Biếu xén nhiều, phát hiện chẳng bao nhiêu

Phó tổng TTCP Trần Đức Lượng khẳng định tình trạng hối lộ, lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền vẫn diễn ra phổ biến
Phó tổng TTCP Trần Đức Lượng khẳng định tình trạng hối lộ, lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền vẫn diễn ra phổ biến
TP - Ngày 11/9, Ủy ban Tư pháp họp phiên toàn thể để thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2015. Hầu hết các ý kiến đều khẳng định, tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn phổ biến, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền…

Phổ biến hối lộ, chạy chọt, lót tay để được việc

Theo ông Trần Đức Lượng, Phó tổng Thanh tra Chính phủ, từ đầu năm đến nay, qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành Thanh tra đã phát hiện 100 vụ, 172 đối tượng có hành vi tham nhũng với số tiền 50,7 tỷ đồng. Lực lượng Cảnh sát điều tra các cấp đã thụ lý hàng trăm vụ, với trên 821 bị can phạm tội về tham nhũng… Các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2015 gây thiệt hại khoảng trên 950 tỷ đồng và 9.885m2 đất. Qua đấu tranh các cơ quan chức năng đã thu hồi cho nhà nước trên 505 tỷ đồng và 2.887m2 đất…

Đánh giá về tình hình tham nhũng, ông Lượng cho rằng vẫn diễn ra phức tạp. Tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn phổ biến, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền, nhất là trong các ngành, lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc, giải quyết công việc liên quan tới người dân, doanh nghiệp. Tình hình tham nhũng trong khu vực công vẫn còn nghiêm trọng, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai, tài nguyên - khoáng sản, dịch vụ và đầu tư công. Thống kê của Thanh tra Chính phủ cho thấy, trong thời gian qua chỉ có có 22 người nộp lại quà biếu với số tiền 89 triệu đồng. “Kết quả này cho thấy, việc thực hiện quy chế tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng vẫn còn hình thức trong khi tình trạng tặng quà, biếu xén để vụ lợi diễn ra khá phổ biến”.

“Tôi cho rằng chúng ta có làm thật và làm mạnh hay không mà thôi. Tôi thấy các giải pháp Chính phủ trình bày chủ yếu là phòng ngừa, nhưng lại thiếu giải pháp “đánh án”, tấn công tham nhũng”.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng

Cũng theo ông Lượng đã xuất hiện tình trạng tham nhũng có tính lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực. Thủ đoạn tham nhũng cũng ngày càng tinh vi hơn, có tính chất tổ chức. Mức độ tham nhũng lớn, một số vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thất thoát một lượng lớn tài sản của nhà nước. “Tham nhũng vẫn là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay, vẫn là một nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội”, ông Lượng nhấn mạnh.

Vị Phó tổng Thanh tra Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, trong công tác PCTN hiện nay vẫn còn rất nhiều bất cập từ thể chế, như việc rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung khắc phục những sơ hở, bất cập của chính sách, pháp luật vẫn còn chậm. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp… Đặc biệt về việc thu hồi tài sản tham nhũng, theo ông Lượng còn nhiều bất cập. Nguyên nhân do trong giai đoạn điều tra ban đầu khó có thể xác định được số tài sản bị chiếm đoạt. Nhiều trường hợp hành vi tham nhũng xảy ra thời gian khá lâu mới bị phát hiện, đối tượng đã cất giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản, thậm chí đã sử dụng phần lớn tài sản, tiêu xài hoang phí nên khi bị phát hiện không còn khả năng khắc phục hậu quả.

Chủ yếu phòng ngừa, Thiếu tấn công

Dự báo về tình tình tham nhũng trong thời gian tới, ông Lượng cho rằng vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố tiêu cực, nguy cơ phát sinh tham nhũng. Những nguy cơ đến từ việc thực hiện  chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, xử lý nợ xấu, hoàn thuế VAT… “Tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích”, ông Lượng nói.

Để công tác đấu tranh PCTN có hiệu quả hơn trong thời gian tới, Chính phủ khẳng định sẽ tiến tới kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Kiểm soát chặt chẽ việc thu, chi ngân sách, chi tiêu công, nhất là mua sắm và đầu tư công. Bổ sung đồng bộ những quy định về thu hồi tài sản tham nhũng. Bên cạnh đó, sẽ tổng kết và tiến hành sửa đổi toàn diện Luật PCTN, trong đó sẽ tính đến việc kiện toàn tổ chức, bộ máy của các cơ quan, đơn vị chuyên trách về PCTN, cũng như đảm bảo tính độc lập tương đối của các cơ quan, đơn vị trên.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng cho rằng, kết quả chống tham nhũng vẫn chưa đạt được như mong muốn. Theo ông Hồng, trước đây khi nói đến PCTN còn hạn chế, các cơ quan thường đổ lỗi cho cơ chế, bây giờ lại đổ lỗi cho thể chế? “Tôi cho rằng chúng ta có làm thật và làm mạnh hay không mà thôi. Tôi thấy các giải pháp Chính phủ trình bày chủ yếu là phòng ngừa, nhưng lại thiếu giải pháp “đánh án”, tấn công tham nhũng”, ông Hồng nói.

Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp thì tỏ ra băn khoăn khi nhận thấy, báo cáo đánh giá của Chính phủ cho rằng “tham nhũng vẫn nghiêm trọng, là một trong những vấn đề gây bức xúc nhất cho xã hội”. Nhưng trong số 19 báo cáo của các bộ, ngành, địa phương thì có 7 đơn vị đánh giá tham nhũng ít nghiêm trọng; 4 nói rằng không nghiêm trọng. Phó viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong  đề nghị, nếu nhận định tham nhũng liên kết thành các nhóm lợi ích thì cần phải chứng minh xem có những nhóm nào, ai là nhóm trưởng, nhóm phó…    

Chỉ có 5 trường hợp bị phát hiện vi phạm kê khai tài sản

Có 1.225 người thuộc diện kê khai tài sản phải xác minh tài sản, thu nhập (năm 2014 chỉ có 5 người), trong đó phát hiện 5 người kê khai không trung thực, trong đó Bộ GTVT có 1 trường hợp, Cà Mau 2 trường hợp, Thanh Hóa 1, Bình Thuận 1. Hiện cơ quan chức năng đã xử lý kỷ luật 2 người, còn 2 trường hợp tại tỉnh Cà Mau và một trường hợp tại tỉnh Bình Thuận đang xem xét.

 (Trích báo cáo công tác 

Phòng chống tham nhũng của Chính phủ)

MỚI - NÓNG