Sáng 3/12, tại hội thảo “Industry 4.0: Cưỡi trên sóng hay chìm trong sóng?” diễn ra ở Hà Nội, ông Chu Tuấn Anh - Giám đốc hệ thống đào tạo lập trình viên Aptech - khẳng định cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cho người lao động nhiều cơ hội, đặc biệt trong ngành Công nghệ Thông tin (CNTT).
Ông Đinh Văn Hoàn - Phó giám đốc phòng phát triển Công ty IFI Solution, cho biết hiện tại, 2.000 USD là mức lương cơ bản cho lập trình viên có kinh nghiệm từ 2 đến 3 năm. Tuy nhiên, không ít bạn trẻ nhận mức lương này ngay khi tốt nghiệp.
Ông Hoàn nhận định thời nay, các bạn trẻ đạt được mức lương trên nhanh hơn so với thế hệ trước. Bản thân ông mất khoảng 5 năm để được nhận 2.000 USD/tháng khi là trưởng dự án.
Theo ông Nguyễn Hòa, nhà đồng sáng lập kiêm phụ trách công nghệ của Công ty Cổ phần Phần mềm Siten, sinh viên mới ra trường khó nhận được mức lương khởi điểm 2.000 USD nhưng đây không phải ước mơ viển vông, không thể thực hiện.
Một số công ty sẵn sàng trả cho người mới tốt nghiệp mức lương này nhưng họ phải xuất sắc. Người lao động phải mang lại lợi nhuận tối thiểu 3.000 USD mới có thể yêu cầu nhà tuyển dụng trả họ 2.000 USD/tháng.
Ông dẫn chứng Google sẵn sàng trả lương 5, 6 con số cho người mới nhưng đó đều là nhân sự rất giỏi.
Ông Nguyễn Anh Việt, Trưởng phòng Nhân sự, Công ty Cổ phần Phần mềm Citigo, cho hay trong lĩnh vực CNTT, nhiều sinh viên làm việc từ xa với công ty nước ngoài và thu nhập hơn 2.000 USD/tháng từ lúc chưa tốt nghiệp.
Muốn lương cao hãy chứng minh mình giỏi
Ông Nguyễn Hòa cũng đánh giá cao câu hỏi của nữ sinh Học viện Kỹ thuật Mật mã về việc học và làm như thế nào để được nhận lương 2.000 USD/tháng. Tuy nhiên, ông cho rằng lương khởi điểm không đánh giá nhiều mức độ thành công của người làm ngành IT. Nó chỉ phản ánh năng lực ban đầu của họ.
Thực tế, không ít bạn trẻ khởi nghiệp làm không công, thậm chí bỏ tiền túi, không thu lại được gì trong thời gian đầu. Lương khởi điểm rất thấp nhưng cuối cùng, họ lại thành công lớn và thu nhập vượt xa con số 2.000 USD.
Theo một số chuyên gia CNTT, trong ngành này, đa số người có năng lực không quá xuất sắc sẽ đạt mức lương 2.000 USD sau 4-5 năm làm việc. Điều quan trọng không nằm ở chỗ có bao nhiêu công ty trả mức lương đó cho sinh viên mới ra trường, mà các tân kỹ sư có sẵn sàng đón nhận thử thách.
Ông Đinh Văn Hoàn cho biết trước khi nghĩ đến chuyện kiếm được bao nhiêu tiền, ông đã nỗ lực học tốt, nắm vững kiến thức chuyên môn, đăng ký học tại chức tiếng Anh và đi trước bạn bè khi học thêm tiếng Pháp. Ông luôn tâm niệm cơ hội đến bất cứ lúc nào nên phải chuẩn bị sẵn sàng để nắm bắt.
Theo các nhà tuyển dụng ngành CNTT, sự tích cực, chủ động là yêu cầu bắt buộc để thành công. Nhiều người tìm kiếm cơ hội thực tập, chấp nhận công việc vất vả, lương bèo bọt chỉ để học thêm kiến thức từ người đi trước.
Ngoài ra, như lời ông Nguyễn Hòa, dân IT cần thêm chút liều lĩnh. Ông kể thời đi học, dù chưa được học về ASP (nền tảng ứng dụng web do Microsoft phát triển và cung cấp), ông cùng một bạn mạnh dạn nhận làm dự án thiết kế web. Hai người tìm đọc giáo trình, tự mày mò rồi hoàn thành công việc.
Sau này, ngay khi tốt nghiệp, nhận thấy triển vọng của ngành CNTT, ông Hòa lập doanh nghiệp về IT.
Song ông cũng thẳng thắn chia sẻ để thành công, ngoài trình độ chuyên môn tốt, người lao động cần chút may mắn, chớp đúng thời cơ doanh nghiệp có dự án cần thực hiện.
“Các bạn cần liều lĩnh, dám làm, nắm bắt cơ hội. IT cần sự trải nghiệm, người trẻ đừng ngại nhận công việc. Đó là cơ hội để bạn chuẩn bị tốt hơn cho cơ hội lần sau”, ông Hòa nói.
Về vấn đề lương 2.000 USD có là mong ước viển vông, ông Hoàn khẳng định nó chỉ là ảo tưởng khi người lao động không có gì để bán cho doanh nghiệp nhưng lại đòi hỏi lương cao.
Ngoài ra, ông cho rằng trước khi đặt mong muốn về lương, sinh viên nên đặt mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng, lên kế hoạch, phấn đấu để đạt mục tiêu đó.
“Thế hệ chúng tôi thường đặt mục tiêu nghề nghiệp lên đầu, trải qua quá trình cống hiến rồi mới nhắc đến chuyện thu nhập. Sinh viên đặt mức lương khởi điểm trước khi biết mình muốn gì, làm gì có vẻ phi logic”, ông Hoàn nói.
Luyện Đức Mạnh, sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội, kể khi mới nghe đến con số 2.000 USD, cậu cảm thấy đây là ước mơ xa vời. Như phần lớn bạn trẻ khác, Mạnh chỉ đặt mục tiêu có việc làm sau khi tốt nghiệp.
Mạnh kể thêm thầy giáo mình từng hỏi sinh viên rằng họ học trường hàng đầu Việt Nam mà chỉ đặt mục tiêu có việc làm, lương tháng 10 triệu đồng thì “có thấy nhục không”.
Thầy giáo đó cũng khẳng định con số 2.000 USD/tháng không có gì khó thực hiện. Vấn đề nằm ở chỗ sinh viên không tin ở chính mình nên không cố gắng. Bản thân cậu cũng đặt mục tiêu lương khởi điểm 10 triệu đồng/tháng và tăng lên 2.000 USD/tháng sau một đến hai năm làm việc.