Lún nứt đất nguy hiểm ở Đà Lạt: Chuyên gia Nhật nhập cuộc

Chuyên gia Nhật Bản Kanno Takami (bìa trái) tại hiện trường
Chuyên gia Nhật Bản Kanno Takami (bìa trái) tại hiện trường
TPO - Chiều 27/4, đoàn chuyên gia của Công ty Cổ phần địa chất Kawasaki (Nhật Bản), Khoa địa chất (Đại học Bách khoa TPHCM) và các sở, ngành liên quan của tỉnh Lâm Đồng đã đi thực tế hiện trường để tìm nguyên nhân sự cố nứt đất đe dọa hàng chục căn nhà ở trung tâm thành phố Đà Lạt.

Đoàn đã tiến hành khảo sát 13 căn nhà bị lún, nứt trên các tuyến phố Nguyễn Văn Trỗi và Trương Công Định (phường 2, Đà Lạt), khoan thăm dò địa chất…

Ông Kanno Takami (Cty CP địa chất Kawasaki) cho rằng phải tiến hành khảo sát toàn bộ khu vực xảy ra sự cố và có thể mở rộng ra các khu vực phía trên và dưới mới có thể xác định chính xác nguyên nhân. Trước mắt, công ty sẽ lắp đặt máy quan trắc tự động để nắm bắt kịp thời các hiện tượng phát sinh.

Cũng theo ông Kanno Takami, khu vực xảy ra sự cố có hàng trăm người dân sinh sống nên phải có giải pháp khẩn cấp để bảo đảm an toàn.

Làm việc với đoàn chuyên gia, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S nói khu vực này không có công trình đang thi công, không có xe tải trọng lớn lưu thông, không nằm trong đới đứt gãy địa chất…

Lún nứt đất nguy hiểm ở Đà Lạt: Chuyên gia Nhật nhập cuộc ảnh 1

Sửa đường ống nước bị hỏng do sự cố lún nứt đất

Tuy nhiên phần lớn các công trình xây dựng tại khu vực này có kết cấu móng đơn, có thể xảy ra tình trạng trượt đất do mưa lớn kéo dài và nếu một công trình kết cấu gặp sự cố có thể làm ảnh hưởng đến nhiều nhà khác. Ngoài ra, người dân cho biết 50 năm trước, khu vực này là bãi rác tự phát...

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Võ Ngọc Trình, ngày 27/4 có hai căn nhà bị nứt thêm kèm hiện tượng nước xì lên từ nền. “Hôm qua chỉ có vết nứt nhỏ ở chân tường nhưng đến trưa nay xuất hiện vết nứt dài trên tường, hở khoảng 1cm. Chúng tôi phải đề nghị chính quyền cho gia đình tạm di dời”, bà Trương Thị Thu Thủy (nhà số 94/12 Trương Công Định) nói.

Căn nhà của bà Đồng Thị Bích Hằng, cách nhà bà Thủy khoảng 15m  cũng bị nứt nhiều chỗ, cửa bị xê dịch không thể đóng, mở.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc đề nghị đoàn khảo sát sớm có thông tin ban đầu để thông báo cho người dân biết. Sau khi có kết luận chính thức nguyên nhân sự việc, địa phương sẽ có phương án xử lý lâu dài.

Thành phố Đà Lạt đã lắp chuông báo động để kịp thời thông báo cho dân khi có tình huống khẩn cấp; bố trí lực lượng túc trực thường xuyên để hỗ trợ người dân.

Như báo Tiền Phong đã phản ánh, sự cố lún nứt đất bắt đầu xảy ra vào đêm 25/4. Đến nay có tới  47 hộ với 219 nhân khẩu nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng sụt lún, thuộc các tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi, Trương Công Định và Phan Đình Phùng.

MỚI - NÓNG