Lưu ý gì khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ?

0:00 / 0:00
0:00
Tiêm vắc xin cho trẻ em tại một trường THPT ở Bình Dương
Tiêm vắc xin cho trẻ em tại một trường THPT ở Bình Dương
TP - Từ tháng 11, Việt Nam sẽ triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi. PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, theo quy định, những trẻ bị bệnh bẩm sinh, mạn tính (ung thư, bệnh về máu, thận…), bị phản ứng dị ứng độ 3 với bất kỳ dị nguyên nào, trẻ có bệnh nền bắt buộc phải tiêm chủng vắc xin COVID-19 ở bệnh viện.

Theo PGS Điển, các bệnh nhi này bị suy giảm miễn dịch, khi di chuyển qua các môi trường có nguy cơ mắc bệnh, tử vong cao nên cần được tiêm ngay tại viện để giảm thiểu khả năng lây nhiễm. Tại bệnh viện, trẻ cần được khám sàng lọc có mắc bệnh bẩm sinh, mạn tính hay không; nghe tim, phổi bất thường; xác định phản vệ độ 3 với bất kỳ dị nguyên nào không".

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư thông tin, phản ứng sau tiêm vắc xin ở trẻ 12-17 tuổi hoàn toàn tương tự như người lớn. Sau tiêm, trẻ sẽ được theo dõi tại điểm tiêm 30 phút, tiếp tục theo dõi 28 ngày sau tiêm đặc biệt là trong vòng 7 ngày đầu. Lưu ý, trong vòng 3 ngày đầu sau tiêm luôn có người hỗ trợ 24/24 (bố mẹ, người giám hộ...). Đồng thời, trẻ cần tránh vận động mạnh. Hiện nay, trên thế giới có 36 quốc gia triển khai việc tiêm vắc xin cho trẻ em là loại vắc xin tương tự như loại Việt Nam cho phép sử dụng. Trong đó có 19 nước ở châu Âu như Anh, Pháp, Ý, Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Ba Lan… ; 6 quốc gia ở châu Mỹ như Hoa Kỳ, Canada, Brazil… Đối với khu vực châu Á, các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Australia, New Zealand cũng đã tiến hành tiêm vắc xin cho trẻ.

Về phản ứng sau tiêm vắc xin phòng COVID-19, PGS.TS Trần Minh Điển cho biết các phản ứng xảy ra cũng hoàn toàn tương tự như ở người lớn, phổ biến là đau đầu, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm. Trẻ cũng có thể bị ớn lạnh, sốt, mệt mỏi. Tuy nhiên chuyên gia lưu ý đối với vắc xin Pfizer, thường sau tiêm mũi vắc xin thứ 2 sẽ xảy ra phản ứng nhiều hơn mũi 1. Các phản ứng có thể xảy ra các phản ứng khác gặp trên tỷ lệ 1/10 trẻ hoặc 1/100 trẻ sau tiêm là buồn nôn, mẩn đỏ tại chỗ tiêm. Các phản ứng không phổ biến khác dưới 1/1.000 trường hợp là nổi hạch, mất ngủ, đau tứ chi, khó chịu, ngứa tại chỗ tiêm.

Theo các chuyên gia, những phản ứng tiếp theo rất hiếm gặp là viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim. Do đó trẻ sau khi tiêm được theo dõi tại điểm tiêm chủng 30 phút và tiếp tục theo dõi 28 ngày sau tiêm, đặc biệt là trong vòng 7 ngày đầu sau tiêm chủng. Việc theo dõi sau tiêm áp dụng như với người lớn.

Bác sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư) khuyến cáo, sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ, cha mẹ cần dặn dò con, cùng con kiểm soát, theo dõi kỹ phản ứng bất thường sau tiêm, thông báo cho y tế để được giúp đỡ, ghi nhận và đánh giá trường hợp của mình. Đặc biệt không tự điều trị, cần đến ngay viện.

MỚI - NÓNG
Ồ ạt đấu giá đất nền, cảnh báo hình thành các cơn 'sốt ảo'
Ồ ạt đấu giá đất nền, cảnh báo hình thành các cơn 'sốt ảo'
TPO - Bộ Xây dựng cho biết, việc nhiều địa phương đẩy mạnh tổ chức đấu giá đất nền tại các khu đô thị, khu dân cư mới thời gian qua được coi là một yếu tố có thể tác động giúp thị trường đất nền sôi động hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, chuyên gia cũng cảnh báo để tránh hình thành các cơn "sốt ảo", gây nguy cơ mất an toàn, khi thị trường còn đang trong tiến trình hồi phục.