Các thí sinh đoạt giải chính thức trong các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc đã dự thi các môn văn hóa theo đề chung, đạt đủ điều kiện về ngưỡng đầu vào do Bộ quy định và không có môn nào bị điểm 0 sẽ được ưu tiên xét tuyển vào các trường. Tuy nhiên, các trường khối ngành này cho biết chưa năm nào có thí sinh được tuyển thẳng.
Từ năm 2013, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM không tuyển thẳng do không có ngành đúng và ngành gần môn đoạt giải trong danh mục ngành tuyển thẳng Bộ công bố.
Ngược lại, nhiều trường ĐH đào tạo ngành bác sĩ đa khoa sẽ tuyển thẳng không hạn chế thí sinh vào trường. PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết sẽ tuyển thẳng không hạn chế thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, Hội thi khoa học kỹ thuật do Bộ GD-ĐT tổ chức cấp quốc gia.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho hay trường chỉ tuyển thẳng thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba môn sinh học vào các ngành bậc ĐH. Riêng thí sinh đoạt giải khuyến khích môn này sẽ được tuyển thẳng vào ngành hộ sinh bậc CĐ.
Cũng theo quy định, thí sinh khuyết tật là đối tượng được các trường xem xét cho vào học. Thực tế mỗi trường có chính sách tuyển sinh khác nhau dành cho người khuyết tật.
Thạc sĩ Lê Ngọc Tứ, quyền Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nói: “Thí sinh khuyết tật đã tốt nghiệp THPT, có học lực 3 năm THPT và xếp loại tốt nghiệp THPT khá trở lên sẽ được hội đồng tuyển sinh xem xét cụ thể dựa trên tình trạng sức khỏe, năng lực học tập và ngành học thí sinh đăng ký”.
Trong khi đó, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM yêu cầu thí sinh khuyết tật phải có học lực 3 năm THPT đạt loại khá (riêng 3 môn theo khối thi của ngành xét tuyển phải đạt từ 7 trở lên).
Thí sinh có thị lực dưới 10% phải có xác nhận của trung tâm giám định y khoa cấp tỉnh, thành phố mới đủ tiêu chí xem xét tại hội đồng tuyển sinh trường.
Theo Hà Ánh