, góp phần đẩy nhanh giải ngân vốn.

Lý do Thanh Hóa đứng thứ 2 trong nhóm các địa phương cả nước về giải ngân vốn đầu tư công ảnh 1

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy đầu tư công năm 2024, sáng 16/7.

Đáng chú ý, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện phân cấp, ủy quyền một số nội dung về đầu tư, xây dựng, đất đai cho cấp dưới nhằm tạo sự chủ động cho các đơn vị trong triển khai thực hiện các dự án, như: Ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất; xác định giá đất cụ thể để tính tiền đền bù GPMB; phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết, góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án.

"Trong cách chỉ đạo điều hành rất linh hoạt, có việc phải chủ động làm trước, có những việc làm song song, có việc phải làm đồng thời…", Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn chia sẻ kinh nghiệm trong việc chỉ đạo, thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Với kết quả giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 khả quan, nhưng Thanh Hóa “không chủ quan” trong chặng đường 6 tháng cuối năm. Hiện nay, Thanh Hóa tiếp tục tập trung xác định nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh sẽ tiếp tục duy trì, tăng cường, bám sát địa bàn của các tổ công tác cấp tỉnh, huyện nhằm giải quyết khó khăn vướng mắc kịp thời; giải quyết khó khăn tại mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công; điều chuyển vốn. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thực hiện kiểm soát chi vốn trong nước và đơn rút vốn nước ngoài của các nhà tài trợ bằng chứng từ điện tử, chữ ký số, đơn giản hóa quy trình kiểm soát chi và hồ sơ yêu cầu rút vốn; tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công...

Thanh Hoá cũng là một trong những tỉnh có giá trị tuyệt đối về giải ngân lớn, đứng thứ 3 (hơn 6.355 tỷ đồng) sau thành phố Hà Nội (hơn 22.561 tỷ đồng), thành phố Hồ Chí Minh (hơn 11.005 tỷ đồng).

MỚI - NÓNG