> Sẽ kiểm tra việc trả lương của ngành điện
Bởi thực tế, mức bình quân ấy có được nhờ sự “san sẻ” từ phần lương "khủng" của lãnh đạo bù đắp cho mức lương “lẹt đẹt” của công nhân trong ngành.
Lương công nhân ngành điện thực tế thấp hơn nhiều mức bình quân 7,3 triệu đồng/tháng - Ảnh: Ngọc Thắng (Thanh Niên). |
“Đào đâu ra mức lương trên 7 triệu đồng/tháng”
Ông Dương Quang Thành, Phó tổng giám đốc Tập đoàn điện lực VN khẳng định, lương công nhân ngành điện khoảng 3-4 triệu đồng/tháng, lương kỹ sư nhiều đơn vị trong ngành khoảng 5-6 triệu đồng/tháng.
Theo tìm hiểu, bảng tính lương năm 2011 của Công ty điện lực Thường Tín (trực thuộc Tổng công ty điện lực Hà Nội), ngoài khoản chi trả theo hệ số nhà nước, cộng thêm quỹ lương của công ty, lương kỹ sư điện bậc 3 trong ngành mới đạt 4,7 triệu đồng/tháng. Anh H., trưởng ca điều hành lưới điện tại Điện lực Đan Phượng (Hà Nội) cho biết, với thâm niên 3 năm trong ngành, lương anh đang ở mức xấp xỉ 3 triệu đồng/tháng.
Lương lãnh đạo phải tăng thấp hơn năng suất bình quân Theo dự thảo “Đề án đổi mới quản lý tiền lương, tiền thưởng trong tập đoàn, tổng công ty nhà nước và chế độ tiền lương, tiền thưởng đối với người quản lý phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước” do Bộ LĐ-TB-XH soạn thảo, mức tăng tiền lương bình quân của viên chức quản lý sẽ phải thấp hơn tốc độ tăng năng suất lao động bình quân và tối đa bằng mức tăng lương bình quân của người lao động trong doanh nghiệp. Trên cơ sở quỹ tiền lương, hằng tháng viên chức quản lý được tạm ứng 70% tiền lương tính theo tháng, 30% còn lại được chi trả vào cuối năm theo quyết định của chủ sở hữu (nhà nước) đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao. |
Một cán bộ của một công ty điện lực ở miền Tây Nam bộ (xin không nêu tên), cũng thốt lên: "Ở công ty tôi, làm gì đạt được mức trung bình đó. Tôi là trưởng phòng mà thu nhập chưa tới 6 triệu đồng/tháng”. Ông cho biết, nhân viên văn phòng và công nhân kỹ thuật ở đây thu nhập bình quân khoảng 3,5 triệu đồng/tháng.
Thu nhập đó bao gồm lương cơ bản nhân với hệ số lương theo quy định, cộng với tiền ăn giữa ca, tiền xăng dầu (có nơi phát phiếu). Riêng công nhân kỹ thuật, tùy theo lĩnh vực - có thể còn có thêm phụ cấp độc hại (như công nhân vận hành các nhà máy điện, lưới điện cao thế), tiền làm ngoài giờ; cán bộ quản lý thì có thêm tiền điện thoại hằng tháng, khoảng vài trăm nghìn đồng.
Nhiều nhân viên đang làm việc tại Tổng công ty điện lực TP.HCM (EVN HCMC - trực thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam) khẳng định, mức lương của mình thực tế không tới con số trên 7 triệu đồng/tháng. Thậm chí, thấp hơn khá nhiều.
Anh Định, đã có trên 20 năm làm việc trong ngành điện, hiện là nhân viên cắt điện (trực tiếp đi hiện trường) tại Điện lực Sài Gòn cho biết, mức thu nhập mà cơ quan trả cho anh hiện khoảng 6 triệu đồng/tháng. Đây là mức khá cao so với nhiều đồng nghiệp của anh.
Trong khi đó, chị Cẩm Tú, làm việc tại Văn phòng Điện lực Sài Gòn đã 3 năm, nhưng cộng tất cả các khoản cũng chỉ 3,2 triệu đồng/tháng. Những người mới vào, lương chỉ trên 1 triệu đồng/tháng.
Theo chị Tú, ở cơ quan chị có nhiều mức lương khác nhau, phụ thuộc vào công việc cụ thể của mỗi người. Mức lương còn phụ thuộc vào trình độ học vấn, bằng cấp chuyên môn của từng người nhưng “đào đâu ra mức lương trên 7 triệu đồng/tháng”.
Đó là lý do nhiều công nhân, kỹ sư, thậm chí cán bộ của ngành điện cảm thấy oan uổng khi ông Tổng giám đốc EVN công bố mức lương bình quân ngành điện năm 2009 là 7,3 triệu đồng, năm 2010 khoảng 7 triệu đồng/tháng. Sở dĩ có mức chênh lệch giữa thực tế lương và bình quân lương theo khẳng định của lãnh đạo EVN là do lương công nhân ngành điện không cao, nhưng thu nhập lãnh đạo thuộc hàng “khủng”.
Trước câu hỏi của phóng viên về lương lãnh đạo ngành điện cao gấp chục lần lương nhân viên hay không, ông Dương Quang Thành từ chối cung cấp thông tin.
Điện lời thấp, lương cao
Chuyện cân đối giữa lợi nhuận/lỗ của ngành điện với mức lương chi trả cũng có vấn đề nếu so sánh tương quan với các ngành khác. Cụ thể, năm 2009 là năm EVN đạt lợi nhuận trên 2.000 tỉ đồng, mức lương chi trả cho khoảng 90.000 cán bộ công nhân viên bình quân là 7,3 triệu đồng/người/tháng.
Trong khi đó, Tập đoàn Than khoáng sản VN (Vinacomin) năm 2009 lợi nhuận khoảng 3.000 tỉ đồng, mức thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 5,4 triệu đồng/tháng, chia cho 126.000 lao động trong ngành.
Với lợi nhuận 1.200 tỉ đồng, năm 2009, thu nhập bình quân của người lao động tại Tổng công ty xăng dầu VN (Petrolimex) cũng chỉ 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2010, ngành điện tuyên bố lỗ nặng tới 10.162 tỉ đồng, nhưng lương bình quân vẫn là 7 triệu đồng/người/tháng. Trong khi đó, Vinacomin thu 6.000 tỉ đồng lợi nhuận, nhưng thu nhập bình quân của 132 ngàn cán bộ công nhân vẫn kém ngành điện với 6,2 triệu đồng/tháng.
Một chuyên gia trong ngành cho rằng, cần xem xét lại quỹ lương thưởng của EVN, đặt trong bối cảnh hiệu quả đầu tư thấp và nhu cầu vốn rất lớn của ngành này. Điều này hoàn toàn hợp lý nếu nhìn lại năm 2008, EVN từng bị dư luận lên án khi đòi trích 1.000 tỉ đồng cho quỹ phúc lợi xã hội, trong khi chỉ định dành 1.400 tỉ đồng lợi nhuận cho đầu tư.
Bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, quản lý tiền lương được xây dựng theo cơ chế thị trường, doanh nghiệp tự chủ trong việc xác định chi phí tiền lương, không hạn chế mức thu nhập tối đa đối với lao động kỹ thuật cao, quản lý tài năng.
Cụ thể, với EVN, lương của các công ty con do công ty mẹ chịu trách nhiệm quản lý. Do đặc thù ngành điện chủ yếu là lao động kỹ thuật, lao động nặng nhọc độc hại và nguy hiểm, nếu không xây dựng mức lương thỏa đáng thì khó có thể thu hút lao động làm việc.
Tuy nhiên, trước chênh lệch lương thực tế của công nhân và lãnh đạo trong mức lương bình quân 7,3 triệu đồng/người/tháng, bà Minh cho biết đã yêu cầu EVN có văn bản báo cáo gửi Bộ LĐ-TB-XH trong vài ngày tới.
Thu nhập của lãnh đạo ít được công khai Trao đổi với phóng viên báo Thanh Niên, ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm thông tin và quan hệ công chúng, thuộc Tập đoàn bưu chính - viễn thông (VNPT), cho biết, hiện nay thu nhập trung bình của cán bộ, công nhân viên VNPT đạt mức khoảng 6 triệu đồng/người/tháng. Nhưng giữa lĩnh vực bưu chính và viễn thông có sự chênh lệch khá lớn. Sau khi chia tách thành hai khối riêng biệt, thu nhập bình quân lĩnh vực bưu chính ở mức khoảng 4 triệu đồng/người, trong khi đó ở khối viễn thông con số này là khoảng 7 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập trung bình của các cấp lãnh đạo thì đạt gấp 3 - 4 lần mức trung bình hoặc cao hơn tùy theo quy mô, cấp lãnh đạo. Tuy nhiên, trên thực tế thu nhập của lãnh đạo cấp cao VNPT cũng như nhiều tập đoàn khác hầu như không được công khai. Một nguồn tin của Thanh Niên từ VNPT cho rằng mức chênh lệch của lãnh đạo cấp cao và mức trung bình ở VNPT có thể dao động từ 10 - 20 lần. Tương tự, thu nhập bình quân của công nhân ngành than hiện là 6,2 triệu đồng/người/tháng, với một tỷ lệ rất nhỏ công nhân bậc cao trực tiếp làm hầm mỏ, mức lương có thể xấp xỉ 10 triệu đồng/tháng, còn lại phổ biến là từ 5-6 triệu đồng/người/tháng, bất chấp môi trường làm việc độc hại. Trong khi đó, nguồn tin của Thanh Niên cũng cho biết, lương lãnh đạo cấp cao và trung bình tại các đơn vị trực thuộc cũng như trong Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam dao động gấp 10 - 20 lần mức lương trung bình ngành. |
Theo Thanh Niên