Luyện thi theo hướng ra đề mới

 Đông đảo phụ huynh ghi danh tại Cơ sở ngoại ngữ - tin học - bồi dưỡng văn hóa Lê Hồng Phong (Q.5, TP.HCM) sáng 6.6 - Ảnh: Minh Luân (Thanh Niên)
Đông đảo phụ huynh ghi danh tại Cơ sở ngoại ngữ - tin học - bồi dưỡng văn hóa Lê Hồng Phong (Q.5, TP.HCM) sáng 6.6 - Ảnh: Minh Luân (Thanh Niên)
Vừa kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều học sinh đã tìm đăng ký lớp luyện thi tại các trung tâm bồi dưỡng văn hóa, luyện thi ĐH. Ở các trung tâm luyện thi thử, số học viên càng nhiều hơn.

Cùng lúc ôn ở nhiều nơi

Trong các ngày 5 và 6/6, hàng trăm phụ huynh, thí sinh chen chân nhau ghi danh tại Cơ sở ngoại ngữ - tin học - bồi dưỡng văn hóa Lê Hồng Phong (Q.5, TP.HCM). Có rất nhiều phụ huynh và thí sinh từ các tỉnh đến ghi danh tại đây.

Thu Hương (ngụ H.Cần Giuộc, Long An) nói: “Vừa thi tốt nghiệp xong, em lên đây liền để kịp đăng ký lớp luyện thi khối D. Em thi vào Trường ĐH Luật TP.HCM.

Đề thi năm nay có nhiều đổi mới, sát thực tế và bám thời sự, nhất là môn văn, vì vậy em tập trung ôn và tiếp cận với nhiều dạng đề loại này”. Đi luyện thi với Thu Hương còn có 4 bạn cùng lớp 12 tại Long An.

Nhiều phụ huynh có con là học sinh giỏi nhiều năm liền vẫn không an tâm và muốn đăng ký cho con luyện thi để giải được các dạng đề mà Bộ GD-ĐT đang đổi mới. Nhiều phụ huynh cho rằng đề thi vào ĐH sẽ khó hơn nhiều so với đề tốt nghiệp THPT nên cần phải luyện thi.

Bà Trần Thị Kim Cúc ngụ Q.8, có con gái là học sinh giỏi của Trường THPT Nguyễn Khuyến, Q.10, nói rõ: “Con cô học giỏi nhưng cô cũng lo. Phải cho con đi luyện thi mới an tâm”.

Bạn Võ Duy Phong, học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cũng đăng ký luyện thi ở cơ sở này. Phong cho biết: “Em chọn luyện thi ở đây vì có tổ chức thi thử ĐH. Chủ yếu em muốn thi thử xem khả năng của mình ra sao. Năm nay em thi Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch. Học lực các môn toán, hóa, sinh của em đều trên 9”. Được biết, hiện nay tại nhà Phong cũng học thêm 3 môn ấy.

Luyện... theo hướng mở

Nhân viên giáo vụ của nhiều trung tâm luyện thi cho biết đối với khóa luyện thi cấp tốc (khoảng 1 tháng), tình hình ghi danh có phần khả quan hơn.

Trung tâm luyện thi ĐH chất lượng cao QSC-45 (Q.1) đã tuyển được 5 lớp cho 5 khối A, A1, B, C, D (mỗi lớp gần 40 học viên). Trung tâm ngoại ngữ - bồi dưỡng văn hóa và luyện thi Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình) trong hai ngày 5 và 6/6 mỗi ngày ghi danh được một lớp khoảng 50 học viên. Trung tâm bồi dưỡng văn hóa - luyện thi Thành Đô trong 2 ngày qua cũng có khoảng 50 học viên đến đăng ký...

Học phí khóa luyện thi cấp tốc ở các trung tâm dao động từ 1,5 - 6 triệu đồng/học viên/khóa tùy thuộc vào cơ sở vật chất và sĩ số học viên.

Về nội dung, đại diện các trung tâm luyện thi cho biết đối với các môn văn, sử, địa sẽ có đề cương ôn tập các dạng đề theo hướng đổi mới (như đề THPT vừa ra).

Đồng thời, các trung tâm cũng tập trung ôn những câu hỏi liên quan đến vấn đề thời sự. Ngoài ra, nhiều trung tâm đẩy mạnh việc tổ chức thi thử cho học viên.

Học đến tận 3 giờ sáng

Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, vào thời điểm này, thí sinh chuẩn bị thi ĐH đang căng sức ôn luyện, có người thậm chí học đến tận 2 - 3 giờ sáng.

Hồng Đức (vừa học xong lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3), đang ôn thi tại Trường bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng cho biết: “Em ôn từ thứ hai đến chủ nhật.

Thường thì phải đến 12 giờ đêm em mới ngủ. Cũng có những hôm phải học đến 2 giờ sáng mới xong”.

Đức Huy, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong kể: “Em ôn 3 môn toán, lý, hóa. Thời gian học của em kéo dài từ thứ hai đến thứ bảy.  Đêm nào cũng vậy, phải 12 giờ em mới đi ngủ”.

Ôn tập hiệu quả

Một giáo viên môn hóa của Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP.HCM) cho biết: “Để ôn thi ĐH hiệu quả, các em cần hệ thống hóa kiến thức và bám sát sách giáo khoa lớp 12. Sau đó, nên thành lập bản đồ tư duy đối với từng môn học để dễ ôn, không nhầm lẫn kiến thức. Sau khi đã hệ thống kiến thức xong, cần ôn các bài tập nâng cao, giải đề thi ĐH đã ra trong các năm”.

Không nên học quá khuya, chỉ nên học đến 23 giờ thì đi ngủ, 5 giờ sáng thức dậy học tiếp. Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu học khuya quá, khả năng tiếp thu kiến thức sẽ bão hòa, không dung nạp hiệu quả được.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tài (Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) khuyên: “Cần phân bổ thời gian hợp lý ở các môn thi ĐH. Thức dậy sớm để học sẽ hiệu quả hơn học quá khuya. Những lúc căng thẳng, học sinh có thể đi dạo tới lui, hoặc tập thể dục nhẹ, nghe nhạc giải trí...”.

Luyện kỹ năng làm bài dạng mở

Đề ra theo hướng mở, đòi hỏi thí sinh phải nắm bắt các vấn đề thời sự xã hội. Nhưng nắm bắt không vẫn chưa đủ mà thí sinh còn phải có khả năng giải quyết yêu cầu của đề bài. Thí sinh cần phải luyện thêm kỹ năng làm bài các dạng này.

Giám đốc một trung tâm bồi dưỡng, luyện thi ĐH tại TP.HCM

Học chương trình cơ bản sẽ thiệt thòi

Nếu thi ĐH, thí sinh cần phải luyện thi, nhất là học sinh theo chương trình cơ bản. Điển hình như môn văn, học sinh học chương trình cơ bản không học các bài về Nguyễn Tuân, Xuân Diệu (chương trình nâng cao mới học). Nhưng đề ĐH vẫn ra câu hỏi liên quan đến các bài ấy nên học sinh theo chương trình cơ bản sẽ chịu thiệt thòi.

Thạc sĩ Hồ Hoài Khanh
(giáo viên văn Trường THPT Nhân Việt, TP.HCM)

Theo Minh Luân

Theo Thanh Niên
MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.