Năm 1977, Jo Ann Callis chụp bức ảnh người phụ nữ ngửa đầu ra sau để lộ chiếc cổ được thắt nơ bằng dây đai mảnh màu xanh lam của bộ đầm ren trắng mà cô đang mặc. Bức ảnh dễ dàng thu hút ánh nhìn, không chỉ bởi tư thế kỳ lạ của người phụ nữ trẻ, mà còn đến từ vết lằn đỏ nhạt gần sợi dây buộc cổ.
Mặc dù được tạo ra cách đây gần 5 thập kỷ, Woman with Blue Bow (Người phụ nữ đeo nơ xanh) dường như rất đương đại – biểu tượng vượt thời gian về sự khắt khe của nữ tính. Hiện, tác phẩm của nữ nghệ sĩ Mỹ đang nằm trong triển lãm nhóm Del Cielo tại phòng trưng bày Rosegallery ở Santa Monica, California, Mỹ. Trước đó, nó xuất hiện trong các cuộc triển lãm cá nhân của Callis suốt nhiều thập kỷ, cũng như trong cuốn sách Woman Twirling mà bà ra mắt năm 2009.
Woman with Blue Bow được xem là biểu tượng vượt thời gian về sự khắt khe của nữ tính. Ảnh: Jo Ann Callis. |
Callis là người tiên phong trong cả nhiếp ảnh dàn dựng và phim màu trong mỹ thuật. Tác phẩm đầu tiên của bà miêu tả chân dung đầy tâm lý và bóng tối của phụ nữ. Bà muốn sử dụng các sắc thái màu sắc để truyền đi cảm xúc mà bà không thể hiện được trên màu đen trắng. Nhân vật bà tạo ra thường giấu danh tính thông qua việc quay đầu và sử dụng máy ảnh crop-frame (khung ảnh bị cắt xén theo tỷ lệ tùy chỉnh). Đó là những hình ảnh ẩn chứa ham muốn và sự bí bách. Trong một bức ảnh, bàn tay đàn ông tóm lấy mắt cá chân của người phụ nữ đi giày cao gót đang đứng trên ghế. Bức ảnh khác chụp sau lưng người phụ nữ tóc vàng nằm trên giường, cơ thể cô bị chia cắt bởi đường màu đen kéo dài từ chân tóc xuống cột sống.
“Tất cả bức ảnh đó dường như đều mang lại cảm giác vui thích, nhưng chúng luân chuyển giữa sự khó chịu và thoải mái”, bà chia sẻ với CNN qua điện thoại.
Bà cho biết lý do người phụ nữ trong Blue Bow ngửa đầu là để tránh khuôn mặt lộ diện trước ống kính, với mục đích dùng một phụ nữ đại diện cho tất cả phụ nữ. Thời điểm đó, bà vừa ly hôn, đang đắm chìm trong suy nghĩ về những hạn chế mà bà trải qua trong cuộc đời và những kỳ vọng bị thu hẹp do giới tính bẩm sinh. Sau đó, bà quyết định học nhiếp ảnh tại trường cao học dù bận rộn nuôi hai con nhỏ.
“Thế giới mở ra với tôi. Khi tôi trở lại trường học, tôi cảm thấy thật tự do. Bạn biết đấy, đó chính là mục đích của công việc tôi theo đuổi - đơn giản là tự do và ràng buộc”, bà nói.
Callis thực hiện tác phẩm màu đầu tiên ở thời kỳ đỉnh cao của phong trào nghệ thuật nữ quyền, khi các nghệ sĩ như Cindy Sherman, Hannah Wilke và Ana Mendieta đang khám phá giới tính, quyền lực và chính trị thông qua hình ảnh cơ thể phụ nữ. Mặc dù Callis và công việc của bà phù hợp với nhóm này, nữ nhiếp ảnh gia không chủ đích đi theo hướng đó, thay vào đó thiên về cảm xúc cá nhân hơn. Tuy nhiên, bà vẫn chấp nhận diễn giải tác phẩm của mình dưới góc nhìn nữ quyền.
Bà tạo ra Blue Bow khi nghĩ về những năm tháng của chính mình tuổi thiếu nữ vào những năm 1950. Thời gian đó, tiêu chuẩn cho phụ nữ là mặc khung dưới váy, đôi khi có thêm ruy băng quanh cổ vào những dịp trang trọng. Bà đánh giá những trang phục đó gây ra cảm giác cực kỳ khó chịu. Giống như truyền thống bó chân kéo dài hàng thế kỷ ở Trung Quốc hay chiếc váy bút chì khiến khả năng di chuyển bị kìm hãm, thời trang dành cho phụ nữ phản ánh kỳ vọng mà xã hội áp đặt lên họ.
Tác phẩm màu đầu tiên của Callis (trái) khám phá những hạn chế và mong muốn cá nhân ở đỉnh cao của phong trào nghệ thuật nữ quyền. Với những bức ảnh đầy khiêu khích, bà muốn truyền tải cảm xúc thông qua màu sắc dù phim màu vẫn chưa được chấp nhận là tác phẩm nghệ thuật cách đây gần nửa thế kỷ. |
Callis giải thích vết đỏ trên cổ người mẫu ám chỉ sự không thoải mái (trên thực tế không phải do sợi dây tạo ra mà chỉ là hiệu ứng trang điểm). Dù thời gian qua đi, nó vẫn giữ nguyên giá trị. Trong các mối quan hệ hiện đại có nhiều sự bình đẳng hơn nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Đối với bà, mọi thay đổi vẫn chưa đủ để giải phóng phụ nữ, họ vẫn giữ vai trò chính trong chu toàn việc nhà và nấu nướng ngay cả khi có sự nghiệp riêng.
Nữ đạo diễn Sofia Coppola liên tục chĩa máy quay vào Blue Bow khi thực hiện bộ phim The Beguiled (2017), kể về ngôi trường dành cho nữ sinh vào thời Nội chiến Mỹ (1861-1865).
“Nó phù hợp với cảm giác thất vọng và bị mắc kẹt trong bối cảnh mang nhiều sự nữ tính của The Beguiled”, Coppola viết về bức ảnh trong cuốn sách phát hành vào tháng 9.
Ngoài ra, thông qua bức ảnh, Callis còn muốn truyền tải một thông điệp khác, thể hiện qua hai con chim chĩa mỏ vào nhau ở vai trái người phụ nữ. “Khi bạn đang ở trong một mối quan hệ, đó là sự cho và nhận. Bạn luôn từ bỏ thứ này để có được thứ khác”, bà giải thích.