Lương lãnh đạo thấp sao vẫn có nhà lầu, xe hơi, con học nước ngoài?

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Bùi Đặng Dũng
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Bùi Đặng Dũng
TPO - “Lương cán bộ lãnh đạo không đủ sống, nhưng tại sao con cái họ vẫn đi học ở nước ngoài, tại sao có biệt thự, xe con? Rõ ràng đang có chuyện sống bằng các nguồn thu nhập không chính thức, không công khai”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Bùi Đặng Dũng nói.

“8 giờ vàng ngọc” đang được sử dụng thế nào?

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Bùi Đặng Dũng chia sẻ với Tiền Phong những bất cập về thu nhập của cán bộ, công chức hiện nay. Theo ông Bùi Đặng Dũng, thu nhập của công chức, viên chức có mối quan hệ với trách nhiệm công vụ.

“Chúng ta thường nói mỗi ngày có “8 giờ vàng ngọc”, nhưng có ai làm hết 8h/mỗi ngày không? Chúng ta cũng đã nói nhiều về tình trạng "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về". Số lượng chính xác về công chức loại này là bao nhiêu vẫn còn nhiều ý kiến, song thực tế nó là như vậy”, ông Dũng nhìn nhận.

Theo Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách, có thể khuyến khích cán bộ, công chức viên chức làm ăn, kiếm tiền chân chính, nhưng "giữa trách nhiệm công vụ và trách nhiệm kiếm sống, làm giàu phải phân biệt cho rạch ròi": "Trách nhiệm công vụ chưa rõ, chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng  bỏ bê công việc đi kiếm sống bên ngoài".

Trả lời cho câu hỏi "lương công chức thấp, tại sao người ta không bỏ nhà nước, ra ngoài tập trung kiếm tiền?", ông Dũng cho rằng, có tình trạng “bám” nhà nước, coi như đó như một thứ bảo hiểm, một điểm tựa tạo dựng những mối quan hệ xã hội để "làm ăn".

Ông Bùi Đặng Dũng đặt vấn đề: Không chỉ lương của cán bộ công chức bình thường, ngay cả mức lương của cán bộ lãnh đạo cũng khó sống.

"Thế nhưng, tại sao con cái họ vẫn đi học ở nước ngoài, tại sao họ đều có biệt thự, xe con? Rõ ràng có chuyện người ta đang sống bằng các nguồn thu nhập không chính thức, không công khai, nhưng cũng chẳng phải tham nhũng.

Người làm lãnh đạo, chỉ cần ký cho một dự án nào đó thôi, thế là như "luật bất thành văn", người ta đến cám ơn, hoa hồng, lại quả, rồi quà cáp vào mỗi dịp lễ, tết… Từ đó, họ đã có một khoản thu nhập lớn. Đó là một hiện tượng xã hội phổ biến hay đặc thù? Rõ ràng có điều gì đó bất bình thường.

Tất nhiên, người ta tìm đến và biếu nhau gói chè, cân gạo, hay còn gà, bao thuốc theo kiểu truyền thống, uống nước nhớ nguồn thì lại khác. Nhưng giờ người ta không cảm ơn như vậy, dù báo chí dư luận phản ánh, phê phán nhiều, nhưng xã hội vẫn chưa dẹp được”, ông Dũng nói.

Không vòi vĩnh cũng tự tìm đến biếu xén, quà cáp

Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách chia sẻ, khi đi giám sát một loạt các đơn vị hải quan, thuế, ông từng nghe được những thông tin về thu nhập ngoài luồng của công chức.  

“Qua trao đổi với cán bộ, họ nói nhiều khi không phải là vòi vĩnh, nhưng người ta vẫn tìm đến biếu xén, quà cáp. Một cán bộ thuế được giao phụ trách quản lý 100 doanh nghiệp chẳng hạn. Thế là tự nhiên cứ mỗi dịp lễ, tết, rồi cả ngày sinh nhật, kể cả là sinh nhật của vợ, của con, người ta cứ tự nguyện tìm đến “chúc mừng”.

Mỗi người dăm trăm, một triệu, thế là đã có hàng trăm triệu rồi. Mỗi năm vài lần như thế, thử hỏi gấp bao nhiêu lần thu nhập nơi khác? Thử hỏi tiền lương có thấm tháp gì? Lương ba cọc ba đồng thì có thể chỉ ra được, nhưng chuyện “đi đêm” thì không thể nói, không thể biết được”, ông Dũng cho hay.

Theo Phó Chủ nhiệm Bùi Đặng Dũng, cần đưa ra một cơ chế bình đẳng về thu nhập của cán bộ, công chức, không có chuyện riêng, đặc thù.

“Bây giờ ngành ngành, nghề nghề, người người đều đề xuất những cơ chế đặc thù để cải thiện trong bối cảnh lương thấp. Như thế không đảm bảo công bằng. Cần bỏ hết cơ chế đặc thù để tính đúng tính đủ cho toàn bộ công chức”, ông Dũng nêu.

MỚI - NÓNG