Từ đây, các nhà khoa học chúng ta bắt đầu có việc để làm. Hai dự án nối tiếp nhau, đầu tiên là mua lại (của dân) 10 cô cậu bò “lai tót” con đem nhốt vào trại, cho chúng quan hệ với nhau với hy vọng sẽ đẻ ra một đàn bê “lai tót” (F2) mang trong mình 50% dòng máu bò tót. Nhưng hết năm này qua năm khác mà các nàng chẳng chịu đẻ đái gì. Duy nhất một chàng F1 trong một lần sổng trại đã “tranh thủ” vào làng khiến một nàng bò nhà có bầu, rồi sinh hạ một nàng bê F2. Nàng “bê tót” con này sau đó được các nhà khoa học mua lại (cũng của dân), cho nhập trại, để bây giờ câu chuyện tiếp tục với con số 11.
Đến đây, dự án nghiên cứu khoa học thứ hai ra đời, lần này là cho các chàng F1 kể trên phối giống với bò cái thường bên ngoài để cho ra thế hệ 25% máu bò tót. Tiến tới tạo ra giống bò có 12,5% máu bò tót để thành thương phẩm lấy thịt. Nhưng rốt cuộc chỉ có nàng “bê tót” F2 út ít là tình cờ dính bầu với chàng bò nhà si tình nào đó trong làng!
Và kết quả như mọi người mấy ngày nay đọc báo đã biết, đã hơn một năm qua, sau khi dự án tiêu hết tiền, các nhà khoa học rút đi, đàn bò “lai tót” bị bỏ lại chỉ còn da bọc xương, đứng không nổi vì đói. Chỉ nhai rơm cầm cự qua ngày, mà rơm cũng không đủ để nhai. Riêng nàng “bê tót” F2 vì đang mang bầu, nên được người dân nhốt chung với bò nhà, còn có cái để ăn.
Hai dự án kéo dài hơn 10 năm trời với chi phí ngân sách trên 5 tỷ đồng. Cho ra kết quả là 2 cú “sinh con ngoài ý muốn”!
Yuval Noah Harari viết rằng con người cổ xưa đi tìm kiếm thức ăn không ngừng tự hỏi con hươu mơ thấy gì, con sử tử nghĩ gì. Như những kẻ đồng đẳng. Để còn biết cách săn con hươu và thoát khỏi nanh sư tử. Trải qua các cuộc Cách mạng nông nghiệp và Cách mạng khoa học, con người vượt xa quyền lực của các vị thần cổ đại. Với 90% loài vật trở thành thú nuôi, loài người bắt loài vật và cỏ cây phải câm lặng phục tùng, và mặc sức bóc lột, hành xử dã man.
Nhưng có khi nào con người nghĩ rằng chính mình cũng nguy cơ trở thành một loại “động vật cấp thấp”, khi bị các chương trình máy tính đạt được trí khôn và năng lực siêu phàm thống trị và chăn dắt?
Lời cảm ơn cuối cuốn “Homo Deus: Lược sử tương lai”, Yuval Noah Harari đã “rất cảm kích và biết ơn” 3 con chó Chamba, Pengo và Chili của mình “vì đã mang lại một cách nhìn của loài vật họ chó về một số quan điểm và giả thuyết chủ đạo trong sách này”.
Còn 11 thân phận bò “lai tót” ở Ninh Thuận ngày ngày chờ ban phát những nắm rơm khô chết đói, và mòn mỏi hoài niệm về những phút giây vui sướng hiếm hoi ngoài trại thí nghiệm.